Đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ người nghèo

Cập nhật: 17-10-2020 | 12:23:37

Từ năm 2010, Bình Dương quyết định nâng chuẩn nghèo cao gấp 2 lần so với cả nước. Chuẩn nghèo được nâng lên đồng nghĩa với việc tỉnh sẽ có thêm nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thế nhưng, bằng các chính sách giảm nghèo hiệu quả, đến nay, Bình Dương chỉ còn 3.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,31% tổng số hộ dân.


Người dân tự chọn những mặt hàng nhu yếu phẩm tại phiên “Chợ nhân đạo” tháng 10 do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức. Ảnh: HỒNG THUẬN

Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo

Từ năm 2006, nhờ vận dụng hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước và cách làm sáng tạo của các ngành, các cấp trong công tác giảm nghèo, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Việc giảm nghèo hiệu quả là nhờ tỉnh xác định và hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo, từ đó có cách để giúp người nghèo thoát nghèo. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực. Bên cạnh hỗ trợ bằng vật chất, tỉnh còn động viên tinh thần giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn. Các mô hình giảm nghèo thiết thực như “Một cán bộ kèm một hộ nghèo”, “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”… đã thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo” đã thực sự hiệu quả trong công tác giảm nghèo. “Phường Hòa Phú chỉ còn khoảng 10 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, đầu năm, UBND phường đề ra chỉ tiêu giảm nghèo và bám sát thực hiện. Qua đó, cán bộ chuyên môn, đảng viên khu phố phải bám sát các hộ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo, nắm tâm tư nguyện vọng để có cách giúp họ thoát nghèo nhanh nhất, sau đó là giải quyết cho hộ nghèo vay vốn sản xuất. Cán bộ khu phố phải theo dõi thường xuyên, xem nguồn vốn vay các hộ có sử dụng đúng mục đích hay không. Hầu hết các hộ trong phường là vay kinh doanh tạp hóa, buôn bán nhỏ nên phát huy được hiệu quả”, ông Ân nói.

Vận dụng mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”, từ năm 2018 đến nay, phường Đông Hòa, TP.Dĩ An đã giúp 40 hộ thoát nghèo, 29 hộ thoát cận nghèo. Ông Phạm Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy phường Đông Hòa, chia sẻ: “Mô hình đã tạo được sự gắn kết, niềm tin của nhân dân vào cán bộ đảng viên và cấp ủy chính quyền; phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”.

Từ việc cán bộ, đảng viên theo dõi sát hộ nghèo, thực hiện tốt các mô hình đề ra, đặc biệt là phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ nghèo ở các địa phương như Dầu Tiếng, Phú Giáo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình bà Lê Thị Thêm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Sau khi được chính quyền địa phương tư vấn thoát nghèo và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng giải quyết vay 30 triệu đồng mở quán tạp hóa và nuôi bò, đến nay không chỉ trả hết nợ mà còn dư được 4 con bò và có mô hình kinh doanh tại nhà. Hay hộ gia đình chị Phạm Thị Hết, ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo cũng vậy. Gia đình chị có 6 nhân khẩu, gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con, vợ chồng không có việc làm ổn định. Sau khi được xã xét hỗ trợ 2 con bò giống, cùng với đó là xét cho vay các nguồn vốn vay ưu đãi, cấp bảo hiểm y tế, miễn học phí cho các con đi học và nhiều chính sách khác, đến nay gia đình chị đã gây dựng được đàn bò 6 con. Hiện đàn bò của gia đình chị có 5 con đã và đang trong thời kỳ sinh sản…

Vận dụng tốt các chính sách

Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua hơn 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả khả quan. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi với kết quả giải ngân gần 4.500 tỷ đồng. Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trên 54.000 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, các huyện, thị, thành phố đã phối hợp cấp 113.163 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thoát nghèo với tổng kinh phí gần 72 tỷ đồng và 2.159 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Để người nghèo có nhà ở, ngay từ năm 2018, UBND tỉnh đã quy định mức kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo được nâng lên từ 50 triệu đồng/căn lên 80 triệu đồng/căn. Trường hợp nhà đại đoàn kết được xây dựng trên nền đất yếu thì hỗ trợ thêm tối đa không quá 10 triệu đồng/căn. Trong giai đoạn 2016-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội vận động kinh phí hỗ trợ xây và sửa chữa 537 căn nhà (trong đó có 396 căn nhà đại đoàn kết, 141 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương) cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, góp phần tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân. Công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo được nhân rộng giúp người dân có điều kiện thoát nghèo, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “5 năm qua, công tác giảm nghèo được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát, triển khai kịp thời, đồng bộ cùng sự linh hoạt và hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Ngoài các chính sách theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí dành nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương”.

“Công tác giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị và xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã thể hiện vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện, giám sát kịp thời, bảo đảm hiệu quả của chương trình. Công tác giảm nghèo nhận được sự đồng thuận, tích cực đóng góp của cộng đồng, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân, giúp cho công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều thành quả”.

(Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội)

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên