Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
16. Nhưng, để cho cái đoạn đời trước đó ở Thanh Hóa được hiện ra trọn vẹn, hãy đừng vội bắt ông kể về đoạn A.13 ra đời. Thử la cà vào các giai thoại và quan niệm sống, cách xử của ông Trưởng ty Công an nhiều huyền thoại. Đời ông có nhiều sự rời bỏ đột ngột, mà chúng ta sẽ lần lượt biết tới sau này, vào cái thới kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông trở lại đời thợ. Các giai thoại nào người dân Thanh Hóa còn nhắc? Có người còn nói đùa mà thật là muốn xây đền thờ ông ở làng như thành hoàng, vì nhờ ông mà làng họ được yên ổn làm ăn, được thoát khỏi cảnh chém giết lẫn nhau vì phe cánh, cường hào ác bá... Chắc hẳn ông đã trừng trị nhiều kẻ phá hoại cách mạng, mà cũng đã cứu nhiều người.
Câu chuyện về ông Trưởng ty Công an không chỉ dừng lại ở cảnh xuất quỷ nhập thần trừng trị cán bộ của mình nhũng nhiễu dân - nấp sau lưng bà chủ cô đầu mập ú để bắt quả tang cán bộ dưới quyền sống sa đọa hút thuốc phiện ngay dưới thuyền - Bây giờ gặp lại những kẻ đã nhảy xuống sông dông thẳng vào Nam đó, họ cùng ôn lại thời sơ khái ấy và tự nhận hồi đó em bậy quá”, “sợ anh báo cáo cái vết trong lý lịch xa xưa thì bây giờ khó làm ăn” - Nhưng ngay như gặp lại kẻ đã chỉ cho giặc bắt mình ở Bồng Miêu, Hoàng Đạo còn không cần nhắc tới... Nhiều người có những bí mật cuộc đời được ông giữ kín trong lòng để cho con người được làm lại cuộc sống tốt đẹp hơn...
Các giai đoạn của ông ở Thanh Hóa còn được người lớn tuổi kể lại, do yêu mến mà thành giống các trang hiệp khách giang hồ - Nhưng rất nhiều chuyện khơi nguồn từ điều có thật.
Chuyện thứ nhất diễn ra vào một ngày mưa. Ông Trưởng ty Công an rẽ vào một quán nước bên đường. Người chủ quán, một thiếu phụ trẻ đẹp, có đứa con gái nhỏ. Sao nó thức khuya vậy. Nó đợi mẹ để cùng đi ngủ. Thế bố cháu đâu? Đứa trẻ trả lời bố đi lâu lắm rồi không về. Đến đây bỗng người mẹ nói thẳng: Bố nó bị ông bắn rồi còn đâu nữa mà về. Hoàng Đạo giật mình, vì lúc nãy hỏi thăm, ông nói mình là người đi buôn. Nghề nghiệp buộc ông phải giữ bí mật, cho dù là một trưởng ty hoạt động công khai. Càng ít người biết, càng tốt. Vậy mà bà chủ quán nước gọi đúng tên ông. Bà ta bảo: Thôi ông ơi, buôn bán gì, ông Ký Hồ Ang, còn tên thật là Hoàng. Bà ta còn khẳng định là biết rõ ông bắn chồng bà ở đâu. Nhìn vẻ mặt phúc hậu của người phụ nữ, ông muốn hiểu thêm câu chuyện. Giả sử như chuyện bà nói là thật thì sao? Sau khi nghe ông hỏi câu ấy người đàn bà đăm chiêu một lúc rồi bảo: Nếu ông không bắn chồng tôi, thì chồng tôi nhất định sẽ bắn ông chết! Đến đó thì Hoàng Đạo nhớ ra cuộc giao chiến giữa ông và tên trưởng ban giám sát Quốc dân Đảng.
Những đau đớn lắng dịu lại. Bà ta hiểu theo cách công bằng ông Trưởng ty làm nhiệm vụ của mình trong tình thế một mất một còn. Thanh Hóa yên ổn, đi vào trật tự như bà biết, là có phần quan trọng từ con người cương quyết và chính trực này. Từ đó, ông thường chú ý giúp đỡ cuộc sống của hai mẹ con. Đứa trẻ trở nên gần gũi, thân thiết, tạo nên tình bạn kỳ lạ giữa ông Trưởng ty Công an với một đứa trẻ, tình bạn ấy kéo dài năm năm. Đứa bé thường được ông đem cho quà, sách vở học hành. Có khi ông được mời tới ăn cơm. Mỗi lần ông tới, đứa trẻ réo gọi: Mẹ ơi, bác Hoàng về. Nó chạy ào đến ôm lấy ông. Mẹ nó cười: cháu nhắc bác mãi đấy. Hình như nó nhớ! Sau năm năm, Hoàng Đạo chuyển ra Hà Nội hoạt động điệp báo, mối quan hệ thân quý của họ mới chấm dứt.
Người ta còn kể một câu chuyện thứ hai, chẳng liên quan gì đến các sự kiện ghi trong “chính sử” Thanh Hóa. Nếu giở cuốn lịch sử Công an nhân dân Thanh Hóa giai đoạn 1945-1954, sẽ thấy có đủ tài liệu về sự hình thành các tổ chức công an hoạt động rất sớm. Tháng 8-1945, lực lượng Cảnh sát xung phong thành lập. Tổ chức liêm phóng Việt Minh sau đổi thành Trinh sát viện do ông Vũ Đình Chung làm Viện trưởng. Hai tổ chức trên đã lại nhập thành Việt Nam Công an vụ theo sắc lệnh Bác Hồ ký tháng 2-1946. Ông Phạm Văn Vinh được cử làm Trưởng ty. Trong cuốn lịch sử đó có in hình, có chú thích: Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng Đạo) Trưởng ty Công an Thanh Hóa thời kỳ 1946-1950, cán bộ ty điệp báo (bí số A.13) trực tiếp chỉ huy đánh đắm tàu Amyot D’inville của Pháp tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27-9-1950. Đọc cuốn sử đó dễ hình dung ra mặt trận giữ an ninh của lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ phức tạp nhất. Nhưng dân chúng lại ghi vào bộ nhớ dân gian những giai thoại cụ thể về nhiều nhân vật, trong đó câu chuyện của ông Trưởng ty Hoàng Đạo. Một ngày mùa xuân gần tết, Đà Lạt vốn không bào giờ nóng, lại càng lạnh thêm. Người ta còn kể cho nhau những câu chuyện của ông từ trước cách mạng khi ông làm việc ở Depol Tháp Chàm, là một đảng viên trẻ hoạt động qua lại ở tuyến đường răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm. Trên đường ra ga xe lửa Đà Lạt, Hoàng Đạo vào tá túc ở nhà ga qua đêm. Ông chúi vào cái góc mọi người nằm ngổn ngang, tính kiếm một giấc ngủ ngon, bỗng nghe tiếng ngáp trong xó tối của một phụ nữ. Ông ngạc nhiên khi có một người phụ nữ còn vất vưởng nơi đây. Thế là tỉnh ngủ, người phụ nữ đã kể chuyện mình yêu cầu ông giúp cho một việc. Câu chuyện giống như tiểu thuyết, cô cần một ông đóng vai là chồng về nhà ăn tết. Làng xóm thường dị nghị là gia đình nghèo khó không ra gì, con gái ế chồng. Từ xưa tới nay chưa bao giờ có người đàn ông nào đến hỏi han. Đó thật là một điều đau khổ của gia đình.
Nghĩ: “Vừa có chỗ ăn tết, không phải lang thang, giúp người”, ông nhận lời. Họ lên đường về quê cô gái ở trong một sở chè, cô gái lớn tuổi, không có nhan sắc lại là con nhà nghèo.
Về tới gia đình cô gái, ông mới chứng kiến một cái tết có ý nghĩa. Bà con họ hàng, hàng xóm nghe nói cô gái đưa chồng về quê ăn tết người ta kéo đến thăm. Nhưng vở kịch kết thúc nhanh khi Hoàng Đạo lên đường. Phải rút lui lặng lẽ. Cô gái đưa tiễn ông lối sau nhà. Cô không có yêu cầu nào khác, vớt vát được danh dự gia đình. Mãn nguyện với xóm làng. Bây giờ cô vui vẻ chỉ đường cho ông ra đi, với lời cảm ơn. Rời cái vùng chè xa lạ ấy, lòng ông để lại biết bao nhiêu thương cảm cho những éo le của người dân kiếp sống bần cùng, không cần biết đến ngày mai. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI