Dư âm trận Chelsea – Arsenal: Tạm biệt “lũ trẻ”

Cập nhật: 08-02-2010 | 00:00:00

 

Lại một lần nữa, sự non kém về bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ Arsenal để lộ ra và họ phải trả giá. Kịch bản cho “cái chết” lần này cũng chẳng khác 1 tuần trước đây là mấy, Pháo thủ vẫn chết bởi những đòn sau tay áo. Bài học về những đòn phản công chớp nhoáng vẫn còn chưa ráo mực, nhưng không hiểu vì sao mà “lũ trẻ” vẫn không chịu học thuộc lòng. 

 

“John Terry, The best captain in England”

 

Đây là một biểu ngữ xuất hiện ở ngay đầu trận đấu, do một CĐV ruột bên phía Chelsea chưng lên. Dẫu biết rằng, xuất phát điểm của nó chỉ là lời nhắn nhủ mang tính động viên, nhưng không ngờ đó lại là lời tiên đoán cho những gì đội trưởng John Terry thể hiện trong trận đấu này. Anh chơi bóng quên mình, xuất hiện ở mọi điểm nóng của cả mặt trận tấn công cũng như phòng ngự. Sau khi làm rất tốt nhiệm vụ triệt tiêu đòn phủ đầu của Arsenal, Terry dâng lên để đặt Drogba vào một trong những cơ hội ngon ăn nhất trong sự nghiệp.

 

                                 Terry đã chơi quên mình trong trận đấu này

Có cảm giác như mọi cầu thủ của Chelsea đều chơi quyết tâm hơn thường lệ, để làm nên một điều gì đó thật đặc biệt, trong ngày đầu tiên Terry trở lại Stamford Bridge mà không còn tư cách là đội trưởng ĐT Anh. Đó chính là lý do The Blues luôn tỏ ra mạnh hơn, nhanh hơn trong những pha va chạm hay đối đầu quyết định. Quyết tâm và cảm hứng tuyệt vời mà người đội trưởng truyền sang cả đội là nguyên nhân chính lý giải cho chiến thắng toàn diện này. Anh thật xứng đáng để người ta coi là “Đội trưởng số 1 của xứ sương mù”.

 

Trái ngược với người hùng bên phía Chelsea, kẻ thắp đuốc đi tìm niềm tin cho Arsenal là Fabregas đã hoàn toàn lu mờ trước lối chơi quá bài bản của đối phương. Chỉ sau có 8 phút bóng lăn, nghĩa là sau thời điểm Chelsea có bàn thắng đầu tiên, nhãn quan và khả năng chuyền bóng tuyệt hảo của anh đã trở nên vô nghĩa. Sau pha kiến tạo cho Arshavin dứt điểm không thành bàn, Cesc đã nhường lại sân khấu cho màn tả sung hữu đột lên công về thủ của Terry.

 

Trong khi đội chủ nhà càng chơi càng hừng hực khí thế, như thể họ chơi một lần và mãi mãi cho Terry, thì những vị khách cứ mòn mỏi cầm bóng nhưng không sao tạo nên được một bước đột phá. Một khi linh hồn của họ chìm nghỉm trong sự kiềm tỏa của 3 gã không phổi Lampard – Ballack – Mikel, thì Arsenal chẳng còn biết trông chờ vào ai ngoài những Nasri hoa hòe hoa sói, Walcott chậm chạp và một Arshavin cực kỳ vô duyên. Sự khác biệt của hai đội bóng, đến từ sự khác biệt giữa hai người đội trưởng. Chưa hết trận, người ta đã hiểu ai là “The best captain in England”.

 

Tạm biệt Arsenal và bài học về những cá nhân kiệt xuất

 

Trận thua đêm qua chẳng khác gì lời chào tiễn biệt dành cho Arsenal ở cuộc đua tranh đến ngôi vô địch mùa này. Khoảng cách 9 điểm so với đội đầu bảng Chelsea là một trở ngại nằm ngoài khả năng của lũ trẻ nhà Wenger. Một lần nữa, sau 6 năm không danh hiệu, người ta lại có nhiều điều để bàn tán, để chê bai về đội bóng này. Họ có thừa tham vọng, song lại không đủ bản lĩnh cho một cuộc đua dài và khốc liệt, nơi mà bản lĩnh và những cá nhân kiệt xuất được đòi hỏi rất cao.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, kể từ ngày Thierry Henry rời bỏ đội bóng này, đã không còn có sự xuất hiện của một cái tên đủ lớn để tạo nên một điều gì đó khác biệt cho lối chơi của Arsenal. Fabregas có tài, nhưng anh chỉ là “ổ đạn” và Pháo thủ vẫn cần phải có một nòng súng. Những cái tên sáng giá được mang về Emirates như Theo Walcott, Van Persie hay Arshavin vẫn chưa đủ tầm để người ta quên đi hình ảnh chói sáng của Henry và Bergkamp ngày nào. Wenger có cái lý của ông, rằng một mai những “sao mai” của mình sẽ lớn, nhưng… điều đó biết đến bao giờ mới thành hiện thực?!

 

 

Nên nhớ rằng, trên bước đường chinh phạt đỉnh vinh quang của Man Utd lẫn Chelsea trong những năm qua không và chưa bao giờ thiếu vắng sự hiện diện của những ngôi sao. Trong khi Jose Mourinho phải cần đến gần như 11 ngôi sao để thống trị Premier League 2 mùa giải, thì Alex Ferguson phải cậy nhờ đến Rooney và một Ronaldo siêu hạng để vinh hiển suốt 3 năm nay. Đó là chưa kể những công thần xuất chúng của làng bóng đá Anh như Giggs và Paul Scholes. Năm nay, hay vài năm vừa qua nữa, những lần tỏa sáng của Cesc hay Van Persie vẫn chỉ mang tính thời điểm mà không được duy trì trong suốt một quá trình.

 

Sự khác biệt rõ ràng nằm ở bản lĩnh cũng như giá trị của những ngôi sao. Chừng nào Arsenal nắm được trong tay những thủ lĩnh đích thực như Terry, hay ngôi sao biết bùng nổ đúng lúc như Drogba thì hãy tính đến chuyện đua tranh danh hiệu cao quý. Thời buổi bóng đá vị kim tiền này, những người đầu tư nhỏ giọt mà lại mong đến thành công lớn, sẽ được xem như người đi trong mộng hoặc đang sáng tác một câu chuyện cổ tích. Wenger đã và đang cố viết một câu chuyện như thế, nhưng chưa biết khi nào ông mới phóng bút được cho đoạn kết có hậu của mình.

 

Theo bóng đá số

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên