Dồn sức chống lũ

Cập nhật: 04-10-2011 | 00:00:00

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, lũ trung lưu sông Mê Công đang lên lại, trên dòng chính sông Cửu Long đang xuống chậm, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên chậm và ở mức cao. Tình trạng vỡ đê nhiều ngày qua đã làm số nhà ngập lũ tăng lên, diện tích lúa thu đông thiệt hại cũng tăng lên từng ngày.

 An Giang: Kiên trì bảo vệ đê bao

Ngày 3-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến An Giang, bắt đầu chuyến kiểm tra tình hình chống lũ tại ĐBSCL. Sau khi khảo sát thực tế tại các khu vực xung yếu thuộc các huyện Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên, Châu Thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: “Năm nay lũ về nhanh, diễn biến phức tạp nhất là khu nội đồng Tứ giác Long Xuyên”.

  Người dân huyện Tam Nông, Đồng Tháp dời nhà chạy lũ.Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tỉnh An Giang cần tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực duy trì việc bảo vệ hệ thống đê bao, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa thu đông, hoa màu của dân; nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với tình hình lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Đặc biệt, tập trung di dời các hộ dân có nhà bị ngập, đưa dân ở vùng ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở vào nơi an toàn. Các địa phương vùng ngập lũ duy trì, nhân rộng mô hình điểm giữ trẻ mùa lũ. Tiếp tục bơm rút nước, cứu diện tích lúa bị ngập có thể khôi phục”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, qua đợt lũ này, sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cần tính toán lại công tác quy hoạch thủy lợi toàn vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ tập trung đầu tư cải tạo lại các tuyến kênh, đê bảo vệ lúa vụ 3 trong điều kiện nước biển dâng.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB An Giang, đến nay, lũ làm ngập trên 200km lộ giao thông, 21 cụm tuyến dân cư bị sạt lở cùng với các tuyến đê bị vỡ mới phát sinh đã làm 14.176 căn nhà bị ngập, xiêu vẹo do nước lũ. Hơn 1.600 hộ dân cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, 66.000ha lúa thu đông bị đe dọa, mất trắng gần 4.000ha do vỡ đê. Lũ dâng cao cộng với cơn bão số 5 đã làm ngập nhiều tuyến đê bao với tổng chiều dài hơn 420km. Toàn tỉnh đã huy động hơn 46.000 lượt người tham gia bảo vệ hệ thống đê bao, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của lũ.

 Đồng Tháp: Thêm 800ha lúa bị nhấn chìm

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp, rạng sáng 3-10, nước lũ tiếp tục phá vỡ tuyến đê bao Cà Vàng thuộc xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, hơn 825ha lúa vụ 3, ở giai đoạn từ 30 - 45 ngày tuổi đã bị mất trắng. Ngay sau khi đê bị vỡ, huyện Tân Hồng huy động tổng lực cứu đê nhưng dòng nước quá mạnh đã phá đoạn đê rộng ra hơn 23m, khiến mọi nỗ lực đều vô vọng. Chỉ trong 1 tuần qua, trên địa bàn huyện Tân Hồng liên tiếp xảy ra 3 vụ vỡ đê làm mất trắng khoảng 1.825ha lúa vụ 3.

Hiện tại, mực nước ở huyện đầu nguồn Tân Hồng đã giảm xuống 5cm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao 5,42m. Những tuyến đê còn lại đang bị lở mái, nước rò rỉ qua thân đê. Đến nay, Đồng Tháp đã có 6.656km đường giao thông bị sạt lở, khối lượng đất đá bị trôi trên 1.271.936m3; 24 cầu cống bị hư hỏng. Đáng lo ngại là nước lũ tiếp tục tấn công nhà ở của dân, số nhà bị ngập tăng lên hơn 8.114 căn. Trong đó, đã di dời 656 hộ, số còn lại đang tiếp tục di dời đến nơi an toàn.

 Kiên Giang: Mất trắng hơn 300ha hoa màu

Ngày 3-10, thông tin từ các huyện trong vùng Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang cho biết, mưa lũ đã làm thiệt hại trắng hơn 500ha lúa thu đông, 306ha hoa màu; hàng ngàn hécta đang bị lũ uy hiếp.

Tại huyện Hòn Đất, nước lũ và mưa to đã làm vỡ và sạt lở nhiều tuyến đê bao. Gần 400ha lúa thu đông của huyện này bị mất trắng. Tại huyện Giang Thành, mưa lũ cũng đã cuốn trôi 129ha lúa và 306ha hoa màu.

Ông Đào Xuân Nha, Trưởng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết: Nếu nước lũ tiếp tục lên từ 50-60cm diện tích lúa bị thiệt hại trắng ở huyện Hòn Đất có thể lên đến hơn 1.000ha. Lực lượng quân sự, biên phòng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp dân thu hoạch được gần 100ha lúa chạy lũ. Hiện bộ đội cùng dân đào đắp, gia cố đê bao để bảo vệ 300ha tại huyện Giang Thành đang bị nước lũ đe dọa nghiêm trọng.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên