Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 01-10-2014 | 11:05:24

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Đời ông nếm đủ - từ cái việc học ăn món da quay chấm mật ong, phải nhìn bọn đầm cách cầm dao khoét miếng thịt gọn gàng. Nhìn mà học cách Bảo Đại ăn yến để tay, gác khăn, mới đặt chén lên. Cho đến cả việc lạ đời ông như học nhảy đầm. Ngó người ta bước thì bước, không được ôm sát bà lớn. Tay đặt lên vai... Đi một vòng nhảy, đèn bật sáng phải cảm ơn rồi đưa người ta về bàn ngồi với chồng. “Tôi biết ơn Kim Sơn, anh ta giúp đỡ tôi nhiều trong cái xã hội lạc lõng ăn chơi. Khi người ta rót ly, Kim Sơn kín đáo đổi ly của mình qua. “Hoàng Đạo ở vùng kháng chiến vào, luôn tự nhận mình là dân dưới đáy, giờ đây buộc lòng sinh hoạt thượng lưu. “Nhảy” từ một công dân nghèo khổ lên chỗ mỗi khi ông đi đâu, chi tiêu gì có người đi theo trả tiền. Dại gì không tận dụng thời cơ ấy: hễ cô nào liên lạc từ kháng chiến vào, “ông Hoàng” cho cây bút pa-ke, một sợi dây chuyền và bộ quần áo. Chống Pháp mà lãnh trợ cấp của Pháp. Ông cũng gởi cả cây bút để “Ánh Mai” tặng cho giáo sư Đặng Thai Mai. Chiếc bút gởi cho ông Nguyễn Văn Ngọc, chỉ huy công an Trung kỳ của ta thì có hai chữ “Ánh Ngọc”. Mãi sau này, người kiến trúc sư ở Hà Nội là anh Đặng Thái Hoàng, con trai của giáo sư Đặng Thai Mai vẫn còn giữ chiếc bút ấy. Ông vẫn nhớ câu nói của giáo sư Mai: Hãy giữ Thanh Hóa bằng cái miệng của anh!

Sau này khi về hưu, Hoàng Đạo lĩnh lương hưu cùng phường với nhà văn Nguyễn Công Hoan. Họ thường đùa vui nhắc đã một thời Hoàng Đạo sống như ông Hoàng! Hoàng Đạo biết Nguyễn Công Hoan ngay từ tác phẩm “Kép Tư Bền” vừa in xong - ông ra Hà Nội, gặp và quen Nguyễn Công Hoan tại nhà chủ bút Nguyễn Đình Long. Họ đã cùng trao đổi văn chương từ ngày ấy. Qua gần hết cuộc đời, họ lại gặp nhau ở nơi cùng nhận lương hưu. Ông có lần hỏi nhà văn “vì sao lương tôi lại hơn anh”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan hài hước: “Vì tên tôi Hoan, còn tên anh Hoàng, anh hơn tôi chữ g”.

21. Một buổi sáng khi tôi tới phòng làm việc trễ, thì đã thấy ông Hoàng Đạo ngồi ngay ở bàn làm việc của tôi, hí húi viết. Ông thường tạt qua như vậy chẳng báo trước, khi không gặp, để lại vài dòng nhắn tin. Tôi buồn cười khi thấy ông ngẩng đầu lên chào tôi rồi lại cúi xuống viết tiếp. Người cần nhắn đây rồi, anh còn viết thêm gì đó? Nghe tiếng tôi, ông vội vã chấm ba chấm vào tờ giấy viết thư và ký tên một chữ Hoàng to tướng.

Trong thư nhắn rằng, ông sợ tôi không hiểu hết, không lý giải nổi một nhân vật vì sao lại gặp nhiều khó khăn và chạm cay đắng trong cuộc sống. “Nếu đời người chỉ có hành trang vào cuộc đời một cách bình thường thì lẽ ra phải được ăn học đào tạo, còn đây chỉ được học đến lớp dự bị trường làng (trên lớp đồng ấu) rồi phải đi ở đợ chăn trâu để lấy tiền, chỉ có mười đồng để chôn cha...

Lòng tôi se lại khi đọc những dòng chữ. Nỗi buồn mơ hồ về bao tài năng Việt Nam đã phải trải qua chiến tranh, những tài năng như ông mà chỉ dám ước mơ “tiếng học” - nhịp điệu của nhà máy. Nhờ tìm đến với cách mạng trong tranh đấu, tìm ra lẽ sống của người...

Ông lo rằng tôi “say sưa” với hình ảnh ông hoàng của tầng lớp trên, mà quên đi những ngày thơ ấu của ông trên cánh đồng quê hương.

Không, sao tôi lại có thể quên được cái xuất xứ quan trọng ấy. Đã đến lúc cần phải nói đến cánh đồng thơ ấu của ông. Hình như bao đổi thay, bao thăng trầm, cái điều cuối cùng còn lại vẫn là quê hương nơi đã sinh ra.

***

Vẫn còn đây đó cậu bé Nguyễn Văn Hoàng trong một con người từng trải này. “Tôi chỉ học lớp dự bị trường làng. Hình như trật tự học hành thuở ấy là: lớp đồng ấu, lớp dự bị, lớp nhì hai, lớp nhì một, lớp nhất, rồi mới thi sơ học yếu lược”.

Không rõ lớp dự bị ở cái làng Dĩ An, tổng An Thổ, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định thuở ấy cậu bé đã học được gì nhiều chưa - Một sớm mai mẹ gọi về để chôn cha. Cậu thôi học từ đấy. Lý do rất thương tâm: Phải đi ở đợ lấy tiền trả nợ cho chi phí đám tang chôn cha.

Một cậu bé tám tuổi, ở trần đen thui dưới nắng, cầm cái roi đi theo ba con trâu, hai con bò trên cánh đồng làng. Cái vùng đất ấy ngày nay không còn nữa. Ngay lúc đó, tuy hoang vu với cây mít nài nhiều người thắt cổ, đi qua ai cũng sợ, chú bé cũng sợ, tuy vậy người ta cũng đang để vật liệu trên cánh đồng để xây dựng Nhà máy xe lửa Dĩ An. Những thay đổi đã âm thầm đến với đất quê. Ngày nay, cuốn lịch sử đang viết cho vùng đất này với phong trào đấu tranh oanh liệt của công nhân xe lửa Dĩ An. Các mốc thời gian đã có một bề dày: Nhà máy bắt đầu làm từ năm 1902 cho tới 10 năm sau hoàn thành, do toàn quyền Albert Sarraut cắt băng khánh thành. Đây là nhà máy xe lửa lớn thứ hai sau nhà máy xe lửa Tràng Thi ở Vinh - Nghệ An. Việc Tỉnh ủy Bình Dương mời tham gia đóng góp ý kiến cho cuốn lịch sử phong trào công nhân đã làm sống dậy mạnh mẽ ở ông cảm xúc thời niên thiếu. Lại sống dậy hình ảnh chú bé chăn trâu quanh quẩn ở bên ngoài nhà máy, không có ruộng cày phải thuê ruộng ở làng Bình Thung, Bình Thắng cách 6, 7 cây số để làm ruộng. Những ngày mùa phải đưa trâu đến làm. Chú bé ngủ trên chuồng trâu để ba giờ đêm có người gọi dậy. Nhảy lên nằm sấp trên lưng trâu, đắp áo tơi bằng lá chằm. Đếm và quan sát trâu bằng cách nghe trong đêm tối tiếng chân trâu rút lên khỏi bùn kêu oàm oạp. Nằm trên lưng trâu, đợi sao mai mọc lên, tiếng chuông nhà thờ Bến Gỗ rung thì chủ ra lấy trâu đi cày. Còn chú, ăn cơm xong vác đôi giỏ, quang gánh sang xã Tân Vạn cắt cỏ gánh về. Đi trên con đường có hai hàng cây sao cao chót vót và bụi mù u bên đường heo hút. Chú vừa bước vừa đầm đìa nước mắt tủi thân nhớ mẹ. Cánh đồng thơ ấu của chú còn hai địa danh nổi tiếng là Vũng Bèo và Vũng Trường, nơi cho trâu ăn và uống nước. Nơi đó chú thường bị đánh nếu sểnh ra để trâu ăn lúa. Cây chàm của làng Bình Đáng - nơi sau này ông Ba Trò thợ sắt đưa Hoàng Đạo về diễn thuyết, thành lập Hội nông dân không có ruộng cày, những thứ ấy ngày nay không còn dấu vết. Nhà lầu đã mọc lên san sát. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên