Dự thảo tăng giá viện phí (VP) được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, bệnh viện và người dân. Theo dự thảo này, khoảng 350 giá dịch vụ kỹ thuật y tế (DVKTYT) sẽ được điều chỉnh tăng giá, chủ yếu tăng 2 - 2,5 lần; cá biệt có 70 DV tăng 7 - 10 lần trong giai đoạn 2011-2012. Từ 2013 trở đi, khi có nghị định (NĐ) thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ... Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân nằm ngoài hành lang bệnh viện, do quá tải tại BVĐK Bình Dương
Cấp vĩ mô cần cân nhắc để đưa ra mức VP mới thật hợp lý
Tại hội thảo về thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bệnh viện công lập (BVCL), tổ chức tại Hà Nội ngày 19-9-2011, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Giá DV không tăng đồng loạt. Đối với 350 DV có mức giá lỗi thời này sẽ có lộ trình đổi mới giá thành 3 đợt. “Trước mắt chỉ điều chỉnh một số giá DV quá bất hợp lý. Như tiền khám bệnh 3.000 đồng/lần phải tăng, nhưng tăng lên 15.000 đồng hay 30.000 đồng còn phải xem xét”.
Cho tới nay, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính cùng một số bộ, cơ quan khác xây dựng NĐ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá DV khám, chữa bệnh công lập. Bộ Y tế cũng có tờ trình Chính phủ xem xét từ tháng 11-2010 (khi đó Bộ trưởng Y tế là ông Nguyễn Quốc Triệu). Dự thảo tăng giá VP đã được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, bệnh viện và người dân.
Các bệnh viện cần đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Giá cả thị trường tăng liên tục, nhưng giá VP được quy định từ năm 1995 vẫn giữ một giá đến nay. Nên dù từ năm 2006, BVCL tự chủ về tài chính, được giữ lại một phần VP để trả lương và bảo dưỡng máy móc (theo NĐ 43 của Chính phủ), các BVCL vẫn báo cáo thu không đủ chi. Ông Ngô Dũng Nghĩa, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “BVĐK Bình Dương đang quá tải về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả nhân lực. Tuy số giường kế hoạch là 900, nhưng thực kê là 990 giường. Hàng năm, số lần khám bệnh, số người điều trị nội trú, các tiêu bản xét nghiệm... đều đạt từ 150 - 180% so kế hoạch năm. Nhưng chế độ thu VP từ lâu đã rất bất hợp lý. Với mức thu 3.000 đồng một lượt khám bệnh, tiền giường bệnh cũng chỉ được thanh toán với bảo hiểm y tế (BHYT) là 10.000 đồng mỗi giường. Bệnh viện thu không đủ chi và phải thường xuyên bù lỗ. Thiếu cả kinh phí để mua xà phòng, hóa chất để khử trùng, làm vệ sinh, hay mua chiếu, drap, điện, nước... Nói gì đến việc đầu tư, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc. Hay bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế, thu thêm người. Nếu VP tăng, dĩ nhiên là tăng ở mức độ bệnh nhân chấp nhận được, thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế công lập sẽ tăng theo”.
Các điều dưỡng ở khoa Nhiễm, khoa Nhi, Nội 1... BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh nhân, công việc quá nhiều, mà cơ sở vật chất, số lượng cán bộ có hạn. Bệnh nhân nằm cả ngoài hành lang, trước cả nhà vệ sinh. Còn chúng tôi làm việc cực nhọc mà lương bổng chẳng bao nhiêu. Cố bám trụ đến lúc nào hay lúc đó. Chỉ lo không phục vụ chu đáo được cho người bệnh”.
Đặc biệt do quá cực, nhiều bác sĩ, điều dưỡng quên cả lập gia đình, sinh con. Và một số người đã bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp. Một điều dưỡng ở khoa Nhi của BVĐK cũng đã tử vong vì bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân đồng thuận, nhưng lo
Qua tìm hiểu, đa số người có thẻ BHYT, các bệnh nhân, thân nhân đều đồng thuận với chủ trương tăng VP, nhưng rất lo lắng. Cô Nguyễn Thị Bông, ngụ ở phường Phú Cường, TX.TDM, đang điều trị tại Khoa Nội I, BVĐK Bình Dương: “Tôi cũng đồng ý tăng VP. Nhưng ngành y tế cũng nên thực hiện việc cải thiện chất lượng phục vụ; trước mắt là đầu tư, nâng cấp, giải quyết tình trạng quá tải. Tôi nhập viện, vào nằm phòng DV. Nhưng ngày đầu, phải nằm ngoài hành lang. Chờ đến khi có người xuất viện mới được vào phòng”.
Nhiều người có thẻ BHYT: “Chúng tôi hiểu giá cả bây giờ đã quá cao so với mức VP đã được xây dựng từ cách đây 16 năm. Chúng tôi đồng thuận với chủ trương điều chỉnh VP. Nhưng rất lo. Tuy nghe Bộ trưởng Y tế nói không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT. Nhưng nếu VP tăng, mức đồng chi trả 20% cũng sẽ tăng theo. Người có thẻ không may bị bệnh cũng nặng lo lắm!”.
Chị Phạm Thị Loan, con của bệnh nhân Phạm Thị Liên, 82 tuổi, mẹ liệt sĩ, ở Bình Mỹ, Tân Uyên, có ý kiến: “Chúng tôi lo mức VP mới cao quá, người có thẻ BHYT ưu tiên như mẹ tôi, thì đóng 5% vẫn là nhiều. Mẹ già, lại bị suy tim và viêm phế quản nên nằm viện thường xuyên”.
Tất cả mọi người đều cho rằng: Việc tăng VP là cần thiết, tuy nhiên các ngành chức năng cần tính toán thật khoa học và hợp lý: tăng bao nhiêu và tăng như thế nào để không ảnh hưởng quá nhiều đến người bệnh. Rõ ràng, nếu tăng VP, đối với hơn 1 triệu người có thẻ BHYT ở Bình Dương, thì mức đồng chi trả 20% sẽ nặng nề hơn. Đặc biệt là đối với những hộ cận nghèo, dù ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 50% tiền mua thẻ, nhưng số người tham gia BHYT vẫn rất ít. Nay còn thêm áp lực tăng VP, thì lộ trình tiến tới BHYT toàn dân quả là một thách thức lớn.
B.A