Đây là một trong những nội dung trình bày của đại diện Bộ Y tế tại cuộc giao ban các cơ quan báo chí hàng tuần diễn ra ngày 20-7, sau khi có nhiều thông tin của báo chí và người dân phản ánh về dự thảo điều chỉnh giá viện phí mới do Bộ Y tế đề xuất…
Theo Bộ Y tế, dự thảo giá viện phí mới đã được xây dựng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh khung giá viện phí lần này chỉ tập trung vào khoảng 350 kỹ thuật, dịch vụ y tế, trong tổng số 3.000 dịch vụ kỹ thuật đang được các bệnh viện thực hiện. Hơn nữa, viện phí mới dù được điều chỉnh vẫn chỉ là thu một phần viện phí, chưa tính tới khấu hao tài sản cố định, tiền lương cán bộ, chi phí đào tạo…
Đáng chú ý hơn, trong số các dịch vụ tăng viện phí lần này, tiền khám bệnh và tiền giường nội trú là 2 loại hình dịch vụ được người dân sử dụng nhiều nhất có mức tăng cao nhất. Cụ thể tiền khám bệnh quy định tại Thông tư số 14/TTLB quy định từ 500 - 3.000 đồng/lần khám nay dự kiến điều chỉnh tăng tối đa 30.000 đồng/lần khám. Đối với chi phí giường điều trị từ 4.000 - 18.000 đồng/ngày điều chỉnh lên từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày.
Việc tăng viện phí tới đây, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… sẽ là những đối tượng phải chịu những tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nay, khoảng 14,7 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được ngân sách Nhà nước mua thẻ hàng năm, nhưng khi đi khám chữa bệnh, họ chỉ được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí, còn lại phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh.
Rõ ràng, đối với những đối tượng trên, ở mức viện phí chưa tăng, việc phải đóng 5% cũng đã là một khoản chi phí lớn so với thu nhập của họ. Do đó khi viện phí tăng, khoản 5% cùng chi trả này sẽ đồng nghĩa với việc chi phí chữa bệnh tăng thêm vài lần so với mức sống, mức thu nhập.
Theo SGGP