Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 13-10-2014 | 08:39:20

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

>> Xem kỳ trước

Tôi hỏi: “Người của hôm nay có thể học được cách sống đó không? Nếu như có một kẻ khốn nạn nó ở bên mình và tìm cách hãm hại, liệu con người có thể rời bỏ ngay lập tức mà đi như ông đã làm?”.

Ngồi nhìn xa xăm, nhưng hình như chẳng nghĩ ngợi gì nhiều lắm, ông bảo: “Tôi ở một thời làm việc coi đó là nhiệm vụ cách mạng. Ngày nay thì có bộ máy tổ chức cán bộ hoàn chỉnh. Tôi đã từng phát biểu: tôi làm việc cho cách mạng chứ không phải đi làm công cho cá nhân thủ trưởng. Nếu thấy cần thay thì kiếm người khác. Tôi sẽ thôi ngay. Thời nay, cô khó nói câu đó với thủ trưởng của cô”.

Tôi suýt nữa thì nói với ông rằng tôi thích nước Mỹ ở chỗ con người thay nơi làm việc, thay chỗ ở một cách dễ dàng. Người ta có quyền tìm nơi phù hợp với điều kiện để phát triển tốt nhất cho lao động sang tạo và cho đời sống cá nhân.

Ông Đạo tiếp: “Giờ đây người đi làm phải đấu tranh một cách khó khăn trong nội bộ của mình. Nhưng phải vậy thôi, phải bảo vệ sự đúng đắn. Con người bị ràng buộc trong bộ máy. Giữa khách quan và chủ quan sao cho hòa hợp để phát triển. Đó là thử thách của thời đại cô”.

Làm như ông không còn chung một thời đại với tôi nữa vậy! Làm như ông đứng ở bên ngoài hành tinh để nói một chân lý đã xưa mà loài người không có thứ khác thay thế, vẫn phải xài nguyên tắc cũ. Đừng đi tìm ý nghĩa triết lý gì trong đời ông. Chỉ có sự biến hóa phong phú của thân phận một người đầy bụi đường xa, bụi đường của cả gần thế kỷ theo cách mạng.

30. Con trai cả của ông, người có cái tên giống với tên cha: Nguyễn Văn Hoàng Đạo - Anh sinh năm 1945 tại Dĩ An. Con đường trong lý lịch có vẻ tách biệt với các hoạt động của cha: học 6 năm ở trường Thiếu sinh quân tại Trung Quốc từ lúc 9 tuổi. Học trường học sinh miền Nam tại Hà Nội. 1964 vào chiến đấu ở miền Nam, hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Trở thành thương binh ở Khe Sanh. Trở về Bắc học tập tại Học viện Quân y. Anh nguyên là phó giám đốc một bệnh viện quân đội ở Quân khu 9, đã bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa. Hiện nay anh là Giám đốc Bệnh viện quân đội 175 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nói chung anh ít sống với gia đình. Bây giờ cha con mới có điều kiện gần nhau, để trao đổi công việc và bàn chuyện nhân tình thế thái. “Ông sống lãng mạn cách mạng, thường nhận xét chúng tôi thực dụng. Ông làm việc không đặt ra một điều kiện gì, còn chúng ta cũng phải qua khâu tổ chức. Với ông thì làm gì, không cần, miễn sao phục vụ cách mạng và giữ được tiết tháo người trung thực. Một con người cực kỳ thông minh, sáng suốt, nhưng hơi tự do”. Anh nhận xét về cha, người mà trong các cuộc họp gia đình thường chỉ có mình anh góp ý nhiều nhất. Trong gia đình đó, được tự do tranh luận mọi quan điểm. Từ tình yêu, phấn đấu cho tới công việc. Năm con trai và một con gái đều là đảng viên, họ là những đứa con lớn lên không bị đòn roi bao giờ. Bản thân người cha yêu tự do như vậy, nên không bao giờ áp bức các con. Với nhiệm vụ, với kẻ thù, lúc cần quyết liệt, ông không bao giờ yếu mềm. Hai cái khí chất đôn hậu và quyết liệt tưởng như đối chọi nhau, nhưng ở con người ông, nó là “mâu thuẫn của các mặt đối lập” để tạo ra tính cách Hoàng Đạo, một tính cách thống nhất nói theo kiểu triết học. Với công việc của cha, anh đánh giá thế nào? Những đứa con thì bao giờ cha mình chả là nhất. Người cha này lại như một bản anh hùng ca, có chiến công sáng chói trong lịch sử cách mạng của đất nước - Chắc chắn các con ông phải say mê chiến công của bố với lòng tự hào, nhiệt thành. Nhưng ở vị bác sĩ này, tình yêu thương kính trọng không làm giảm đi tính khách quan mà con người hiện đại thường có. Anh nói: Người Nam bộ thường có tính tự nhiên, cởi mở, phóng khoáng, bộc trực. Nam bộ là vùng đất của những con người như vậy - Người như cha tôi khó mà làm “lãnh tụ”. Tôi cười: Thì ông chả làm “lãnh tụ” Đảng Phục Việt, chả làm lớn đến Quốc vụ khanh của Quốc trưởng đó thôi - Anh Hoàng Đạo cũng cười: Đó là chính khách của địch! Cha tôi đóng thành công trong chính trường của địch, lúc đó ông là “Điệp viên A.13”!

Các điệp viên không được ca ngợi lúc họ còn sống. “Ba tôi cũng sống im lặng cho đến cuối đời. Do đó tôi nghĩ nghề tình bào là nghề bạc bẽo vào hạng nhất” - Khi nghe anh nói thế, tôi nhớ ngay đến các nhân vật tình báo của tôi được gặp trong đời làm báo như Phạm Xuân Ẩn, Trần Ngọc Hiền, Vũ Ngọc Nhạ, Mười Hương... Đã có lần tôi hỏi họ ý đó. Cái nghề đầy nguy hiểm, nhiều tình tiết không thể xác minh, có gây nhiều đau đớn cho họ? “Cái nghề nó vậy - Khi mình làm là đã lượng điều đó rồi - Đó là một trong các mặt thử thách của nghề” - Có người trong số đó trả lời như vậy. Họ không trả lời phỏng vấn đưa lên báo, mà là những phút có tính chất trao đổi thực sự thường diễn ra sau buổi làm việc chính thức - Không riêng nghề tình báo - Có nhiều nghề tự coi là bị bạc bẽo. Các thầy giáo ví mình như “chở đò qua sông”. Nghề diễn viên sân khấu rất nhanh qua “thời vàng son” và sau đó là khoảng trống mênh mông. Đôi khi không phải do ai bạc đãi cả - mà là cuộc sống nói chung. Hơn nữa, trên thế giới người ta cũng từng có câu: “Mười nghề thì có mười một nỗi khốn khó” - Số nỗi khốn khó nhiều hơn số nghề. Thiếu gì các vị tiền bối, vì phải bỏ gia đình đi làm cách mạng, vào tù ra khám, không có điều kiện dạy dỗ được con. Nhiều người nổi tiếng, mà con cái lại chả ra gì - Đó cũng là sự hy sinh, hay là một mặt trái của sự hy sinh. Nhiều người con biết hoàn cảnh bất lợi đó, nỗ lực vươn lên. Số người chỉ dựa vào tên tuổi của cha mẹ để công thần, đòi nhà, đòi cửa, tưởng rằng mình cũng là “nhân vật” - số đó cũng chẳng phải hiếm gặp. Những ý nghĩ về những loại người chợt đến, khi tôi tiếp tục nói chuyện với bác sĩ Hoàng Đạo.

Anh nhận xét tiếp: Ba tôi, già rồi. Về tư chất thì tôi đánh giá là người xứng đáng ở cương vị tốt, được cả về tư cách và trí tuệ. Nhưng con đường “hoạn lộ” không may mắn, không được như người cùng trang lứa - Nóng tính, hay cự. Chúng tôi thường đùa nhau: Nếu ở cơ quan cãi thủ trưởng, về nhà cãi vợ thì đời tất phải lận đận. (Còn tiếp)

 

 Cô Nguyễn Thu Hải, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TX.Dĩ An: Hoàng Đạo là tấm gương sáng cho lớp trẻ!

 Cô Nguyễn Thu Hải, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TX.Dĩ An, cho biết cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ - chân dung điệp viên A.13”, mỗi mục là một câu chuyện thú vị về cuộc đời của điệp viên Hoàng Đạo. Càng đọc, càng giúp cô hiểu hơn về đức tính kiên định, sống tình cảm, đạo đức của một người cách mạng tài ba. Theo cô , với nhân vật như Hoàng Đạo, các bạn thanh niên ngày nay cần tìm đọc cuốn sách để học tập và noi gương.

 

 Cô Hải luôn dành thời gian theo dõi hồi ký “Đời người xuyên thế kỷ” trên báo Bình Dương

 Do thường xuyên đi cơ sở nên cô Hải không theo dõi kịp các mục trong cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ” trên báo Bình Dương đăng tải hàng ngày. Thế nhưng, sau khi đi công tác về đến cơ quan, cô đều sưu tầm tất cả những trang báo đã đăng để đọc lại. “Càng đọc, cuốn sách đã “cuốn” tôi vào các câu chuyện hấp dẫn của điệp viên Hoàng Đạo (tức Nguyễn Văn Hoàng)”, cô Hải nói. Theo cô Hải, ông Hoàng Đạo là một nhân vật rất tài giỏi. Ông chưa học qua trường lớp, không được hướng dẫn cách trở thành điệp viên nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ một thanh niên nghèo trở thành nhân vật xuất sắc, ông đã tự học bằng cách quan sát, ghi nhận. “Thời kỳ sống ngay ở đời sống chính khách, sống cạnh vua chúa, ông phải tự luyện cử chỉ cho đúng vai thượng thư trong cái “Ủy ban tham mưu tối cao Pháp - Việt” - Trước lúc nói phải suy nghĩ, ngay cả việc ngồi cũng phải luyện”, cô Hải dẫn chứng trong sách.

Những câu chuyện về nhân vật Hoàng Đạo được cô kể lại rành mạch khi cô trao đổi với chúng tôi. Đó là, ông Hoàng Đạo còn thể hiện đức tính cương trực, coi vật chất là thứ yếu để hết lòng cho cách mạng. Ông khéo léo thuyết phục Bảo Đại không cho Pháp vào phá lăng Triệu Tường. Mục đích là cố giữ lấy đập Bái Thượng cho nhân dân Thanh Hóa có cơm ăn và là vựa thóc nuôi Việt Bắc. Tuy nhiên, Bảo Đại không hề hay biết, nghi ngờ gì ông.

Cũng theo nhận định của cô Hải, ông Đạo còn sống rất tình cảm và “công tư phân minh”. Chi tiết, ông thường xuyên ghé thăm hai mẹ con của tên Trưởng ban giám sát Quốc dân Đảng do chính ông bắn chết đã thể hiện điều cô muốn nói. Dù gặp người giết chồng, cha mình nhưng cả vợ và con người đã khuất vẫn không hề trách móc ông. Theo lời tác giả Ngọc Hải viết: “Bà ta hiểu theo cách công bằng ông Trưởng ty làm nhiệm vụ của mình trong tình thế một mất một còn. Thanh Hóa yên ổn, đi vào trật tự như bà biết, là có phần quan trọng từ con người cương quyết và chính trực này. Từ đó, ông thường chú ý giúp đỡ cuộc sống của hai mẹ con. Đứa trẻ trở nên gần gũi, thân thiết, tạo nên tình bạn kỳ lạ giữa ông Trưởng ty Công an với một đứa trẻ, tình bạn ấy kéo dài 5 năm. Đứa bé thường được ông đem cho quà, sách vở học hành...”.

Dù chưa đọc hết các mục đăng trên báo Bình Dương nhưng cũng đã giúp cô Hải biết nhiều chi tiết mà ông Hoàng Đạo tiết lộ với tác giả. Cũng theo cô Hải: “Trước đây tôi không hề biết Hoàng hậu Nam Phương bị câm; Dĩ An ngày xưa hoang sơ... Nếu như không có những nhân chứng như ông Hoàng Đạo thì có lẽ những chi tiết đó mãi mãi “ngủ quên” trong quá khứ”.

Cuốn sách “vẽ” lên cuộc đời nhân vật không theo một cách diễn giải từ hiện tại đến quá khứ, hay quá khứ rồi quay về hiện tại mà được xáo trộn giữa quá khứ và hiện tại. Do đó, đã thu hút độc giả, nhất là những người mê tìm hiểu lịch sử. Bên cạnh đó, tác giả đã dùng văn nói nhiều hơn viết, tạo nên sự gần gũi cho người đọc. Đến giờ này, khi đọc gần hết cuốn sách, cô Hải khẳng định: “Cuốn sách viết về nhân vật Hoàng Đạo rất hay. Do đó, thế hệ trẻ nên tìm đọc để học hỏi. Đọc cuốn sách sẽ cảm nhận được con người Việt Nam yêu nước tài hoa. Những đóng góp của ông đã góp phần đem lại thành công cho cách mạng. Đây là tấm gương sáng để giáo dục lòng yêu nước hiệu quả cho lớp trẻ sau này. Đoàn thanh niên các cấp, cần sưu tầm, tuyên truyền để thế hệ thanh niên đọc, học tập những đức tính tốt đẹp của nhà tình báo Hoàng Đạo”.

 T.LÝ

 NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên