Độc lập về văn hóa, yếu tố quan trọng để bảo vệ Tổ quốc

Cập nhật: 22-07-2014 | 00:00:00
 Lịch sử Việt Nam đã cho thấy chính sự độc lập về văn hóa đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, cứu đất nước trước bất kỳ cuộc xâm lăng nào. Cuộc trao đổi với GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (thuộc trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) về lịch sử giao lưu văn hóa với nước láng giềng phía Bắc càng củng cố niềm tin ấy.

 - Xin Giáo sư phác họa nét đặc trưng trong mối giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (TQ)?

- Nét chính của mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và TQ đó là sự tương tác về văn hóa, một quan hệ hai chiều giữa hai dân tộc Việt và Hoa. Đã từng có một định kiến, một cách hiểu sai về mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, định kiến đó cho rằng đây là quan hệ một chiều, từ Bắc xuống Nam, rằng văn hóa Việt Nam chỉ là một bản sao của văn hóa Trung Hoa. Điều đó không đúng, đây là một quá trình giao lưu qua lại giữa hai nền văn hóa Việt và Hoa (sau gọi là Hán) hàng ngàn năm.

Dân tộc Việt là một bộ phận của cộng đồng Bách Việt, vào thời xa xưa vốn cư trú trên một vùng rộng lớn ở phía Nam dãy Tần Lĩnh - Hoài Hà, là một bộ phận của Đông Nam Á cổ đại, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Trong khi tổ tiên người Hán thì vốn là dân du mục rồi chuyển sang trồng kê mạch. Trước thời Tần - Hán, quan hệ giao lưu văn hóa chủ yếu là theo chiều ảnh hưởng từ phía Nam lên phía Bắc. Bởi văn hóa là kết quả của sự tích tụ, ngưng đọng nên quy luật là dân tộc nào làm nông nghiệp, mà nông nghiệp càng ổn định bao nhiêu thì vốn văn hóa càng lớn bấy nhiêu. Các dân tộc trồng lúa nước ở phía Nam chính là những người đã tạo nên được một nền văn hóa phong phú như thế. Bởi vậy mà người Hoa đã tiếp thu được từ văn hóa của cộng đồng Bách Việt rất nhiều, từ những thành tựu văn hóa vật chất như nghề trồng lúa nước và văn hóa lúa gạo, lối ăn bằng đũa, nghề trồng dâu nuôi tằm; ngôi nhà mái cong… cho đến những thành tựu văn hóa tinh thần như lối sống trọng tình, hình tượng con rồng, rồi các nhân vật thần thoại như Thần Nông, Bàn Cổ, Nữ Oa, Ngưu Lang - Chức Nữ...

   Lễ hội văn hóa Làng Sen - quê Bác

Chính quyền TQ thường tuyên truyền cho dân chúng của mình rằng Việt Nam hiếu chiến, Việt Nam hung hăng, Việt Nam xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ, vì vậy mà phải dạy cho Việt Nam một bài học. Dưới góc nhìn văn hóa thì điều này thật nực cười! Lâu nay chúng ta hay dùng từ “phương Đông” để chỉ cả một khu vực rất lớn từ Nam Á qua Đông Nam Á đến Đông Bắc Á, nên sinh ra rối. Văn hóa các khu vực này có nhiều điểm rất khác nhau. Việt Nam nằm ở trong khu vực Đông Nam Álà vùng sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, thuộc kiểu văn hóa “âm tính”, như người phụ nữ thích sống khép kín, chỉ muốn hòa bình và yên ổn. Thêm vào đó, Việt Nam lại là nước nhỏ thì làm sao mà dám hung hăng? Suốt lịch sử, chúng ta luôn dùng thế mạnh của văn hóa và trí tuệđể tự vệ, để làm sao tránh xung đột, để có thể sống yên bình.

Nhưng cũng chính vì âm tính, vì là nước nhỏ, nên mỗi khi bịđẩy đến đường cùng thì ông cha ta rất ý chí và bản lĩnh, luôn đặt độc lập và chủ quyền quốc gia lên trên hết, luôn khẳng định tinh thần Đại Việt - Đại Nam, khẳng định chân lý “bờ cõi nước Nam vua Nam ở”.

(Giáo sư Trần Ngọc Thêm)

Sau thời Tần - Hán, văn hóa Trung Hoa đã tích hợp được vào cho mình văn hóa phương Nam và nhiều nền văn hóa xung quanh, nhờ đó mà mạnh lên và ảnh hưởng trở lại từ phương Bắc xuống phương Nam. Nhưng trong việc tiếp nhận ảnh hưởng phương Bắc đó, với bản chất linh hoạt sẵn có, chúng ta đã luôn luôn có sự sáng tạo mãnh liệt, để tạo nên một văn hóa hoàn toàn Việt Nam.

Tóm lại, mối quan hệ giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa cần phải hiểu là mối quan hệ giao lưu, quan hệ có đi có lại.

- Tư tưởng nước lớn, tư tưởng bành trướng của TQ thể hiện rất rõ trong lịch sử. Là người nghiên cứu văn hóa, xin ông cho biết suy nghĩ của mình?

- Lịch sử hình thành và phát triển của TQ có thể nói đó là lịch sử của “chủ nghĩa thiên hạ” - sản phẩm của tổ tiên người Hán. Ngay đến một con người rất nhân văn như Khổng Tử, thì đồng thời cũng là một người ôm mộng “bình thiên hạ”. “Chủ nghĩa thiên hạ” của TQ không phải cái gì khác mà chính là “chủ nghĩa đế quốc”, chủ nghĩa bành trướng. Chính Tôn Trung Sơn trong những bài giảng về “Chủ nghĩa Tam dân” đã nói điều này: “Xét về mặt lịch sử, 400 triệu người Hán chúng ta từ con đường nào tới? Cũng là từ con đường chủ nghĩa đế quốc. Tổ tiên chúng ta trước đây thường dùng lực lượng chính trịđể xâm lược các dân tộc nhược tiểu”. Tần Thủy Hoàng đã dùng sức mạnh quân sự để thâu tóm thiên hạ về một mối, rồi dùng sức mạnh quân sự để ép dân chúng mọi nơi từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục vốn có của mình. Đến các triều đại Hán - Tùy - Đường -Tống… đều không ngừng tiếp tục thực hiện giấc mộng bá chủ thiên hạ ấy. Nói chung, các triều đại của TQ từ xưa đến nay luôn thống nhất về mục tiêu, chỉ khác nhau ở cách làm.

- Vậy những hành xử của chính quyền TQ hiện nay với các nước khu vực, trong đó có Việt Nam, có phải là sự phản ánh tư tưởng này không, thưa Giáo sư?

- Có chứ! Ngay từ năm 1945, khi quân Đồng minh thắng phát xít, Tưởng Giới Thạch đã lợi dụng cơ hội đó để đưa 20 vạn quân Quốc Dân Đảng vào nước ta với danh nghĩa là giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là xâm lược nước ta. Mao Trạch Đông từng bộc lộ ý đồ “Nam tiến” khi tiếp Tổng Bí thư Lê Duẩn mà không cần giấu giếm. Năm 1956, lợi dụng tình hình phức tạp giữa hai miền Nam - Bắc của Việt Nam sau Hiệp định Giơnevơ, TQ đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, khi quân đội Việt Nam Cộng hòa không còn khả năng quản lý, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì phải tập trung lo việc giải phóng đất nước, TQ lại đem quân đánh chiếm nốt cụm phía Tây của quần đảo này. Năm 1979, lúc chúng ta mới trải qua chiến tranh, Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tưởng có thể đè bẹp Việt Nam trong ít ngày. Năm 1988, khi Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn về kinh tế, TQ lại đem quân chiếm đảo Gạc Ma và một số bãi đá cạn ở quần đảo Trường Sa. Nay là lúc họ đang mạnh lên rất nhanh chóng, lợi dụng lúc tình hình quốc tế phức tạp, họ đã tiếp tục thực hiện “chủ nghĩa bình thiên hạ” của cha ông, hòng độc chiếm biển Đông.

- Vậy theo Giáo sư, Việt Nam cần làm gì để đấu tranh có hiệu quả trong vấn đề biển Đông hiện nay?

- Sức mạnh Việt Nam trong suốt lịch sử dựng và giữ nước luôn là sức mạnh tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Sự phản ứng mạnh mẽ của dân chúng đối với việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vừa rồi là một ví dụ. Sức mạnh đó cần được tôn trọng như nhà Trần từng mở Hội nghị Diên Hồng. Sức mạnh đó cần được nuôi dưỡng và phát huy. Cùng với đó, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách, giới nghiên cứu khoa học và nhân dân trên thế giới. Có lẽ phải, có chính nghĩa, chắc chắn ta sẽ nhận được sự ủng hộ của họ. Thêm nữa, cần tranh thủ sự ủng hộ của chính các học giả chân chính và nhân dân TQ một cách tối đa. Muốn làm được, chúng ta phải thẳng thắn và công khai. Văn hóa “âm tính” bây giờ là đã không còn thích hợp, bởi hiện nay là thời đại toàn cầu hóa, minh bạch hóa, chúng ta không công khai thì sẽ trở nên rất yếu.

- Gần đây, truyền thông có nói nhiều đến chuyện “giải Hán, thoát Trung” trong nhiều mặt, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Bản chất của vấn đề là làm sao tránh sự lệ thuộc, có vậy mới bảo vệ được sự tự chủ về kinh tế và độc lập về chính trị, cuối cùng là sự toàn vẹn về chủ quyền lãnh thổ. Riêng trong văn hóa, từ xưa đến nay, chúng ta luôn có một nền văn hóa độc lập, có tiếp xúc, giao lưu, học hỏi, tiếp nhận nhưng chưa bao giờ có sự lệ thuộc. Mọi thứ học hỏi, du nhập, nhờ tinh thần linh hoạt mà ta đã làm chúng biến đổi, trở thành một phần máu thịt của văn hóa Việt Nam. Chính sự độc lập và khác biệt về văn hóa đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, cứu đất nước ta trước bất kỳ cuộc xâm lăng nào. Nếu không có một bản lĩnh văn hóa vững vàng thì chúng ta đã hơn một lần mất nước từ lâu. Do vậy tôi cho rằng việc đặt vấn đề “giải Hán, thoát Trung” về văn hóa là thừa.

(Theo Chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên