Đối thoại trực tiếp giữa cục thuế và doanh nghiệp: Thẳng thắn, cởi mở

Cập nhật: 03-12-2010 | 00:00:00

Cục Thuế tỉnh Bình Dương vừa có buổi đối thoại trực tiếp định kỳ lần II/2010 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là góp ý, bổ sung về chính sách thuế; các thủ tục thu thuế và thái độ, hành vi của cán bộ công chức ngành thuế. Điểm nổi bật trong lần đối thoại này là tất cả các câu hỏi, trả lời đều rất sống động, trực tiếp.

Hỏi nhiều, nhưng...

Đại diện Công ty P&G ở Thuận An “mở hàng” bằng câu hỏi: Cơ sở cũ đã hết hạn ưu đãi đầu tư và đã trở nên quá tải, doanh nghiệp phải tìm đất để mở rộng. Việc đầu tư mới là rất tốn kém và chậm sinh lợi, như vậy có được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư như năm 2008 không? Là doanh nghiệp 100% vốn FDI và việc góp vốn được tính bằng USD, thực hiện bởi các cổ đông nước ngoài. Khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần và cơ cấu lại doanh nghiệp thì phần chênh lệch do biến động tỷ giá có bị tính thuế? Tiếp sau đó là một loạt các câu hỏi khác của các doanh nghiệp cùng nhóm có vốn đầu tư nước ngoài như: Là công ty con chỉ thực hiện gia công theo đơn đặt hàng của công ty mẹ từ nước ngoài nên phải áp dụng 5 phương pháp giao dịch thị trường theo Thông tư 66 của Bộ Tài chính. Nhưng do chỉ làm có 1 mặt hàng và 5 phương pháp giao dịch trên đều không sát thực tế thì làm sao? Số dư cuối kỳ nếu tính theo tỷ giá bằng VNĐ thì có lãi mà thực hiện bằng USD thì lỗ, vậy phải chọn cái nào và nếu có lãi thì có phải đóng thuế...?

 

Quang cảnh buổi đối thoại trực tiếp giữa Cục Thuế và cộng đồng doanh nghiệp

Các câu hỏi trên đã lần lượt được trả lời kết hợp giải thích cặn kẽ như: Các khoản đầu tư phát sinh từ sau năm 2008 đều không được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định, trừ trường hợp đã thực hiện đầu tư từ năm 2008 nhưng phải triển khai sau đó. Nếu góp vốn bằng USD thì các tính toán sau đó cũng phải bằng USD. Còn nếu đã quy đổi sang VNĐ thì số dư sau kết dư phải nộp thuế theo quy định. 5 phương pháp giao dịch liên kết chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp thực sự có mối quan hệ liên kết, ngoài ra thì áp dụng các quy định khác có liên quan.

Phải tiếp tục cải tiến

Đại diện doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Thuận An bức xúc: Doanh nghiệp chúng tôi không may bị hỏa hoạn phải tạm ngừng sản xuất nên kéo theo một số chậm trễ khác như nộp thuế, đóng phạt. Sau khi đã khắc phục hậu quả chúng tôi đã thực hiện đóng phạt trên 10 triệu đồng cùng với số tiền nộp thuế trên 1,6 tỷ đồng. Nhưng do bối rối chúng tôi đã nộp vào 1 trong 2 tài khoản của Cục Thuế. Vậy mà không hiểu sao Cục Thuế cứ đều đặn gửi giấy báo nợ cộng với báo phạt làm cho giám đốc và cả công ty đều ám ảnh. Công ty Giải pháp công nghệ C&C hỏi tiếp: Việc áp dụng công nghệ thông tin vào khai báo, nộp thuế sẽ tiện lợi, đơn giản và tiết kiệm sao ngành thuế không áp dụng để đôi bên cùng có lợi?

Ông Võ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế đã ghi nhận ý kiến và lần lượt giải thích: “Lỗi trước tiên là do doanh nghiệp nộp không đúng tài khoản. Theo quy định nếu không có lệnh của người nộp tiền thì chủ tài khoản không được tự ý điều chuyển vì đây là tiền ngân sách. Rút kinh nghiệm khi phát hiện đã nộp sai thì doanh nghiệp phải thông báo để cơ quan chuyên môn kịp thời điều chỉnh. Nếu trên bắt buộc doanh nghiệp phải khai báo thuế qua mạng thì rất dễ vì chỉ cần 2 điều kiện là chữ ký số và chứng thư số. Cục Thuế đã lựa chọn 300/4.000 doanh nghiệp do Cục quản lý để triển khai thí điểm nhưng kết quả thật đáng buồn. Chỉ có 4 doanh nghiệp chịu áp dụng khai báo thuế qua mạng. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến và cộng đồng doanh nghiệp cũng phải lựa chọn giải pháp phù hợp để việc ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả, tạo thuận lợi cho tất cả các bên liên quan”. Buổi đối thoại được đánh giá là thành công với nhiều cải tiến nổi bật.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên