Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Đôi bông tai mù u của nội

Thứ tư, ngày 08/08/2012
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Như nhiều người phụ nữ lớn tuổi khác, nội tôi luôn đeo đôi bông tai mù u. Bông tai nhỏ nhắn ôm lấy cái dái tai đã hơi thõng xuống vì tuổi tác nhưng trông rất ấn tượng, rất có duyên. Hình như, với đa số phụ nữ, giàu nghèo gì cũng có đôi bông tai “cho có với người ta”, là “được cưới gả đàng hoàng”... 

Với nội, đó còn là kỷ vật của ông bà cố gửi trao từ khi nội về làm con dâu trưởng trong nhà với bao gánh vác... giang sơn nhà chồng. Đôi bông tai bằng vàng ròng, thời rẻ nhất cũng đổi được vài giạ lúa cứu đói. Nhưng nội nhất định không bán, bởi đó là kỷ vật thiêng liêng của cha mẹ chồng trao tặng. Bà nói với ông: “Mình chịu khó đi làm thuê làm mướn kiếm thêm tiền đong gạo. Có thiếu nữa thì vay mượn người ta chứ đem bán bông tai, không nên!”.

Quý đôi bông tai là thế nhưng tôi nghe người lớn kể lại, khi ba tôi bệnh nặng, nội đã âm thầm đi cầm đôi bông tai lấy tiền chuyển viện cho ba. Nội cầm cố nhưng dặn đi dặn lại với ông chủ tiệm: “Đừng làm thất lạc, đừng bán cho ai nhé. Tui có quá hạn trả tiền cũng cứ giữ lại để tui chuộc. Phải đúng đôi bông tai này à nghe, tui... làm dấu rồi đó, mất là tui đền gấp mấy lần. Tui quý là vì quà của ba mẹ chồng tui cho đó”... Nghe kể, sau lần đó, nội làm quần quật, tằn tiện trong chi tiêu. Mãi đến 4 tháng sau mới chuộc được đôi bông tai về. Ngày nội nhờ ba tôi đeo lại cho mẹ đôi bông, nội cười cười: “Lâu nay cứ trống trải cái lỗ tai, vô duyên gì đâu”...

Cuộc sống gia đình tôi ngày một khá giả. Nội có con cháu đùm đề và ai cũng yêu thương, chăm sóc nội hết lòng. Người thân trong nhà tôi hay đùa, nói ông bà nội là... báu vật, phải luôn được nâng niu! Bà nội hay cười thật tươi, rung rung mái đầu bạc phơ và rung rung cả đôi bông tai mù u nữa. Ba mẹ tôi thương nội vô cùng, sắm cho nội nhiều món nữ trang nho nhỏ, xinh xắn nhưng nội cất lại đó, vẫn “trung thành” với đôi bông tai mù u của ngày xưa.

“Đứa cháu gái nào giỏi nhất, ngoan nhất, học hành đỗ đạt nhất nội tặng đôi bông tai mù u cho”. Đó là “phần thưởng” nội hứa nhưng ba tôi... can! Ba không chịu bởi với ba, đôi bông tai mù u đó sẽ theo nội đến cuối đời, đến khi về thế giới khác nó cũng theo nội luôn! Ba nói nội sẽ cho phần thưởng khác chứ không phải kỷ vật quý giá này.

Dường như, giữa ông bà cố, ông bà nội và ba mẹ cho tới chúng tôi sau này, đôi bông tai mù u của nội như là sợi dây liên kết tình cảm thắm thiết nhất. Đặc biệt hơn hết là giữa ba và nội. Bởi có khi, tôi thấy ba ôm vai nội thật lâu, tay mân mê đôi bông tai mù u của nội. Và nội cười, gương mặt rạng ngời hạnh phúc...

H.CẦN