Đồng bào dân tộc thiểu số Bình Dương: Cuộc sống ngày càng đổi thay

Cập nhật: 25-06-2014 | 00:00:00

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của Ủy ban MTTQVN tỉnh, thời gian qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đồng bào các DTTS còn có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy và làm phong phú bản sắc văn hóa của từng dân tộc…  

Ông Lâm Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tam Lập, huyện Phú Giáo là người dân tộc Sán Chỉ, cho biết khi mới đến Bình Dương lập nghiệp, đồng bào Sán Chỉ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn và các phương tiện sản xuất. Tuy nhiên, Mặt trận các cấp, cùng các ban ngành, đoàn thể đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS như hỗ trợ về vốn, cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhận được hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ, cuộc sống của người Sán Chỉ đã được cải thiện đáng kể. Không những thoát nghèo, các hộ dân tộc Sán Chỉ ở xã Tam Lập còn vươn lên làm giàu, nhiều hộ đã mua được cả xe ô tô. Cuộc sống khá giả, người Sán Chỉ cũng có điều kiện chăm lo con cái học hành…  

 Nhận được hỗ trợ của Đảng, chính quyền, đồng bào các DTTS Bình Dương đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình trồng cây cao su đã giúp đồng bào các DTTS vươn lên làm giàu

Bình Dương không còn hộ đồng bào DTTS nghèo

Tính đến thời điểm hiện nay Bình Dương có trên 4.400 hộ đồng bào DTTS với khoảng 20.600 nhân khẩu, thuộc 18 dân tộc thiểu số. Trong đó, người Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Chăm chiếm số dân đông nhất. Địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu tại 6 huyện, thị: Dầu Tiếng, Phú Giáo, TX.Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, TX.Bến Cát. Cùng với quá trình phát triển chung của tỉnh nhà, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ đồng bào DTTS cũng đang ngày càng được nâng cao. Các hộ đồng bào DTTS đã nhanh nhạy trong làm ăn, xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình. Nhiều hộ đồng bào DTTS còn xây dựng được các mô hình trồng cây cao su cho thu nhập cao hoặc các mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi có hiệu quả kinh tế. Theo tiêu chí của Trung ương, đến nay tại Bình Dương không còn hộ đồng bào dân tộc nghèo.

Giống như các hộ dân đồng bào dân tộc Sán Chỉ, cuộc sống của đồng bào Khmer tại xã An Bình - địa phương tập trung nhiều đồng bào Khmer sinh sống - cũng đã có những thay đổi tích cực. Từ các chính sách hỗ trợ như cấp đất, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng bào Khmer ở An Bình đã xây dựng được các mô hình phát triển ổn định. Tương tự, cuộc sống của đồng bào Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng trong vài năm qua cũng được cải thiện rõ rệt. Việc chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây cao su đã giúp thu nhập của các hộ đồng bào Chăm tăng lên một cách đáng kể. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả (người phụ trách giáo lý) của người Chăm ở xã Minh Hòa, cho biết nhờ các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và định hướng các mô hình nông nghiệp, đa số các hộ đồng bào Chăm tại Minh Hòa đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đời sống của đồng bào Chăm được nâng cao, cái đói, cái nghèo không còn nữa. Người Chăm còn biết vươn lên làm giàu.

Cùng với phát triển kinh tế, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cũng được cộng đồng các DTTS Bình Dương chú trọng. Ông Lâm Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết Mặt trận cũng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Qua các cuộc vận động, các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Gia đình văn hóa”… những nét bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS có điều kiện được bảo tồn, phát huy. Các hoạt động văn hóa của người Sán Chỉ như lễ hội Cầu mùa còn thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân dân tộc khác.

Còn ông Kho Sanh cũng cho rằng, qua các hoạt động của Mặt trận, đồng bào Chăm đã được chăm lo, thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ, tết. Từ đó, người Chăm càng tin vào các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, cùng đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn hóa, giúp nhau cùng tiến bộ, vươn lên.

ĐÀ BÌNH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên