Đưa nông sản địa phương đến với người tiêu dùng

Cập nhật: 06-08-2020 | 07:54:36

Việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, tạo nguồn cung với giá cả ổn định cho thị trường, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Nông sản Bình Dương tại Phiên chợ kết nối cung cầu tổ chức tại Aeon Mall

 Quảng bá nông sản chất lượng

Thời gian qua, cùng với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông sản Bình Dương ngày càng đạt chất lượng, phong phú và đa dạng về chủng loại. Nhiều nhãn hiệu, thương hiệu tập thể được công nhận với các chứng nhận về xuất xứ, được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhận được sự tin tưởng lớn từ người tiêu dùng. Các khâu sơ chế, bảo quản, đóng gói… ngày càng được người sản xuất quan tâm, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX) gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối để quảng bá, đưa sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Trước thực tế đó, hàng năm, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh. Các hoạt động đã thu hút nhiều HTX, doanh nghiệp, huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh tham gia.

Ngành công thương cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Thuận An, Trung tâm Aeon Mail Bình Dương tổ chức phiên chợ giới thiệu nông sản Bình Dương. Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, đây là cơ hội để doanh nghiệp, HTX, trang trại tiếp tục giới thiệu, quảng sản phẩm đến người tiêu dùng. Phiên chợ cũng giúp cho nông sản địa phương đẩy mạnh tính cạnh tranh, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nội địa trong dịch bệnh Covid-19 và trong xu thế hội nhập, phát triển. Thông qua kết nối cung cầu nông sản, người dân, doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp cận được các hệ thống phân phối hiện đại, nắm bắt xu thế thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp hơn.

Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tổ chức kết nối cung cầu giúp các đơn vị thương mại, người tiêu dùng nhận rõ sản phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu của địa phương và là cơ hội để nông sản đi vào những đơn vị thương mại lớn, đến được với người tiêu dùng. “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tập huấn kỹ thuật trồng trọt, phương pháp canh tác theo từng tiêu chuẩn để người sản xuất, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, canh tác đúng kỹ thuật đem lại các sản phẩm chất lượng cao, giá cả phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng địa phương”, ông Bông nhấn mạnh.

Nỗ lực không ngừng

Cách đây 6 năm, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (TX. Bến Cát) bắt đầu tìm hiểu về giống hoa sen Đa Lộc với suy nghĩ liệu có thể trồng đại trà và “đứng chân” trên thị trường hoa tươi? Sau khi tìm hiểu kỹ, với số tiền tích lũy và diện tích 1.500m2 sẵn có, chị Tâm đã đầu tư trồng 500 gốc hoa tại xã An Điền, TX.Bến Cát. Đến nay, 500 gốc hoa đã cho thu hoạch, thu hút được khách hàng. Đến năm 2019, chị chủ động cùng với 9 thành viên khác là hội viên phụ nữ thành lập HTX nông nghiệp Hoa Đa Lộc với cây trồng chủ lực là hoa sen Đa Lộc. HTX đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương, dự kiến trong thời gian gần, HTX sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng hoa lên 50.000m2. Xác định nhu cầu thị trường tiêu thụ hoa hiện rất lớn, song để tiếp cận được thị trường, HTX cần được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. Trong thời gian tới, chị Tâm cho biết HTX sẽ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa hoa của HTX vươn xa.

Với HTX ổi Thanh Kiên, một trong 5 HTX tiêu biểu của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX bày tỏ khao khát đưa trái cây sạch đến bữa ăn của người tiêu dùng, nhất là đối với công nhân lao động. Sau những nỗ lực không ngừng, HTX đã đăng ký thương hiệu quốc gia và đã có đơn hàng xuất khẩu ổi sang thị trường nhiều nước trên thế giới, như: Oman, Úc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản… HTX cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu ổi sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch. Đây là thành công đáng nể so với một đơn vị nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa. Tổng diện tích trồng ổi của HTX hiện khoảng 32 ha. Trong năm nay, HTX dự định tăng lên 55 ha. Mỗi ngày, với 1 ha HTX thu được 800kg ổi (thu hoạch trái cách ngày). Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân chuồng ủ mục và chế phẩm vi sinh.

Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên, cho biết nhu cầu tiêu thụ ổi trong và ngoài nước rất lớn nên rất cần sự hướng dẫn, định hướng cho bà con nông dân trồng và liên kết với các đơn vị tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu. Việc xây dựng chuỗi cung ứng giúp mặt hàng nông sản địa phương phát triển ngày càng bền vững.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên