Dự báo các chỉ tiêu kinh tế năm 2010

Cập nhật: 20-01-2010 | 00:00:00

Theo nhận định, năm 2010 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế năm 2009; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; hoạt động của hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro; lạm phát có nguy cơ tăng lên; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn ở mức thấp; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động tay nghề cao; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa bảo đảm yêu cầu phát triển...

Năm 2010 cũng là năm nhiều cam kết gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu năm 2010, Chính phủ đã đặt mục tiêu tổng quát của năm 2010 là tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong năm 2010, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến sẽ tăng khoảng 6,5% (dự báo năm 2009 đạt 5 - 5,2%). Trong khi đó, lạm phát sẽ được khống chế khoảng 7%, tương đương chỉ tiêu dự báo của năm 2009. GDP theo giá thực tế đạt khoảng 1.931 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 106 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.200 USD.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, khả năng huy động toàn xã hội năm 2010 sẽ đạt khoảng 801 ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 41,5% GDP (năm 2009 ước khoảng 42,2%) và tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2009. So với năm 2009, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước sẽ giảm, trong khi các nguồn vốn khác đều tăng. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước là 125,5 ngàn tỷ đồng, giảm 18% so với ước thực hiện năm 2009, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư phát triển.Vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 8,2% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển và tăng 22,2% so với ước thực hiện năm 2009; vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước chiếm 6,9% và tăng 10%; vốn từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm 8,2% và tăng 10%; đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước chiếm 35,1% và tăng 26%; vốn FDI chiếm 22,7% và tăng 21,3%...

Về cán cân thương mại, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tình trạng nhập siêu, ước khoảng 12,75 tỷ USD, bằng 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 ước đạt khoảng 64,65 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2009. Trong khi đó, nhập khẩu sẽ đạt khoảng 77,4 tỷ USD, tăng 9% với ước thực hiện năm 2009. Xuất khẩu dịch vụ năm 2010 có khả năng đạt kim ngạch 6,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2009. Nhập khẩu dịch vụ dự kiến đạt khoảng 8,1 tỷ USD, tăng hơn 13% so với ước thực hiện năm trước đó.

Cũng theo dự báo, năm 2010, bội chi ngân sách Nhà nước vào khoảng 6,5% GDP (năm 2009 ước khoảng 6,9% GDP). Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2010 dự kiến đạt 456,4 ngàn tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009. Tổng chi cân đối ngân sách năm 2010 khoảng 581,9 ngàn tỷ đồng, tăng 18,4% so với ước thực hiện năm trước đó.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên