Dự án định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Bình, huyện Phú Giáo: Cần sớm giải quyết tình trạng mua bán, xâm chiếm đất dự án!

Cập nhật: 22-03-2013 | 00:00:00

  Cây cao su, điều trên đất dự án là nguồn thu nhập chính tạo cuộc sống ổn định cho bà con DTTS nơi đây

 Diện tích đất dự án ĐCĐC dành cho đồng bào DTTS xã An Bình là 200 ha, nằm trên địa bàn xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Trong đó, đất sản xuất theo quy hoạch là 133 ha, chia làm 133 lô. Đến nay, đã có 111 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 133,2 ha. Bình quân mỗi hộ được cấp 1 ha, 5 hộ đông nhân khẩu được cấp thêm 0,5 ha và 1 hộ được cấp 0,5 ha. Sau khi được cấp đất (từ năm 2006), bà con DTTS nơi đây hết sức phấn khởi, đã ra sức tăng gia sản xuất, nhằm vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Điều dễ dàng nhận thấy là ý nghĩa xã hội và hiệu quả thiết thực mang lại từ dự án này là rất lớn. Tuy nhiên, theo thông tin của nhiều hộ dân sống nơi đây thì đến nay đã có hơn chục hộ được cấp đất đã bán và không sử dụng để sản xuất như mục đích của dự án.

Có mặt tại khu đất dự án khi bà con nơi đây đang bước vào vụ thu hoạch điều, chúng tôi được bà con cho biết, vụ điều năm nay bị thất thu do nắng hạn làm điều bị khô bông. Đây đó đã có người mé nhánh điều, trồng xen cây cao su. Khi được hỏi về việc có người đã bán đất dự án được cấp, bà con cho biết do thấy người khác vô làm nên hỏi thì mới biết là chủ đất đã bán. Bà Kim Thị Thưởng, ấp Tân Thịnh, xã An Bình, thở dài: “Gia đình tôi được cấp 1 ha đất, nhưng do đông con không đủ đất để sản xuất và muốn có thêm, vậy mà có người được cấp đất lại đem bán”. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết có hiện tượng này nhưng chỉ là số ít, họ mua bán đất qua thỏa thuận ngầm với nhau chứ không ra chính quyền làm thủ tục pháp lý, nên hiện số người đã bán đất không thể thống kê con số chính xác. Địa phương cũng đã có báo cáo gửi Ban Quản lý Dự án ĐCĐC của huyện về vấn đề này. Ông Quang cũng cho biết khó khăn của địa phương là chỉ quản lý về mặt con người, còn đất dự án lại nằm trên địa bàn xã Tam Lập, chịu sự quản lý của xã Tam Lập.

Từ một dự án mang ý nghĩa xã hội - chính trị rộng lớn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh về chính sách phát triển đời sống cho đồng bào DTTS, nhưng do sự quản lý thiếu chặt chẽ đã nảy sinh nhiều vấn đề. Để dự án tiếp tục phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các ngành, các cấp có thẩm quyền phải bắt tay ngay vào việc giải quyết các vướng mắc và cần có sự theo dõi, quản lý dự án một cách chặt chẽ hơn!

Việc các hộ đồng bào DTTS được cấp đất để sản xuất lại đem bán đã tạo dư luận không tốt ngay trong chính các hộ đồng bào DTTS. Vấn đề chưa dừng lại ở đó vì còn có nhiều hộ đồng bào DTTS không thuộc diện được cấp đất cũng đã tự ý xâm canh đất dự án! Diện tích đất dự án bị xâm canh hiện đã lên đến hàng chục ha, có hộ xâm chiếm gần 2 ha; nhiều vườn cao su, điều xâm canh đã 3 - 5 năm tuổi!? Như vậy những người có trách nhiệm quản lý dự án ở đâu trong ngần ấy năm trời? Và phải chăng việc xét cấp đất chưa thật đúng đối tượng khiến một số hộ thiếu đất sản xuất phải xâm canh? Chưa hết, thời gian gần đây một số hộ bà con DTTS tới tấp gửi đơn xin được cấp đất từ dự án, trong đó có cả những người đã được cấp vẫn làm đơn xin cấp thêm!

Nói về vấn đề này, ông Võ Trung Đạo, cán bộ phụ trách công tác dân tộc xã An Bình, cho biết UBND xã đã nhận hơn 100 đơn xin cấp đất từ dự án. Mang những thắc mắc này đến Ban Quản lý Dự án ĐCĐC, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Long, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo - Phó ban Quản lý Dự án ĐCĐC, cho biết khi nhận được thông tin về việc mua bán, lấn chiếm đất dự án, tháng 9-2010, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập đoàn khảo sát, qua xác minh thực tế thì có 4 hộ tự ý sang nhượng. Đến tháng 3-2011, Ban Quản lý dự án đã tổ chức mời tất cả các hộ được cấp đất lên họp thì họ đều đưa ra được giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp (vì họ chỉ sang nhượng đất bằng giấy tay - theo ông Long). Chính vì vậy mà theo ông Long là rất khó để biết ai đã bán đất và ai còn đất. Ông Long cũng cho biết trên giấy chứng nhận QSDĐ của dự án cấp có phần ghi chú với nội dung sang nhượng phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Như vậy, những người dân không hiểu hoặc cố tình mua đất dự án sau này sẽ gặp rắc rối vì căn cứ theo quy định nói trên thì tự ý mua bán đất dự án có thể bị thu hồi. Ông Long cho biết thêm hướng giải quyết của Ban Quản lý dự án trong thời gian tới là sẽ rà soát lại các trường hợp mua bán, xâm chiếm, trong đó xem xét những trường hợp đủ điều kiện thì cấp đất để bà con sản xuất, còn những trường hợp không đủ điều kiện thì thu hồi. Về những cây trồng xâm canh đã lâu trên đất dự án, Ban Quản lý dự án sẽ đề xuất UBND huyện có chính sách hỗ trợ nếu thu hồi.

 ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên