Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 06-10-2014 | 14:50:32

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Lòng vừa mừng vì mọi chuyện còn tốt, chưa hỏng việc, nhưng Hoàng Đạo sẽ còn phải nhớ mãi lần hút chết này. Nhớ mãi những gian nguy. Đâu đó tận sâu trong lòng, ông ân hận và đau khổ. Ông đã phạm vào một lỗi lớn để hy vọng được gặp lại người mẹ đã bao năm cách xa, không rõ sống chết. Vậy mà trả giá quá đắt vẫn không gặp được mẹ. Ông chỉ còn nhớ cái lần cuối cùng gặp gỡ, trước khi trở về Hà Nội. Lấy lý do đi kiểm tra các đồn Pháp và Cao Đài, ông rẽ về Dĩ An. Người mẹ gặp con vừa mừng vừa đau khổ. Không hiểu trời cao đất dày xoay đổi thế nào mà con bà lại theo giặc. Bà run rẩy kể rằng khi con đi rồi, những người cách mạng tháng nào cũng tới phụ cấp tiền và gạo. Họ săn sóc một người mẹ có con đi làm ăn với giặc, bị bỏ rơi. “Tình nghĩa vậy mà con lại theo giặc, mẹ biết nói gì với họ?”. Hoàng Đạo an ủi mẹ: Hãy cứ trả lời với họ rằng con tôi làm gì, tôi không biết được - Mẹ cứ nói vậy!

Rồi con đi xa - Bấy nhiêu câu dặn dò làm sao giải tỏa được cho lòng mẹ hết đau khổ, mà con vẫn cứ biền biệt xa.

24.Câu chuyện về chiến công đánh chiến hạm Amyot D’inville được ghi lại trong lịch sử Công an nhân dân Thanh Hóa với tấm hình ông Hoàng Đạo từ ngày còn rất trẻ. Ông mặc chiếc áo đen như bất kỳ người chỉ huy nào trong thời kỳ kháng chiến - Dưới tấm hình có đề: Cán bộ Ty điệp báo bí số A.13 trực tiếp chỉ huy đánh đắm tàu Amyot D’inville của Pháp tại vùng biển Sầm Sơn - Thanh Hóa ngày 27-9-1950. Cuốn lịch sử đó cũng nói rõ Công an Thanh Hóa được Ty điệp báo Nha Công an Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với Công an Hà Nội trong một vụ án lớn. Nhân cơ hội Pháp bố trí chuyến tàu chở vũ khí, chuyên gia tăng cường cho “chiến khu ma”, đồng thời đón người của Đảng Phục Việt và các tài liệu đem ra Hà Nội, một kế hoạch được vạch ra. Chị Nguyễn Thị Lợi, một chiến sĩ tình báo trong vai vợ của Hoàng Đạo sẽ được đón lên tàu. Đây chính là điểm thắt nút cao nhất cho vở kịch được hạ màn. Các cán bộ và nhân dân, chính quyền Sầm Sơn, dân quân đã chèo thuyền, vận chuyển súng đạn và tổ chức, gây cơ sở, phục vụ cho trận đánh được thắng lợi. Lịch sử Công an Thanh Hóa còn ghi tên những người như ông Phạm Văn Khuyến chở thuyền, ông Cao Sử Sinh, Bí thư Chi bộ xã Quảng Tiến, ông Lương Ngọc Khuê cán bộ phản gián Thanh Hóa...

Một lần, khi đến nhà Hoàng Đạo, tôi thấy ông chỉ vào một bức tượng rất đẹp: “Đây là chị Nguyễn Thị Lợi, người cảm tử trên chiến hạm, vừa mới được truy phong anh hùng tại cuộc hội thảo ở Sầm Sơn”. Còn ở một góc phía sau bộ sa lông tiếp khách, có bức tượng bán thân của ông Hoàng Đạo. Một sợi mạng nhện bám vào từ đỉnh mũi kéo xuống miệng - Chắc chắn đã lâu chẳng ai nhìn ngó. “Chiến công, thì như cô biết rồi. Có thể nói là hàng ngàn trang sách báo đã viết, nhưng có những cái cũng chưa giải đáp hết” - Tôi đề nghị ông nói thêm một chút về sự kiện đã được viết thành sách đó.

Pháp luôn đề nghị ông đưa vợ con qua Pháp, bảo đảm cuộc sống yên lành. Ở vùng tự do của Việt Minh, rất nhiều bất trắc - Đó là do một thiện chí thật sự, hay là họ muốn nắm chắc con tin, số phận cả gia đình ông? Có lẽ muốn giữ con tin thì đúng hơn - mặc dù họ không nghi ngờ gì. Nếu nắm chắc được toàn bộ cuộc sống gia đình của ông nữa, sẽ thực sự trọn vẹn bảo đảm về một nhân vật cao cấp, con bài chủ. “Lúc đó chúng ta chuẩn bị mở chiến dịch biên giới. Phải đánh mạnh cho chiến tranh mau kết thúc, kháng chiến mau thắng lợi. Các đề nghị của Ngô Đình Diệm đưa tôi qua Mỹ học, về làm phó tổng thống, cũng như Pháp yêu cầu lập chính phủ bù nhìn do tôi làm thủ tướng, tất cả đều bị lãnh đạo ta bác bỏ”.

Ông tóm lược về diễn biến của trận đánh:

Như các cuốn tiểu thuyết đã viết rõ: “Theo yêu cầu của tôi, Pháp đưa một tàu ghé qua Thanh Hóa đón vợ con tôi lên tàu. Tôi, Kim Sơn, Chu Duy Kính (phụ trách đánh mìn) và Nguyễn Thị Lợi lên tàu. Anh Sử Sinh - Bí thư Chi bộ Quảng Tiến được lệnh của Huyện ủy Quảng Xương, lo việc phục vụ. Họ bố trí bốn tay chèo trung thành và khỏe mạnh, chèo một chiếc thuyền đi biển đưa chúng tôi ra cặp mạn tàu Amyot D’inville - Một đêm mưa, biển tối đen, phải đánh moóc bằng dấu hiệu đèn pin - Chúng tôi lần lượt trèo lên. Tôi đỡ chị Lợi lên bậc thang dây. Kim Sơn bảo vệ cầu thang phía trên để cho Kính đưa vali mìn lên. Mìn 30 kí-lô-gam, do công binh xưởng Công an Hà Nội làm ba kíp, nổ định giờ. Chu Duy Kính là người có nhiều kinh nghiệm. Anh đã tham dự đánh cháy 30 máy bay tại sân bay Bạch Mai theo kiểu mìn này. Giờ đây anh đóng vai người giúp việc - Chúng tôi đã xác định nếu vì trục trặc nào đó mà lộ ra thì đập mìn nổ và tất cả cùng chết theo con tàu.

Ông Hoàng Đạo dừng lại giữa câu chuyện, vì không thể không nói về nhân vật phụ nữ Nguyễn Thị Lợi, người đã được viết riêng một quyển sách. Ngày kháng chiến, người viết đầu tiên về chuyện này là nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Nhà văn tả rằng chị Lợi quyết hy sinh vì thù nhà nợ nước - Nợ nước thì có nhưng thù nhà thì câu chuyện rất éo le. Chị Lợi người miền Nam theo chồng về Bắc, gặp phải cảnh chồng chung, cay nghiệt không thể ở được. Chị gởi lại đứa con gái ở quê chồng ôm đứa con trai bé bỏng, tìm đường về quê. Đến Thanh Hóa, chị gặp người đồng hương Hoàng Đạo, nhận được sự giúp đỡ và khuyên không nên đi tiếp vì chiến tranh bom rơi đạn lạc. Chị Lợi vẫn cứ quyết đi tìm đường về quê. Pháp đổ bộ vào Hoàng Mai, chị ôm con chạy trở lại và trên đường loạn lạc đó, đứa con trai đã chết. Buồn thương, tuyệt vọng, chị trở lại tìm Hoàng Đạo. Ông mời chị ở lại trong nhà mình. Có lần chị đã tự vẫn không thành. Hoàng Đạo giúp đỡ, giác ngộ và chị tham gia hoạt động. Ở chị có lòng yêu nước, hy sinh vì lợi ích Tổ quốc, có xen một tấm lòng đau khổ riêng tư nữa. Chị đóng vai phu nhân, đem vali vào phòng nằm nghỉ. Ở bên ngoài, tổ điệp viên A.13 đang lần lượt chào người Pháp để xuống tàu. Bức tượng của chị Lợi đặt tại nhà ông Hoàng Đạo, được cả gia đình ông trân trọng gìn giữ, như một tài sản riêng. Họ luôn nhớ hình ảnh chị Lợi muốn ông cúi xuống hôn từ biệt. Sau khi dặn dò ông, gởi gắm lại đứa con gái còn ở lại với bố ở Mỹ Hào, Hưng Yên, chị mỉm cười trong nước mắt. Sau này, ông đã thực hiện đúng lời hứa. Trở lại Mỹ Hào đón bé Nguyễn Thị Tường Vân và Bộ Công an đã chu cấp nuôi cô bé đến trưởng thành. Đến bây giờ cô bé đã trở thành một phụ nữ có con học đến đại học. Họ vẫn giữ quan hệ như cha con. Ông nhớ lại nụ cười từ biệt của người anh hùng năm xưa. Lòng ông đầy xót thương. Nuốt nước mắt, ông giục chị uống thuốc ngủ để ngủ quên đi. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5085
Quay lên trên