Dưa tỏi Cần Thơ

Cập nhật: 10-02-2011 | 00:00:00

Các món chua (dưa kiệu, dưa hành, dưa món, cà pháo…) là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết ở Việt Nam. Tùy theo các vùng miền mà các món này có cách chế biến khác nhau.

 

 

Mỗi lần Tết đến, ngoại tôi thường làm các loại bánh (bánh in, bánh tét…), mứt (dừa, bí...), hay các loại dưa chua (dưa gừng, dưa kiệu, dưa món, dưa tỏi, dưa đầu heo…), vừa để ăn trong gia đình, vừa để làm quà tặng cho con cháu. Những món ngoại làm rất ngon, ai cũng ưa thích. Cứ gần Tết là chúng tôi ở thành phố gọi điện về cho ngoại liên tục. Đứa thì “đăng ký”món mứt dừa, đứa thì hũ dưa kiệu, dưa đầu heo…Riêng tôi,  tôi vẫn thích nhất là món dưa tỏi, và năm nào cũng dặn ngoại làm cho bằng được. Mỗi khi khách đến chơi nhà trong dịp Tết được tôi đãi món món dưa tỏi độc đáo, ai cũng trầm trồ, khen ngợi hỏi nơi sản xuất, tôi trả lời: “Dưa tỏi Cần Thơ của ngoại”.

 

Thật thế, món dưa tỏi của ngoại rất độc đáo! Tôi đã đi nhiều nơi và được thưởng thức nhiều món dưa chua, trong đó có dưa tỏi, nhưng hương vị món đó ở những nơi khác không bằng hương vị món dưa tỏi do ngoại tôi làm. Dưa tỏi do ngoại làm có màu trắng trong, có vị chua nhạt, thơm, ngọt, giòn, ăn không mềm và hăng hắc mùi tỏi sống. Có lần về thăm ngoại, tôi hỏi ngoại cách làm. Ngoại vui vẻ xoa  đầu tôi như thuở còn thơ, và bảo tôi lấy giấy viết ra ghi lại cách chế biến món dưa tỏi này:

 

Tỏi lựa củ vừa, chắc (tép lớn quá, ngâm lâu chua), khoảng 1,5 kg, tách từng tép ngâm với giấm khoảng 1 tiếng cho vỏ tỏi mềm. Dùng dao lột từng tép cho vào thau ngâm lại với giấm. Sau đó xả nước lạnh vài lần cho sạch. Cho tất cả tỏi (đã lột và rửa sạch) vào thau, ngâm nước ngập xâm xấp trong hỗn hợp giấm + phèn chua + thạch cao phi, đem phơi nắng trong 1 ngày, rồi xả nước lạnh vài lần cho sạch. Tiếp tục ngâm tỏi với hỗn hợp giấm + thạch cao phi không có phèn chua, phơi nắng khoảng 2 ngày, đem vào xả sạch, để ráo bỏ vào keo. Đổ giấm (nguyên chất) vào tỏi ngâm cho tới khi thấy nước giấm có màu vàng, đem xả nước lạnh, để ráo (lần 1). Tiếp tục lần 2 giống như lần 1. Sau cùng, cho tỏi vào keo, nấu  hỗn hợp nước giấm, đường theo tỉ lệ 1kg đường + 3 xị giấm + 2 muỗng canh muối bọt, chờ nguội cho vào keo, khoảng 3 ngày sau là dùng được. Ngoại còn cho biết thêm, khác với những loại dưa chua khác, dưa tỏi để lâu càng chua, càng ngon.

 

Ngoại tôi nay đã khuất xa. Cứ mỗi lần Tết đến, tôi đều làm món dưa tỏi cho cả nhà thưởng thức. Mỗi khi cầm dao lột từng tép tỏi làm dưa, tôi chợt nao lòng nhớ hình ảnh ngoại ngày xưa tỉ mẫn làm những hũ dưa chua cho con cháu khi Tết đến.

Theo Phunuonline

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên