Đổi mới hình thức hoạt động thư viện trường tiểu học

Cập nhật: 14-12-2019 | 08:44:58

 Năm học 2019-2020, ngành giáo dục - đào tạo chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho chương trình thay sách lớp 1 trong năm học tới. Một trong số những công việc ngành đã và đang thực hiện đó là xây dựng thư viện (TV) trường tiểu học đáp ứng đổi mới giáo dục.

 Thư viện trường học là nơi học sinh tìm đến đọc sách vào những giờ ra chơi

 Đa dạng loại hình thư viện trường học

Hiện nay, 100% trường tiểu học trong tỉnh đều có TV; trong đó có 87 TV đạt chuẩn, 35 TV đạt tiên tiến và 13 TV xuất sắc. TV là nơi có nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu học tập cho thầy trò. Với học sinh (HS), TV trường học hình thành cho các em thói quen đọc sách. Từ chỗ duy trì văn hóa đọc, các em tự bổ sung kiến thức cho mình, phát triển khả năng tư duy, tính tự học, khả năng sáng tạo, đồng thời xây dựng cho HS tình cảm đúng đắn. Do đó, khu vực dành cho HS, TV có đủ loại sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện đọc thiếu nhi, chuyện kể về Bác Hồ...

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, 2 năm qua các TV trường tiểu học trong tỉnh đã tổ chức đa dạng loại hình TV nhằm thu hút HS tham gia đọc sách. Trước đây TV trường tiểu học được bố trí trong phòng học. Tuy nhiên, với số lượng HS tăng cao như hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu đọc sách của HS, nên nhiều trường đã sáng tạo tổ chức TV thân thiện, TV di động, TV mini... giúp HS có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi. Tại trường tiểu học Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), trong các lớp học có một kệ sách, gồm sách tham khảo, truyện tranh, sách giáo khoa... Được sự chung tay của phụ huynh HS, góc TV xanh của các lớp được trang trí đẹp mắt và sinh động hơn, thu hút HS yêu thích đọc sách vào mỗi giờ ra chơi.

 “Với mô hình TV thân thiện, TV xanh, Bình Dương đang đi đúng hướng theo cuộc vận động đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của ngành. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để xây dựng bộ tiêu chuẩn TV trường tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chính thức, sở sẽ triển khai ngay đến các trường tiểu học, nhằm đáp ứng yêu cầu thay sách trong năm học tới”.

(Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT)

Một hình thức khác là trường học đưa TV xuống sân trường. Hình thức này hiện nay đang được đa số các trường tiểu học thực hiện, sách thường xuyên được cán bộ thay đổi, đáp ứng nhu cầu đọc sách cho HS vào những giờ ra chơi. Tại trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Thủ Dầu Một), dù đã có phòng TV rộng rãi, nhưng trường đã trang bị 2 chiếc tủ xinh xinh, được sơn phết màu sắc bắt mắt, chuẩn bị đưa sách xuống sân cho HS. Còn ở trường tiểu học Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), TV di động ở sân trường xung quanh là hoa kiểng đã phủ xanh trông thật thân thiện. Không gian đọc sách của HS khá lý tưởng, bởi cảnh vật thiên nhiên hài hòa, mát mẻ.

Nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua mô hình TV thân thiện của trường tiểu học Cây Trường (huyện Bàu Bàng) đã phát huy được hiệu quả. Ở ngôi trường này, HS có thể đọc sách ở mọi nơi. Từ nguồn kinh phí được cấp, trường đầu tư thêm cơ sở vật chất, tạo môi trường TV thân thiện, như: Trang trí các góc nghệ thuật, góc giải trí, góc đọc... trang trí bằng hình ảnh ở các dãy cầu thang. Để tạo thêm không gian đọc sách cho HS, trường còn xây dựng TV xanh dưới sân trường. Ngoài tủ đựng sách, sách còn được để ở một số chai lọ treo ở tán cây. Tạo thuận lợi nhất cho HS, nhà trường tổ chức đa dạng loại hình TV, ở mỗi lớp còn có TV mini, ở các dãy hành lang của các tầng lầu nhà trường cũng trang bị kệ sách nhỏ với những loại truyện ngắn, tranh ảnh đẹp, HS có thể đọc trong những giờ ra chơi.

Góp phần nâng cao chất lượng dạy học

TV chính là nơi tạo môi trường tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục của ngành GD-ĐT nói chung. Thu hút HS ham mê đọc sách, cán bộ TV ở các trường tiểu học đã duy trì hoạt động giới thiệu sách cho HS vào những giờ sinh hoạt dưới cờ. Theo cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, hiệu trưởng trường tiểu học Tuy An (TX.Thuận An), vào những dịp như: Kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, ngày giải phóng miền Nam (30- 4), Quốc khánh 2-9... trường tổ chức cho HS kể chuyện theo sách. Qua những câu chuyện kể, HS càng thêm yêu đất nước và tự hào về truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của cha anh. Và từ kiến thức phong phú trong sách, các em vận dụng vào học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Với trường tiểu học Cây Trường, theo ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đã phát huy được trách nhiệm trong việc hình thành thói quen đọc sách cho HS. Các thầy cô là những tấm gương đọc sách, truyền cảm hứng đọc cho các em trong các giờ học, nhất là môn tiếng Việt. Các giáo viên yêu cầu HS viết những cảm nhận của mình trong một bài tập đọc, một câu chuyện được nghe kể hay về một quyển sách các em đã được đọc ở TV... Chính hình thức lồng ghép giáo dục như thế, giúp HS tìm đến với sách.

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X