Doanh nhân Vương Siêu Tín: Một lòng với nghề gốm

Cập nhật: 30-09-2014 | 08:57:41

Xuất thân từ gia đình có 4 đời làm gốm, anh Vương Siêu Tín chấp nhận dang dở con đường học vấn để theo nghề cha ông để lại. Giờ đây, anh là một trong những người đi đầu về cách nghĩ, cách làm mới về làm gốm ở Bình Dương.

Tìm đường ra cho gốm

Năm 1992, anh Vương Siêu Tín thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, ngành hóa. Sau những giờ học ở trường, anh trở về nhà xưởng làm gốm truyền thống của dòng họ ở Lái Thiêu, TX.Thuận An hun đúc thêm niềm đam mê với nghề gốm.

Anh Tín bên cạnh mẻ gốm sắp nung của công ty. Ảnh: K.VINH

Đang theo học ngành hóa, anh Tín bất ngờ quyết định nghỉ học về nhà phụ ba mình cáng đáng xưởng gốm Phước Dũ Long. Anh Tín nhớ lại: “Hồi đó nghề làm gốm cực lắm, tôi là con đầu nên quyết định nghỉ học để ưu tiên cho các em và giúp cha mẹ nhẹ gánh lo cũng là điều hợp lý”.

Nhưng khát khao thể hiện mình thôi chưa đủ, bởi những năm đất nước chưa mở cửa, người làm gốm ở Lái Thiêu dù có truyền thống, tay nghề cũng chỉ làm gia công cho các thương lái trong nước. Gốm Bình Dương lúc đó tuy có tiếng nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn rất thấp so với mồ hôi, công sức của người làm bỏ ra.

Cùng ba lèo lái Phước Dũ Long được vài năm, anh Tín quyết định xuất ngoại tìm đường ra cho gốm của mình. Anh nghĩ, gốm sứ Bình Dương đẹp, chất lượng đến mức nhiều thương gia từ các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ tìm đến mua đi triển lãm, sao mình không tự mang đi nước ngoài mời chào hàng của chính mình? Vậy là năm 2001, anh tự bỏ tiền ra để tham dự Hội chợ Spoga - Gafa (Đức). Đây được xem là bước đi đột phá, bởi từ hội chợ này hàng gốm cỡ lớn dành cho sân vườn, ngoài trời của Phước Dũ Long được nhiều khách hàng trên thế giới chú ý, tìm hiểu.

Tuy thế, do chưa có tên tuổi, lại đang chập chững tìm đường xuất ngoại nên các mặt hàng gốm của Công ty Phước Dũ Long dù được đánh giá cao nhưng vẫn chưa có đơn hàng. Tham gia hội chợ đến lần thứ 3 thì đơn hàng mới tìm đến Phước Dũ Long. Cho đến giờ anh Tín vẫn xem đó là bước đi đúng đắn. “Giá trị gia tăng trong đất của gốm Bình Dương rất lớn, cộng thêm bàn tay tài hoa của người thợ đất Thủ, gốm Bình Dương có nhiều tiềm năng xuất ngoại; nhưng quan trọng phải tìm được đích đến cho sản phẩm. Vì thế, khâu quảng bá, tiếp thị là cực kỳ quan trọng”, anh Tín chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia những hội chợ triển lãm, hàng năm, anh Tín còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng và khám phá nhu cầu khác nhau của khách hàng trên thế giới.

Đầu tư công nghệ để phát triển

Để bảo đảm sản phẩm mình bán ra thị trường ổn định, anh Tín rất chú trọng khâu tiếp thị qua internet, kênh bán hàng truyền thống… Hiện nay, tuy kim ngạch xuất khẩu của Công ty Phước Dũ Long lên đến 3,5 - 4 triệu USD/năm, nhân công lên đến hơn 300 người nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn. Trụ sở Công ty Phước Dũ Long ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên rộng đến 16 ha nhưng anh còn có dự định mua đất bên cạnh để mở rộng thêm diện tích nhà xưởng. Anh nói: “Hàng của công ty là hàng ngoài trời nên cần nhiều diện tích. Hơn nữa, trong những năm gần đây, dù tình hình chung của thị trường là khó khăn nhưng doanh số công ty liên tục tăng nên phải nghĩ đến việc đầu tư cho tương lai”.

Nhờ đổi mới công nghệ và đầu tư đúng hướng, Công ty Phước Dũ Long vững mạnh từng ngày. Ảnh: K.VINH

Với diện tích nhà xưởng lên đến 16 ha, nếu cho thuê mỗi tháng anh Tín thu về 3 tỷ đồng mà không phải làm gì; trong khi đó lợi nhuận của Công ty Phước Dũ Long hiện nay chưa đến 1 tỷ đồng/tháng. Nhưng anh vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cao công nghệ, mở rộng quy trình sản xuất, kinh doanh. Đó là vì niềm đam mê, tình yêu với gốm, với nghề cha ông để lại.

Ít ai biết được rằng, anh Tín là người đi đầu trong việc cải tiến công nghệ nung gốm khi bỏ ra hơn 10 tỷ đồng vào việc xây dựng lò nung bằng gas lớn đến 120m3. Ngoài ra, Công ty Phước Dũ Long cũng là một trong những công ty đi đầu trong nghiên cứu men, màu và nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên đến hơn 90%.

Cách đây khoảng hơn mười năm, xuất phát từ thực tế đất làm gốm ngày càng khan hiếm, anh Tín hiểu rằng đầu ra cho sản phẩm rất lớn, nhưng tài nguyên luôn hữu hạn. Các nước và vùng lãnh thổ có truyền thống về gốm sứ như Trung Quốc, Đài Loan… liên tục đổi mới công nghệ khiến cho thị trường ngày càng khó tính hơn. Từ trăn trở đó, anh quyết định đầu tư số tiền lớn cho dây chuyền xử lý đất. “Tôi âm thầm học hỏi công nghệ, tích lũy vốn liếng cả gia đình đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào dây chuyền xử lý đất. Nói không ai tin chứ tôi dồn gần hết lợi nhuận bao nhiêu năm làm gốm để đầu tư vào máy móc, công nghệ để hiện đại hóa sản phẩm. Tôi mong gốm của Bình Dương khẳng định mình trên thị trường quốc tế”, anh Tín tâm tình.

Không chỉ lèo lái Công ty Phước Dũ Long thành công, đi lên từ một xưởng gia công nhỏ đến quy mô tầm cỡ như hôm nay, anh Tín còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, có nhiều đóng góp quan trọng về chính sách, cách làm hay cho các hội viên trong hiệp hội. Hiện nay, anh Tín còn là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương. Dù ở đâu, cương vị nào, khi trò chuyện với anh Tín nhiều người dễ nhận ra một tấm lòng đau đáu với nghề gốm, với đất Thủ.

Anh Tín cho biết: “Tôi yêu cái nghề truyền thống này nên mới quyết chí gắn với nó, phát triển nó ngày càng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhưng điều tôi muốn nhất là nghề này tiếp tục phát triển, người gắn bó với nghề được tạo nhiều điều kiện để giữ gìn nghề truyền thống của đất Bình Dương”.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên