Đội xe ôm… nghĩa hiệp

Cập nhật: 07-07-2014 | 00:00:00

Đó là những bác tài của Đội xe ôm tự quản thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Họ không chỉ hành nghề để mưu sinh mà còn có nhiều việc làm tốt, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, được người dân yêu mến.  

Công an thị trấn Dầu Tiếng thường xuyên làm việc với tập thể anh em trong Đội xe ôm tự quản

“Hiệp sĩ”… xe ôm!

Đến bến xe buýt thị trấn Dầu Tiếng, chúng tôi nghe nhiều người dân khen ngợi và kể về những tài xế xe ôm gan dạ, sẵn sàng ra tay bắt tội phạm. Nhiều người cho rằng, các tài xế xe ôm trong Đội xe ôm tự quản là những “hiệp sĩ” giữa đời thường. Đội trưởng Nguyễn Tấn Tài cho biết: Ngoài việc chạy xe để có thu nhập, các thành viên của đội còn nắm bắt thông tin về tình hình ANTT xảy ra trên địa bàn, sẵn sàng phối hợp với lực lượng công an để phòng, chống và đấu tranh, truy bắt tội phạm. Mới đây, trong lúc đang đón khách, anh phát hiện một đối tượng lạ mặt có hành tung bất thường. Nghi ngờ đây là một đối tượng trộm cắp tài sản nên anh và hai đồng nghiệp là Nguyễn Văn Trung và Đặng Hoàng Đạt chia nhau theo dõi. Khoảng 45 phút sau, khi thấy ông Nguyễn Văn Lý, ngụ thị trấn Dầu Tiếng đang say rượu, để xe gần đó mà ngủ vùi trên ghế đá trong công viên, tên trộm này rút đoản phá khóa xe máy và lục lấy chiếc điện thoại của ông Lý. Vừa thực hiện xong hành vi trộm cắp tài sản, tên trộm lập tức đã bị 3 “hiệp sĩ” xe ôm bắt giữ giao cho Công an thị trấn Dầu Tiếng xử lý. Đối tượng trộm là Sơn Vinh, SN 1979. Qua điều tra, cơ quan công an xác minh Vinh là đối tượng trộm cắp tài sản chuyên nghiệp, đã có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản vừa được ra trại, chưa được xóa án tích lại tiếp tục gây án. Và chuyện các “hiệp sĩ” xe ôm bắt đối tượng đốt pháo lại lòi ra chuyện tàng trữ ma túy trái phép và trồng cần sa. Lúc đó, các “hiệp sĩ” xe ôm Nguyễn Tấn Tài, Lê Minh Đức và Nguyễn Văn Chà đang đón khách thì phát hiện có một đối tượng đốt pháo ném về phía các anh rồi bỏ chạy. Lập tức, cả 3 anh truy đuổi và tóm gọn hắn và giao cho công an xử lý. Đối tượng khai tên Phạm Trọng Phước, SN 1977, ngụ thị trấn Dầu Tiếng. Kiểm tra nơi ở của Phước tại KP.2, thị trấn Dầu Tiếng, công an phát hiện đối tượng này tàng trữ ma túy trái phép và trồng cây cần sa trong vườn nhà.

Bà Nguyễn Thị Hường, 50 tuổi, buôn bán tại bến xe buýt Dầu Tiếng, cho biết từ khi Đội xe ôm tự quản đi vào hoạt động, tình hình ANTT ở bến xe đã tốt hơn trước rất nhiều; các “hiệp sĩ” trong Đội xe ôm là những người đã âm thầm đóng góp công sức vào sự bình yên ở địa phương.

Vất vả mưu sinh!

Trung tá Lê Ngọc Giàu, Trưởng Công an thị trấn Dầu Tiếng cho biết Đội xe ôm tự quản thị trấn được thành lập vào năm 2004 với 35 thành viên. Hàng tháng, Công an thị trấn tổ chức họp một lần để phổ biến về tình hình, thông tin, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm pháp, qua đó tuyên truyền pháp luật đến các bác tài xe ôm. Từ ngày thành lập đội cho đến nay, tình trạng chèo kéo, ép giá khách đã hết hẳn; an ninh trật tự tại các bến xe được ổn định và đi vào nề nếp.

Theo chân thiếu tá Tô Văn Mai đến thăm phòng trọ của gia đình “hiệp sĩ” Ngô Phi Lương tại KP.2, chúng tôi thấy căn phòng trọ rộng chừng 60m2, ngoài chiếc xe cà tàng dùng làm phương tiện hành nghề thì gia đình anh Lương không có tài sản nào đáng giá. Năm 2009, để có tiền cho con trai làm thủ tục nhập học ở trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, anh Lương phải bán nhà và tài sản để chu cấp cho con học hành nên gia đình anh thuê phòng để trọ. Anh nói: “Mình hy sinh mong sau này con nó có chữ, biết sống ở đời, là công dân tốt có ích cho xã hội và tự lo cho bản thân là tốt rồi. Dù khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng tôi quyết tâm không thể để cái nghèo đánh rơi con chữ”. Được biết, để có tiền chu cấp cho con ăn học, vợ anh dù đang bị viêm khớp nhưng cũng nhận làm thuê mướn để kiếm tiền lo cho con.

Tương tự, “hiệp sĩ” xe ôm Trương Bảo Quốc, ở KP.2 cũng ngày đêm vững tay lái để chu cấp cho con gái đang học Cao đẳng Ngoại ngữ ở TP.HCM. Chia sẻ về những vất vả, hiểm nguy trong nghề xe ôm và khó khăn trong cuộc sống gia đình, anh Quốc bày tỏ: “Mỗi người đều có việc làm riêng để sống. Đối với tôi, việc mưu sinh bằng nghề xe ôm để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn và lo cho cuộc sống gia đình. Còn việc nắm thông tin về an ninh trật tự, sẵn sàng truy bắt, tố giác đối tượng phạm pháp là trách nhiệm chung của mỗi công dân”. Cuối năm 2009, trong một lần chở khách anh đã bị tai nạn, cũng từ đó sức khỏe của anh bị giảm sút. Để lo cho con ăn học, vợ anh cũng phải làm thuê làm mướn nhiều công việc để kiếm thêm tiền lo cho gia đình.

Thế mới thấy, dù cực nhọc, vất vả đến đâu các bác tài xe ôm vẫn mong con hiếu học, thoát nghèo. Và dù có nghèo, có khó nhưng họ vẫn đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác trong lúc hành nghề, góp phần nhỏ mang lại bình yên cho xã hội.

 THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên