Đồng chí Lê Khả Phiêu là người tâm huyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Cập nhật: 14-08-2020 | 09:03:42

Đồng chí Lê Khả Phiêu qua đời là một mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nói chung và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương nói riêng. Trong niềm xúc động, thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã chia sẻ những tình cảm, kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Lê Khả Phiêu, “người lãnh đạo, người anh rất thân thiết”...

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương về những kỷ niệm đối với đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: XUÂN THI

Đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

“Đối với tôi, đồng chí Lê Khả Phiêu là một người lãnh đạo cấp trên, cũng đồng thời là một người anh có những kỷ niệm và dấu ấn sâu sắc. Đồng chí Lê Khả Phiêu hơn tôi 11 tuổi, là bậc đàn anh của tôi. Như chúng ta biết, đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia cách mạng, sau đó vào quân đội rất sớm. Dấu chân của đồng chí Lê khả Phiêu in rõ trên các chiến trường Bắc - Trung - Nam và đặc biệt còn làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia. Gần cả cuộc đời, đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia binh nghiệp ở những chiến trường gian khổ, ác liệt”, đồng chí Nguyễn Minh Triết mở đầu câu chuyện về đồng chí Lê Khả Phiêu trong tâm trạng bồi hồi xúc động.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, sinh thời đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà đồng chí thường nhấn mạnh. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Khả Phiêu, ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) khóa VIII, ra Nghị quyết số 10-NQ/ TW “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Lê Khả Phiêu nêu rõ: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, kiên cường sửa chữa sai lầm và khuyết điểm chính là sự đền đáp công ơn đối với nhân dân, với dân tộc.

Cuối năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam để công bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông Bill Clinton là tổng thống đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tiếp một Tổng thống Mỹ với tư duy đổi mới “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

(đồng chí NGUYỄN MINH TRIẾT, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

Tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) đã được quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên trên cả nước, làm dấy lên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, xây dựng, góp phần nâng cao sức lãnh đạo của Đảng, nâng cao phẩm chất đạo đức trong cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện có hiệu quả, đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII vào cuộc sống, khi đó đồng chí Lê Khả Phiêu đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc vận động: “Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; làm chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng đạo đức, nhân cách và phong cách của người đảng viên cộng sản.

Đồng chí Lê Khả Phiêu quán triệt: Học tập, rèn luyện tư tưởng và đạo đức cách mạng, thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm “nâng cao sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, chính trị, về ý chí và hành động trong toàn Đảng... củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ mới”. Theo đồng chí, để làm trong sạch Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng phải bắt đầu từ công tác cán bộ, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa VIII, đồng chí Lê Khả Phiêu có bài phát biểu, trong đó nêu rõ: “Kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ trong toàn bộ cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công việc ấy mới có kết quả”. “Đồng chí Lê Khả Phiêu cũng thường nhắc nhở mọi người là: Đảng có mạnh thì nước mới vững mạnh. Cán bộ có tốt thì dân mới tin yêu. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới trường tồn, đất nước mới phát triển. Tôi cho rằng tâm huyết, chỉ đạo của đồng chí xuyên suốt trong quá trình giữ trọng trách cao nhất của Đảng đều luôn luôn nhắc đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nói.

Dấu ấn trong bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Đồng chí Nguyễn Minh Triết cho rằng, đồng chí Lê Khả Phiêu là một trong những người lãnh đạo đặt nền móng và tiến hành những công việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ. Đây là dấu ấn rất đặc biệt của đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết kể, cuối năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam để công bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông Bill Clinton là tổng thống đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tiếp một Tổng thống Mỹ với tư duy đổi mới “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói về chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ: “Theo tôi, buôn bán là buôn bán, chính trị là chính trị, đừng gộp buôn bán với chính trị. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi. Việc các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng không ngăn cản sự hợp tác để cùng phát triển nếu biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi”.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, trong lần đầu tiên hai vị lãnh đạo của hai quốc gia gặp nhau, điều đặc biệt là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu là người từng chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ. Cuộc gặp này rất có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt; trong đó có việc đưa đất nước ta bước vào thời kỳ mới: Không chỉ là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ mà Việt Nam còn tiến sâu, hội nhập vào cộng đồng quốc tế; mở ra cơ hội để hợp tác phát triển... (còn tiếp)

Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, sinh thời đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà đồng chí thường nhấn mạnh. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Khả Phiêu, ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) khóa VIII, ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Lê Khả Phiêu nêu rõ: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, kiên cường sửa chữa sai lầm và khuyết điểm chính là sự đền đáp công ơn đối với nhân dân, với dân tộc.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên