Đưa hàng bình ổn đến với công nhân

Cập nhật: 27-08-2013 | 00:00:00
Cùng với việc phát triển mạnh các điểm bán hàng bình ổn giá, năm 2013 TPHCM tập trung đưa hàng bình ổn đến với các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), các bếp ăn tập thể có số lượng lao động lớn. Trong đó có một số doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện nhằm phủ kín hàng bình ổn đến với các KCN-KCX, phục vụ tốt nhất nhu cầu công nhân.

  Công nhân KCN Tân Tạo mua hàng từ xe lưu động của SATRA.

    9/19 KCN-KCX có cửa hàng bình ổn

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Công thương phối hợp Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) rà soát, giới thiệu mặt bằng, hỗ trợ DN đầu tư mở điểm bán tại các KCX-KCN trên địa bàn TP. Đến nay, các DN đã phát triển được 11 điểm bán tại 9/13 KCX-KCN, gồm có 1 siêu thị Citimart (KCX Tân Thuận), 7 cửa hàng tiện lợi (6 cửa hàng CoopFood, 1 cửa hàng SatraFood), 2 điểm bán của Công ty TNHH Ba Huân (KCN Lê Minh Xuân, KCN Tây Bắc Củ Chi) và 1 điểm bán của Công ty Nhân Dân (KCN Bình Chiểu). Theo Hepza, hiện vẫn còn 4 KCX-KCN (KCN Cát Lái, KCN Tân Phú Trung, KCN Tân Tạo, KCX Linh Trung 1) chưa có điểm bán hàng bình ổn thị trường. Hepza cũng đã tiến hành giới thiệu mặt bằng, nhưng đến nay chưa thu hút được DN nào đầu tư, mở điểm bán.

Theo các DN, có nhiều nguyên nhân khiến họ chưa thể đầu tư, phát triển được điểm bán. Cụ thể, tại KCN Cát Lái (quận 2) có số lượng 4.000 công nhân và KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) số lượng 4.000 công nhân. BQL của 2 KCN này đã giới thiệu mặt bằng diện tích 600m­² để phát triển điểm bán phục vụ nhu cầu công nhân và dân cư lân cận. Thế nhưng, do vị trí không thuận lợi (trong hẻm) nên các DN chưa tính đến việc đầu tư. Tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) số lượng 20.000 công nhân, BQL KCN Tân Tạo giới thiệu mặt bằng 5.000m² để Saigon Co.op tiến hành khảo sát đầu tư, việc phát triển điểm nhưng vì thời gian cho thuê và giao đất rất ngắn chỉ từ 2 - 3 năm, nên không thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh…

    Ưu tiên xí nghiệp có đông công nhân

Công ty TNHH MTV Thời trang Dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư, xây dựng 3 cửa hàng bình ổn thị trường tại các nhà máy, xí nghiệp có số lượng công nhân lớn (Công ty May Bình Minh, Công ty May Nhà Bè, KCN Bình Chiểu) để phục vụ công nhân và nhân dân lao động địa phương. Điểm nổi bật của loại hình cửa hàng này là thiết kế, đóng gói sản phẩm phù hợp với điều kiện, đáp ứng thị hiếu của công nhân, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đơn vị áp dụng phương thức bán hàng nhanh gọn, phục vụ được số đông trong thời gian ngắn vào thời điểm tan ca. Hiện nay, Vinatex đang cung cấp thực phẩm và hàng bình ổn cho 2 bếp ăn phục vụ công nhân lao động của Công ty May Nhà Bè (5.000 công nhân) và Công ty May Bình Minh (2.000 công nhân), đồng thời Vinatex đang xúc tiến khảo sát tiếp tục đầu tư tại các Công ty Dệt Phong Phú, May Việt Thắng, May Phú Thịnh nhằm phục vụ tốt nhu cầu công nhân.

    Đưa hàng vào bếp ăn tập thể

Sở Công thương phối hợp với Hepza đã thống nhất, chỉ định Công ty TNHH MTV TM DV Nhân dân (Công ty Nhân dân) làm đầu mối kết hợp cùng với các DN tham gia chương trình Bình ổn thị trường thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại các KCN-KCX, bình quân 1 tháng tổ chức 20 chuyến bán hàng lưu động luân phiên tại các xí nghiệp trong các KCN-KCX TP, kết nối DN đưa hàng bình ổn thị trường vào bếp ăn tập thể phục vụ người lao động. Đồng thời các DN thường xuyên thực hiện bán hàng lưu động, cung ứng hàng hóa thực phẩm vào bếp ăn tập thể tại KCX-KCN, ký kết cung ứng trực tiếp cho nhiều bếp ăn tập thể phục vụ nhu cầu 80.000 công nhân tại các KCX-KCN như Công ty Lawnyard - Lê Minh Xuân, Công ty liên doanh Phạm - Asset, Công ty cổ phần Quạt VN (KCN Vĩnh Lộc), Công ty Juki, Proceeding, MK Scien (KCX Tân Thuận), Công ty May Nhà Bè, Công ty May Bình Minh... điển hình Công ty Vissan, Công ty Ba Huân, Công ty Phạm Tôn, Công ty San Hà và hệ thống Co.op mart, Satra đã phát triển Cửa hàng tiện lợi tại 11/13 KCX-KCN.

    Phát triển suất ăn công nghiệp

Cùng với việc cung ứng hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN, tăng cường các chuyến bán hàng lưu động. Sở Công thương khuyến khích các DN trong chương trình và DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung ứng suất ăn công nghiệp với giá rẻ, chất lượng phục vụ vào KCX-KCN, trường học... Hiện nay, Công ty Vissan mỗi ngày cung ứng 22.000 suất ăn công nghiệp (18.000 suất cung ứng vào 25 trường học, 4.000 suất cung ứng cho các công ty, xí nghiệp) mỗi suất 20.000 đồng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã đầu tư dây chuyền sản xuất suất ăn công nghiệp tại KCX Tân Thuận với công suất 22.000 suất ăn/ngày, tuy nhiên chỉ cung ứng được khoảng 3.000 suất ăn/ngày tại KCX Tân Thuận với mỗi suất ăn từ 15.000 - 17.000 đồng/suất. Lý do một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trong KCX Tân Thuận vẫn nhận thức ăn của các đơn vị khác cung cấp, Hepza đã có văn bản gửi Chi Cục Hải quan Khu Chế xuất Tân Thuận đề nghị không đưa các suất ăn do các đơn vị khác cung cấp để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc tổ chức đưa hàng bình ổn vào các KCN-KCX bằng nhiều cách khác nhau, tại mỗi DN cũng đang nghiên cứu để sản xuất, chế biến những sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của công nhân. Cụ thể, Công ty Phạm Tôn đã rất thành công với chuỗi các sản phẩm thịt gia cầm đóng vỉ, với nhiều mức giá khác nhau; Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến suất ăn công nghiệp phục vụ công nhân… Theo Sở Công thương TP, trong thời gian tới, sở sẽ làm việc với Hepza để có kế hoạch hỗ trợ cho các DN đưa hàng hóa đến với công nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm với giá cả phù hợp.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên