Đưa thương mại - dịch vụ phát triển bền vững: Hướng đi phù hợp

Cập nhật: 11-12-2014 | 09:09:46

Kỳ 1: Hướng đi phù hợp

Sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), với điểm xuất phát là nền kinh tế nông nghiệp, đến nay Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Gắn với xu thế hội nhập, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TM, DV), xem đây là thế mạnh, tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Khách hàng mua sắm tại Big C Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.HUỲNH

TM,DV đóng góp ngày càng lớn

Trên cơ sở những định hướng phát triển chung của tỉnh, nhiều địa phương như TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên… đã phát huy tối đa lợi thế của mình, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, khu công nghiệp, là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như TX.Thuận An, không chỉ nổi tiếng về lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ…, những năm gần đây thị xã còn được biết đến là địa phương phát triển nhanh ngành TM, DV.

Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An, cho biết lĩnh vực TM, DV của thị xã đã được quan tâm, tạo điều kiện phát triển từ hơn 5 năm nay. Trước những nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở địa phương không chỉ phát triển các sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sản xuất, kinh doanh gỗ và những sản phẩm cao cấp để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay toàn thị xã có 541 cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ, đồ gỗ và 26.449 hộ kinh doanh lĩnh vực TM, DV.

Về hệ thống kinh doanh bán lẻ, ông Trương Công Thạch cũng cho hay để bảo đảm cung cầu thị trường luôn ổn định, góp phần thúc đẩy mạng lưới thương mại trên địa bàn, ngoài việc hình thành 24 chợ, 6 trung tâm thương mại, trên địa bàn TX.Thuận An còn hình thành hệ thống hạ tầng TM, DV khá hoàn chỉnh, hiện đại, chủng loại hàng hóa đa dạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong và ngoài địa phương. Nhờ đó, đã tạo nên một thị trường TM, DV hấp dẫn, sôi động, thu hút hàng ngàn lượt người đến trao đổi, mua bán mỗi ngày.

Với những định hướng và giải pháp phù hợp, hiệu quả, các ngành TM, DV của các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã góp phần đưa lĩnh vực TM, DV của tỉnh phát triển mạnh, đa dạng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Hiện nay TM, DV là ngành kinh tế lớn thứ 2 và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của Bình Dương.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ tài chính tiền tệ cũng được tỉnh ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoạt động hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 ngân hàng thương mại, 32 ngân hàng thương mại cổ phần, 3 ngân hàng liên doanh, 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và hàng chục phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, quỹ tín dụng… Đặc biệt, việc thu hút đa dạng thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển TM, DV trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo được lòng tin của người tiêu dùng tại địa phương.

Nhiều tiềm năng

Điểm nổi bật là trong những năm gần đây, lĩnh vực bán lẻ tại Bình Dương liên tục phát triển theo hướng không ngừng gia tăng về quy mô cũng như chất lượng của hệ thống phân phối bán lẻ; gia tăng số lượng điểm bán lẻ; gia tăng tỷ trọng các hình thức bán lẻ hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời tỉnh còn cải tạo đầu tư nâng cấp các hình thức kinh doanh truyền thống bao gồm các chợ và cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của các hộ gia đình.

Hiện Bình Dương đã phát triển 95 chợ, 11 siêu thị và 6 trung tâm thương mại của các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước đang hoạt động kinh doanh tại tỉnh như Co.opmart, Vinatex, Big C, Lotte Mart, Aeon Mart… Với sự đa dạng hình thức phục vụ nhu cầu mua sắm, hoạt động thương mại sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng đều đặn (từ năm 2010-2013 bình quân đạt gần 100.000 tỷ đồng/năm).

Theo đánh giá của các doanh nghiệp bán lẻ, Bình Dương là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, có sức hấp dẫn cao. Ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết thị trường tiêu thụ tại Bình Dương khá lớn với số dân hơn 1,7 triệu người; dân số trong độ tuổi lao động có mức chi tiêu khá mạnh và có thu nhập ngày càng tăng. Cùng với đó là hành vi tiêu dùng của người dân dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống chuyển sang mua sắm ở các siêu thị. Bên cạnh đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cũng góp phần quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa… Vì vậy, thị trường bán lẻ tại Bình Dương vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư khác đến tham gia kinh doanh.

Kỳ 2 : Đầu tư mạnh cho hạ tầng TM,DV

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên