Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 25-09-2014 | 09:57:34

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

18. Vì sao có cái tổ điệp báo A.13? Một câu chuyện dài, ông Hoàng Đạo thường nhấn mạnh, cho đó là một việc quan trọng vào bậc nhất trong chuyện đời ông. Cũng có thể đây là một trong 4.000 câu hỏi mà ông giải thích rất nhiều vẫn có người không hình dung ra. Sáng nay, ông đến gặp tôi với một vẻ buồn rầu mặc dù ông chấp nhận được phê phán. “Tôi thường bị cả nhà phê bình là sao cứ hay đi. Thằng con tôi nói làm xong cái nhà ở Long Thành thì chấm dứt thói quen hay đi của tôi” - Có lẽ các con ông cũng hiểu rằng ngay cái công việc cuối cùng này, ông cũng xoay xở được cái cớ để xông ra công việc theo bản tính cổ hữu. “Mỗi tháng có hội nghị gia đình, mẹ nó tố giác tôi hay đi ngoài đường. Các con hỏi ba đi việc chi. Ba không biết, nhưng phải đi. Không hoạt động thì thà chết còn hơn”, ông kể chuyện vui: Ở gần nhà ông bên dốc cầu Trương Minh Giảng, có bà bán nước mía rất đẹp. Lại có một bà đi xe máy rất giỏi, thường chở giúp ông đi đây đó. Vợ ông thì bảo: nếu thích ăn chay cho nhẹ thì ăn, khi nào cần ăn mặn thì bà làm. Món ông ưa thích là chân gà hầm đậu. Người phụ nữ chở ông bằng xe máy thì góp ý: Nên ăn mặn bình thường cho có đủ dinh dưỡng - Bà cho rằng người già thường rất sai lầm khi giảm dinh dưỡng vào cái lúc cần dinh dưỡng chẳng khác nào trẻ nhỏ. Còn bà bán nước mía thì quan điểm rõ ràng: “Ông có cho tôi có lời khuyên trong đó không? Đừng ăn chay cũng đừng ăn mặn, mà nên uống nước mía” - Họ nói thật chứ không nói chơi...

Bao giờ ông mở đầu cho cái đoạn gay go sắp kể bằng câu chuyện vui. Vì sao có tổ điệp báo A.13, ý nghĩa của nó ra sao mà sau này được thành một biểu tượng của ngành công an. Năm 1948, ông Nguyễn Tạo được giao nhiệm vụ lập Ty điệp báo ngành công an tại Kim Bôi - Hòa Bình.

Tên tuổi của nhân vật phụ trách Ty điệp báo Nguyễn Tạo luôn xuất hiện trong câu chuyện của Hoàng Đạo với đầy vẻ kính trọng và yêu mến đặc biệt. Bạn đọc đã thấy được bản lĩnh cuộc đời ông Nguyễn Tạo qua cuốn “Ba lần vượt ngục” - Nguyễn Tạo luôn có mặt trong việc chỉ đạo công việc quan trọng nhất. Dù ông Tạo có được là nhân vật số một của ngành hay không, không ảnh hưởng gì tới lòng tin yêu, ông luôn là một nhà lãnh đạo tài năng của ngành công an. Có một sự thật là ông Nguyễn Tạo bị nhận xét về phong cách ưa mạo hiểm. Cái tính mạo hiểm này truyền cả đến cấp dưới là Hoàng Đạo. Vì sự phiêu lưu mạo hiểm này mà Hoàng Đạo đã bị chính quyền cách mạng giam cầm, suýt nữa thì đem xử bắn... nhưng về một mặt nào đó mà nói, chất mạo hiểm có thể được coi là một yếu tố khó tránh của nghề đặc biệt như tình báo - điệp báo. Trong nghề, đôi khi nhờ nó lại đến được những thành công lớn.

“Lúc tôi làm Công an Thanh Hóa, có quen biết rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tản cư theo kháng chiến, ở làng Quần Tín. Trong số đó có giáo sư Đặng Thai Mai”. Hình ảnh vị trí thức lớn này xuất hiện trong câu chuyện, tức là ông đang sắp nói đến một thời điểm và những nhân vật quan trọng của A.13, ông đã cùng tướng Nguyễn Sơn và ông Nguyễn Tạo bàn bạc tại ngôi nhà của giáo sư Đặng Thai Mai. Nội dung lớn nhất là: làm sao giữ được Thanh Hóa. giáo sư Đặng Thai Mai nói: phải giữ bằng mưu trí, chứ riêng về quân sự, ngay tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu 4 cũng nhận định là không đủ sức giữ. Đối với giặc Pháp lúc đó, ta đánh nó được mà không giữ được Thanh Hóa. Phải làm sao biến Thanh Hóa nó chiếm mà thực chất là của mình.

Lúc này Pháp đã sa lầy ở Việt Nam 5 năm rồi, yêu cầu quân sự viện trợ của Mỹ, vì không thể tự mình đủ sức đánh thắng. Mỹ chủ trương viện trợ trực tiếp, không thông qua Pháp. Chính điều kiện này khiến Pháp thèm muốn có một chính phủ bù nhìn được người Mỹ chấp nhận, nhưng thực chất là phải của Pháp. Ông Nguyễn Tạo đã cùng cơ quan lãnh đạo nhìn thấy thời cơ này, tương kế tựu kế khai thác. Đó chính là lý do Hoàng Đạo được chọn.

Nhưng tại sao lại là Hoàng Đạo, khi mà Pháp thừa biết rất rõ ông 15 tuổi Đảng, đã từng là một Giám đốc công an của Việt Minh? Đây cũng là một câu trong 1.000 câu mà ông đã trả lời tới mức ướt đẫm cả bộ quần áo đen khi chỉnh huấn, mà hình như vẫn chưa thuyết phục.

“Vì sao có con số A.13? Tôi tính ra từ chữ “Việt Nam độc lập” có 13 chữ cái ghép lại, đúng cái con số mà phương Tây kiêng kỵ cho là xui xẻo. Tôi tự chọn như vậy cho dễ nhớ. Tôi là A.13, sau này Kim Sơm A.14, Chu Duy Kính A.15 và chị Lợi là A.16 - Nhiệm vụ phải vào thành Hà Nội, leo sâu trèo cao, tác động giữ Thanh Hóa không cho Tây chiếm”.

Họ nhận định, cần phải tập hợp các đảng phái phản động để thành một lực lượng “chính trị” trong vùng tạm chiếm. Muốn vậy, phải có một đảng riêng.“Giáo sư Đặng Thai Mai gợi ý nên lấy tên đảng riêng đó là Phục Việt Cách mạng đảng - cái tên này khiến bọn địch cắn câu ngay. Chúng biết rõ có một đảng như thế thật do cụ Phan Bội Châu thành lập nhưng chưa hoạt động - Muốn tỏ ra có một đảng hoạt động, phải có cả luận cương, tuyên ngôn” - Tài liệu là ở trong đầu - Hoàng Đạo phải nghĩ ra - Lúc đó ông chẳng thấy khó khăn gì. Trong đầu đã nghe đầy những mớ hổ lốn cương lĩnh, nào tam dân chủ nghĩa, dân tộc dân chủ dân quyền, chủ nghĩa quốc gia cực đoan... Cũng giống như sau này trong lịch sử, Ngô Đình Nhu đẻ ra cái đảng Cần lao nhân vị...

Giáo sư Đặng Thai Mai ở làng Quần Tín. Chính phủ kháng chiến lập trường Y khoa, có thể coi như dự bị đại học đầu tiên của Việt Nam, tại chợ Đu Hậu Hiền, do giáo sư Trần Văn Giàu làm hiệu trưởng. Giáo sư Đặng Thai Mai đã như một cố vấn về văn hóa, chính trị, còn Nguyễn Tạo là người tổ chức, chỉ huy. Hoàng Đạo là cán bộ hành động. Nguyễn Sơn là tướng Tư lệnh - “Thế là một tổ điệp báo A.13 thành lập. Tôi là người được bố trí lên bệ phóng đưa vào vùng địch hậu tạm chiếm tại Hà Nội, thông qua các ổ trạm điệp báo của ta cài từ trước”. Hoàng Đạo sắp bước vào đoạn giải thích việc ông được tung vào thành, chứ không trở vào Nam củng cố các tổ chức công an như trước đó đã từng dự định. Chính ông Nguyễn Tạo đã giữ người cán bộ này lại, việc bảo vệ cho kỳ được Thanh Hóa quan trọng không kém. Nó là con đường liên lạc của Trung ương vào Nam. Lúc đó ta không có Hải quân vùng duyên hải. Cần phải biến Thanh Hóa thành mặt trận của điệp báo, vùng Pháp chiếm mà không của Pháp, giống như chiến khu Trần Hưng Đạo xưa. Hoàng Đạo hỏi ông Nguyễn Tạo về nguyên tắc để chinh phục người khác. Nguyễn Tạo đã chỉ ra vắn tắt: Nói thật. Nhưng với kẻ địch thì có khác là: chỉ nói thật những điều nó đã biết. Ông Tạo nhận xét rằng Hoàng Đạo có thái độ thuyết phục được: nói có lửa, có niềm tin. Cũng đừng từ chối mình là Cộng sản. Vào thành làm gì? Nguyễn Tạo đã nhìn ra được thực chất của tình hình: Pháp như con hổ đói, còn Hoàng Đạo chính là miếng mồi ngon. Làm sao nó không đớp. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên