Đọc thu âm - không chỉ là việc làm thêm

Cập nhật: 13-07-2010 | 00:00:00

Hè về, sinh viên (SV) các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) bắt đầu đổ xô đi làm thêm. Trong muôn vàn những công việc như: làm gia sư, phục vụ các đám tiệc, tiếp thị sản phẩm... thì hiện nay vừa xuất hiện một công việc mới, đó là: đọc thu âm làm sách nói cho người khiếm thị. Đây là một dự án nhân đạo của Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai (TT Sao Mai) thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM.

Vui vì làm sách cho người khiếm thị

Đó là câu trả lời chung của tất cả các bạn SV khi đến đăng ký tham gia dự án này. Nhìn qua ô cửa kính nhỏ của phòng cách âm, tôi thấy một bạn gái mang kính cận đang chăm chú đọc cuốn giáo trình dày cộp. Sau 1 giờ đồng hồ đọc xong gần 30 trang tài liệu, cô gái ấy ra khỏi phòng giải lao vài phút rồi lại tiếp tục vào đọc. Hỏi chuyện, tôi được biết em là Trần Thụy Thảo Nguyên (SV lớp Kinh doanh quốc tế 3, khóa 33, trường ĐH Kinh tế TP.HCM), quê ở Bình Long (Bình Phước). Nguyên tâm sự: “Ước mơ từ nhỏ của em là được trở thành phát thanh viên (PTV). Tuy nhiên, em lại đậu vào trường kinh tế, vì thế khi biết tin công việc đọc thu âm giống như một PTV nên em vội vàng đăng ký tham gia ngay. Hơn nữa, đây là công việc rất nhân đạo nên chẳng có lý do gì những SV như chúng em không nhiệt tình tham gia. Vả lại, với công việc đọc thu âm giúp em đọc được nhiều sách hơn, bổ sung thêm kiến thức cho chuyên ngành em đang học...”.

Dáng người nhỏ thó nhưng giọng đọc to, mạch lạc đã giúp chàng SV năm thứ nhất Lê Văn Hữu Phú (lớp Tâm lý giáo dục khóa 35, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đạt được nguyện vọng là góp một phần sức lực của mình giúp đỡ những người kém may mắn. Quê Phú ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), gia đình cũng khó khăn nên hàng ngày ngoài giờ đến giảng đường, Phú thường đi làm thêm kiếm tiền trang trải bớt gánh nặng cho gia đình. Và, nghỉ hè sẽ là dịp có nhiều thời gian kiếm tiền hơn, thế nhưng biết được dự án làm sách nói cho người khiếm thị, Phú đã tình nguyện đến đăng ký tham gia. Chàng SV 19 tuổi này hào hứng khoe: “Không ngờ mới test (kiểm tra) lần đầu em đã đủ điều kiện để được tham gia dự án. Phải nói rằng, công việc này em rất thích, rất hứng thú vì ít nhiều gì thì em cũng đang góp phần mang lại kiến thức cho những người khiếm thị. Họ cũng sẽ được học chương trình ĐH như bọn em và sẽ mở mang thêm tầm nhìn vào các lĩnh vực khoa học thông qua bộ giáo trình sách nói cho dù đôi mắt của họ không nhìn thấy...”.

Bạn Phạm Thành Trung, SV năm thứ 3 lớp Tâm lý giáo dục khóa 33, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phấn khởi cho biết: “Nghe thông tin công việc đọc thu âm rất ấn tượng nên em đã tìm hiểu kỹ và được biết đây là một công đoạn quan trọng trong dự án làm sách nói chương trình bậc ĐH cho người khiếm thị. Công việc rất “kén người” nên em cứ lo là không đáp ứng được điều kiện. May thay, giọng đọc của em cũng tạm ổn nên đã vượt qua vòng test”. Trung cười hấp háy đôi mắt cứ như là đã trúng tuyển vào làm ở một cơ quan với công việc nhàn hạ mà có lương cao ngất ngưởng. Trung cho biết thêm, mọi khi muốn đi tranh thủ làm thêm nhưng ba mẹ không đồng ý vì kinh tế nhà Trung cũng không khó khăn lắm. Thế mà lần này, nghe Trung đề nghị được đi đọc thu âm làm sách nói cho người khiếm thị, gia đình em đã đồng ý ngay.

Công việc không đơn giản!

Ngay sau khi vừa đăng tin tuyển SV làm việc bán thời gian, TT Sao Mai đã nhận được hàng chục cú điện thoại hỏi thăm cụ thể công việc như thế nào? Và, ngay ngày hôm sau đã có 40 SV đến dự tuyển. Bà Phương Thị Thơm (phụ trách TT Sao Mai) cho biết: “Sau khi test giọng đọc, trung tâm đã chọn được 12 bạn SV có chất lượng giọng tương đối khá. Trước đó, dự án thứ nhất chuyển từ sách in sang sách nói với chương trình bậc học phổ thông đã mang lại kết quả khả quan. Những người khiếm thị đã có được bộ sách nói hoàn toàn miễn phí để theo học hết lớp 12. Đến nay trước nhu cầu học tập nâng cao của người khiếm thị, chúng tôi tiếp tục làm dự án thứ 2 với chương trình bậc ĐH. Vì thế chúng tôi cần phải có một lực lượng SV đọc sách để thu âm làm sách nói cho người khiếm thị”.

Mới nghe qua nhiều người tưởng đây là một công việc dễ làm bởi lẽ ai đã đi học mà chẳng biết đọc, nói gì đến SV. Thế nhưng không đơn giản như mọi người nghĩ. Nghe thông tin tuyển đọc thu âm, tôi đóng vai một SV năm cuối xin được dự test. Đưa tôi vào phòng cách âm để đọc thử giọng. Chưa cần đọc hết trang, chị Thơm bảo tôi dừng lại và mở cho tôi nghe file vừa thu âm giọng đọc của tôi. Chị khen giọng đọc của tôi rất chuẩn và đồng ý cho tôi làm việc ngay. Chọn một cuốn sách giáo trình ĐH gần 200 trang tôi bắt đầu buổi làm việc đầu tiên. Ngồi phòng cách âm, máy điều hòa mát lạnh, tôi thấy mình giống như một PTV trên màn ảnh nhỏ. Tay cầm chiếc micro và ngồi trước máy tính, tôi bắt đầu nhìn sách đọc. Được khoảng 30 trang mắt tôi bắt đầu hoa lên. Lúc đầu thì tôi đọc rất trôi chảy, dần dần bị vấp và phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Tệ hơn là, chiếc micro cứ dần dần hạ thấp độ cao do tay cầm lâu nên có cảm giác mỏi, thế là khoảng cách miệng với chiếc micro xa dần nên âm thu không chuẩn nữa. Đang đọc nhìn lên màn hình máy tính thấy tối đen, tôi đưa tay gõ phím space thế là màn hình lại sáng. Báo hại cho tôi không để ý, khi vô tình gõ phím space nên máy hiểu là dừng lại. Vậy mà tôi đâu có biết cứ đọc như cái máy. Khi tôi đọc được đến trang thứ 38, chị Thơm vào kiểm tra thấy máy đã dừng thu âm từ lúc nào rồi... Mở file thu âm nghe, chị Thơm lắc đầu vì chất lượng giọng đọc không đạt. Lý do đơn giản chỉ vì tôi để micro cách xa miệng quá (lẽ ra chỉ cách 2 - 3cm) và đọc “chơi” mất gần 20 trang không thu âm được.

Thấy tôi tỏ vẻ thất vọng, chị Thơm động viên: “Không sao đâu, lần đầu nhiều bạn SV nào cũng gặp trục trặc như vậy. Có nhiều SV tình nguyện tham gia dự án này nhưng giọng đọc không chuẩn. Thật tiếc! Chúng tôi chỉ chọn được những bạn có giọng đọc to, mạch lạc, truyền cảm, phát âm chính xác... Thế nhưng trong số những bạn có giọng khá tốt cũng lại gặp nhiều trục trặc khi thực hiện công việc, như: Hớp hơi (do mệt vì không quen đọc nhiều); có bạn khi đọc xong cả giờ đồng hồ mở file nghe lại xem giọng đọc thế nào thì mới ngớ người ra là quên không bật micro, người khác lại quên không nhấn nút record (thu); Có người giọng đọc không đều, âm lượng nhỏ dần (lý do để micro cách xa miệng khi đọc); có trường hợp đang đọc bị vấp dừng lại sau đó lấy hơi đọc tiếp hoặc giải quyết việc gì đó rồi tiện tay nhấn lại nút record, thế là phần thu sau ghi đè lên phần thu trước...

Nghe chị Thơm kể những sự cố không đáng có thường xảy ra với những người làm công việc có vẻ như nhàn hạ này, tôi mới hiểu chẳng có công việc nào dễ dàng và đơn giản cả. Với những SV đã vượt qua vòng test đầu tiên sẽ được nhân viên TT Sao Mai hướng dẫn kỹ thuật thu âm nhưng người đọc phải am hiểu tin học mới có thể hoàn thành được phần việc mình làm. Sau phần đọc thu âm, người đọc phải tự edit file (chỉnh sửa tập tin) thu âm của chính mình để loại bỏ những ngắt quãng do nghỉ lấy hơi lâu quá, hoặc những câu sai phải đọc lại sao cho câu văn liền mạch.

 “Dự án làm sách nói bậc ĐH cho người khiếm thị kéo dài trong vòng 2 năm. Mỗi tuần các bạn SV làm việc 3 buổi, mỗi buổi 4 giờ (2 giờ đọc thu âm, 2 giờ edit file).Vì đây là một dự án mang tính nhân đạo nên chủ yếu dựa vào sự tình nguyện và lòng nhiệt tình của các bạn SV tham gia. Biết rằng các bạn SV gặp nhiều khó khăn, TT Sao Mai đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ có thể bồi dưỡng mỗi buổi làm việc (2 giờ đọc, 2 giờ edit file) là 50 ngàn đồng gọi là tiền xăng xe và chi phí ăn uống. Số tiền này quả là quá nhỏ so với công sức các bạn SV bỏ ra. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi cũng hết sức phấn khởi bởi các bạn SV không quan tâm đến vấn đề thù lao mà rất hào hứng với công việc mới lạ và rất ý nghĩa này” - Bà Phương Thị Thơm cho biết.

BĂNG PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên