Kỳ 1: Xây dựng mục tiêu phù hợp
Bình Dương đang chuẩn bị mọi điều kiện để thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) để tiếp tục khẳng định “thương hiệu” trên chặng đường mới. Với nền tảng vững chắc cùng tiềm lực sẵn có, tỉnh đang sẵn sàng tâm thế, chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút FDI đạt trên 9 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may với dây chuyền tiên tiến, ít thâm dụng lao động. Ảnh: DUY TÌNH
Nỗ lực khẳng định
11 tháng của năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng Bình Dương vẫn thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đề ra, nổi bật là mức tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,78%, mức tăng trưởng này khá cao so với cả nước. Cũng trong thời gian này tỉnh đã thu hút hơn 1,73 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, vượt 23,7% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.913 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 35,3 tỷ đô la Mỹ và tiếp tục đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút nguồn vốn này.
Nhận xét về kết quả trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng Bình Dương vẫn giữ được phong độ trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN). Đây là kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian dài.
Những năm qua, Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc ban hành Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”, thực hiện mô hình ba nhà (chính quyền - doanh nghiệp và các viện, trường) để huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia đầu tư. Bình Dương cũng đã sớm nhận ra rằng, xúc tiến đầu tư tại chỗ, để chính các nhà đầu tư nước ngoài nói về sự phát triển của mình và môi trường đầu tư là cách hiệu quả nhất. Cụ thể như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), theo thông lệ mỗi năm diễn đàn này sẽ diễn ra ở một nước, nhưng trong hai năm liên tiếp 2018-2019 sự kiện quốc tế này diễn ra tại Bình Dương. Thông qua các diễn đàn kinh tế, hội nghị lớn để hội tụ các nhà đầu tư tiềm năng, Bình Dương mời khách đến nhà và biến địa phương mình thành trung tâm thu hút đầu tư của khu vực.
Chính quyền tỉnh cũng luôn cầu thị, thường xuyên đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, DN tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội phát triển. Các hội nghị đối thoại với DN được tổ chức thường xuyên trong những năm gần đây luôn thu hút đông đảo các nhà đầu tư, tiếp tục khẳng định Bình Dương là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.
Xác định mục tiêu, đồng bộ giải pháp
Lợi thế là vậy, song theo lãnh đạo tỉnh, Bình Dương cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa trong cuộc đua đón dòng vốn FDI. Để tận dụng cơ hội thu hút FDI, không chỉ dựa vào lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, mà còn cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thể chế. Bên cạnh đó, tiếp tục tinh gọn quy trình, thủ tục đầu tư; có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng.
Thời gian tới, việc thu hút các dự án FDI tiếp tục được tỉnh coi trọng, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, dự án xanh... nhằm phát triển bền vững. Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để thực hiện mục tiêu, trước mắt cũng như lâu dài, giải pháp hàng đầu của tỉnh là kiên trì thực hiện phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”. Trên tinh thần này, các cấp, ngành của tỉnh cần tiếp tục đặt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là trọng tâm và thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút 9 tỷ USD vốn FDI. Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh kiên trì quan điểm thu hút FDI có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Hiện tỉnh đang triển khai một số giải pháp, như tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho DN trong các hoạt động liên quan.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng, Bình Dương đang có rất nhiều công việc phải giải quyết, ngoài việc cải thiện chất lượng thu hút đầu tư FDI, tỉnh đang nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo thông thoáng, thuận lợi cho môi trường đầu tư, chuẩn bị quỹ đất mở rộng các KCN… Bên cạnh đó là đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư, phối hợp với các bộ, ngành, tăng cường mối liên kết vùng, phối hợp với các tỉnh, thành lân cận trong việc lựa chọn dự án, mời gọi đầu tư. Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn. Nỗ lực hơn nữa trong thu hút FDI để nâng cao sức cạnh tranh, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại. (Còn tiếp)
NGỌC THANH