Du lịch công nghiệp: Nhiều tiềm năng, đầy lợi thế

Cập nhật: 12-01-2021 | 09:00:09

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1- 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Dương xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để phát triển du lịch, trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đầu tư phát triển cho lĩnh vực này. Du lịch công nghiệp là một trong những sản phẩm du lịch mới mà ngành du lịch Bình Dương đang hướng tới để khai thác phục vụ du khách...


Các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia khảo sát tại Công ty Yakult Việt Nam tại TP.Thuận An

Ngành kinh tế quan trọng

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương không chỉ gây ấn tượng bởi sự phát triển nhanh và năng động về công nghiệp mà còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa rất phong phú, đa dạng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, các điểm, khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh cũng được nhiều nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp góp phần đưa ngành du lịch của tỉnh không ngừng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách gần xa.

Theo định hướng phát triển của tỉnh, trong thời gian qua, ngành du lịch cũng không ngừng phát triển. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), cho biết chỉ tính riêng trong năm 2019, Bình Dương đã thu hút được trên 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 1.440 tỷ đồng. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của ngành du lịch tỉnh nhà cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Để khắc phục khó khăn và tìm hướng phát triển cho du lịch, trong năm qua, Sở VH-TT&DL đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành du lịch Bình Dương phát triển được ngành du lịch quan tâm. Điều này luôn được ngành du lịch Bình Dương tập trung thực hiện nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo thêm sự đặc sắc và thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến với Bình Dương.

Một trong những sản phẩm du lịch mới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, mới mẻ đối với du khách khi đến với Bình Dương mà ngành du lịch tỉnh đang tập trung xây dựng là phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp. Đây cũng là sản phẩm du lịch đang được nhiều công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành kỳ vọng trong khai thác tour, tuyến khi đưa khách đến Bình Dương.

Hướng phát triển mới

Để tìm hướng phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp của tỉnh nhà trong thời gian tới, được sự chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã tổ chức khảo sát một số công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất, các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch công nghiệp kết hợp tọa đàm, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các sản phẩm du lịch dịch vụ công nghiệp Bình Dương. Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong tỉnh và một số tỉnh trong khu vực, như: Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Phước.

Qua đợt khảo sát, hầu hết các đơn vị tham gia đều đánh giá cao về tiềm năng khai thác sản phẩm du lịch công nghiệp của Bình Dương. Bà Trương Thanh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Hưng (TP.Thủ Dầu Một), cho biết trước đây công ty bà từng tổ chức cho các đoàn khách đến tham quan một số điểm như trong đợt khảo sát lần này. Vì thế, theo bà Hằng, nếu được khai thác, công ty bà có đủ kinh nghiệm, năng lực để tổ chức cho các đoàn khách tham quan.

Trên cơ sở khảo sát, góp ý của các đơn vị tham gia, Sở VH-TT&DL đã lập kế hoạch xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, việc thực hiện liên kết, kết nối tour, tuyến tham quan các nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp với các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước về loại hình du lịch mới này. “Sau đợt khảo sát và tọa đàm góp ý vừa qua, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng chương trình tham quan hoàn chỉnh để đưa vào phục vụ khách tham quan...”, ông Phong nói.

Cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ với bề dày lịch sử hơn 300 năm, Bình Dương còn có khoảng 40 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động sản xuất với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Đây là những tiềm năng và lợi thế để Bình Dương khai thác và phát triển du lịch công nghiệp. Nếu được khai thác tốt, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tham quan của người dân, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bình Dương ngày càng nhiều hơn mà còn góp phần mang lại những giá trị về mặt kinh tế, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của Bình Dương.

“Sau khi đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình du lịch cụ thể, ngành du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông, kết hợp với các sự kiện du lịch được tổ chức trong và ngoài tỉnh để tiến hành quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đến các đối tượng khách hàng tiềm năng”.

(Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên