Đột phá xây dựng thành phố thông minh thời kỳ mới- Kỳ 2

Cập nhật: 16-03-2021 | 08:00:17

Kinh tế Bình Dương đang phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ với tỷ lệ tương ứng: 66,5% - 22,78%, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng. Bình Dương cũng đang nỗ lực vì mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Kỳ 2: Phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư chất lượng cao

Công nghiệp phát triển mạnh

Là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN). Đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút gần 3.000 dự án, bao gồm 2.525 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 24,5 tỷ USD. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia.

Phát triển công nghiệp đã trở thành động lực để Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 9%. Giai đoạn 2015-2020 đạt 9,35%/năm, bằng 1,4 lần bình quân chung cả nước. Tổ sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020. Thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, là địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương cao thứ 3 cả nước. Những kết quả đạt được là tiền đề để Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Để công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, các DN trong tỉnh cũng đang từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất, bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bình Dương từng bước hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Thu hút đầu tư chất lượng cao

Để công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp: Đổi mới thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.


Kiên trì mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, Bình Dương định hướng khá rõ trong thu hút đầu tư theo hướng hiệu quả và bền vững. Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các DN vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, các dự án được cấp mới vào tỉnh thời gian qua hầu hết đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển. Các DN trên địa bàn tỉnh cũng từng bước chuyển đổi công nghệ, nâng cao công suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này đã giúp cho công nghiệp của tỉnh từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng.

Trước những yêu cầu bức thiết đặt ra, trong nhiều cuộc họp gần đây bàn về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã khẳng định, tỉnh tiếp tục tập trung vào những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và chiến lược đối với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; lựa chọn công nghệ, kỹ thuật tiên tiến ngay từ bước thu hút đầu tư, lập dự án; lựa chọn sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển, cơ cấu lại; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng tỷ trọng ứng dụng KHCN và giá trị nội địa hóa trong sản phẩm.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các DN FDI, ông Nguyễn Hoàng Thao đã nhấn mạnh Bình Dương cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chia sẻ và cùng các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển dự án. Tỉnh khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp - nông thôn, giáo dục - đào tạo, y tế, siêu thị, trung tâm thương mại... với quy mô lớn, hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối nhanh hơn với các địa phương trong khu vực và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Còn tiếp)

* Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh, trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên những DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
* Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC: Với mục tiêu tiếp tục xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, là điểm đến của các nhà đầu tư trong kỷ nguyên 4.0, tỉnh đã giao cho Becamex IDC những dự án trọng điểm. Phát triển Vùng đổi mới sáng tạo với KCN khoa học công nghệ là trọng tâm, nhằm tạo điểm đến mới cho nhà đầu tư và công dân thế hệ mới. Tất cả các dự án mà Becamex IDC đang triển khai đều hướng đến các ngành công nghệ, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành… Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho các ngành kinh tế trong cả vùng.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên