Đức đóng vai trò đầu tàu sau đại dịch

Cập nhật: 20-07-2020 | 11:02:35

Giống như phần lớn các nước láng giềng, nước Đức cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vốn có sức tàn phá nặng nề. Nước này đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hậu chiến của mình với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi sản lượng và xuất khẩu sụt giảm.

Các lãnh đạo ngành ở Đức đều trong tình trạng bi quan... Tuy nhiên, nước Đức đang chứng tỏ họ có thể phục hồi sau suy thoái nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2020, theo Ngân hàng Liên bang Đức, sẽ giảm 6% thì mức dự báo đối với 4 nền kinh tế lớn ở châu Âu theo công bố mới đây của các ngân hàng trung ương tương ứng còn bi đát hơn nhiều. Chẳng hạn, GDP của Italy sẽ giảm 9,2%, còn GDP của Anh giảm 14%.

Peter Altmaier, Bộ trưởng Kinh tế Đức, là nhân vật điển hình cho sự tự tin có chừng mực ở Berlin. Các công ty Đức đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào cuối năm và gói kích thích tài chính trị giá 130 tỷ euro của chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp sẽ có hiệu lực trong những tuần tới. Theo Altmaier, Đức sẽ là đầu máy kéo con tàu kinh tế châu Âu và thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.

Ngành công nghiệp ô tô liệu có tiếp tục là niềm hy vọng của nước Đức trong bối cảnh thực tế mới hậu đại dịch?.

Niềm tin của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào khả năng hồi phục phụ thuộc nhiều vào thành công của họ trong việc đối phó với đại dịch. Số ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận ở Đức thấp hơn nhiều so với các nước lớn khác ở châu Âu. Đức cũng là nước làm phẳng đường cong đại dịch nhanh hơn các nước láng giềng; hệ thống y tế của họ chưa bao giờ rơi vào tình trạng quá tải. Và họ làm được tất cả các điều này mà không phải áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào như ở Pháp chẳng hạn như, nơi người dân không được phép rời khỏi nhà trong nhiều tuần ngoại trừ những lúc cần mua nhu yếu phẩm.

Phản ứng tài chính của chính phủ, với việc Berlin bơm tiền để làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng, cũng đóng vai trò lớn. Ngay từ đầu, Đức đã tung ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.300 tỷ euro để bảo vệ hầu hết các công ty Đức, ngăn chặn làn sóng vỡ nợ và tình trạng sa thải lao động hàng loạt đã xuất hiện ở các nước như Mỹ. Sau đó là gói kích thích nhằm thúc đẩy tốc độ phục hồi sau đại dịch.

Sự nhanh nhạy và khéo léo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đức khi đối phó với đại dịch cũng tỏ ra là yếu tố then chốt mang lại thành công cho nước này. Va-Q-Tec, công ty chuyên sản xuất vật liệu cách điện/nhiệt/âm có trụ sở tại thành phố Wurzburg thuộc vùng Bavaria, là một ví dụ. Hoạt động sản xuất tấm cách nhiệt của công ty này đã bị ảnh hưởng nặng nều do lượng đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất tủ lạnh và các khách hàng khác giảm mạnh. Vì vậy, họ đã chuyển nhân công sang sản xuất thêm nhiều hộp cách nhiệt, vốn được sử dụng để vận chuyển dược phẩm và hiện có lượng cầu cao để phục vụ công tác chống dịch.

Joachim Kuhn, Giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập Va-Q-Tec nói: "Chúng tôi không phải áp dụng bất kỳ biện pháp phong tỏa nào. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các khách hàng của mình gửi thư xác nhận rằng sản phẩm của chúng tôi phù hợp với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và điều này đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động trên toàn thế giới". Một vài hãng lớn khác cũng làm như vậy.

Quả thực, ngoài ngành ô tô, Đức chưa phải nếm trải tình trạng gián đoạn đã thấy ở những nước như Italy, nơi tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu bị buộc phải đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có thể vượt qua cơn bão hiện nay nhờ mạng lưới quan hệ đối tác thương mại toàn cầu mà họ đã thiết lập trong vài thập niên qua. Nhờ có sự xen kẽ này mà ảnh hưởng của đại dịch được giảm nhiều. Trong khi phần lớn các công trường xây dựng ở Đức vẫn duy trì hoạt động trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân.

Lợi thế của Đức là thế giới vẫn cần các sản phẩm của họ. Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức nói: "Dường như cuộc khủng hoảng COVID-19 không thể chôn vùi thị trường tiêu thụ hàng hóa Đức ở trong và ngoài nước. Những thị trường này vẫn nguyên vẹn. Và nhu cầu về oto và máy móc Đức vẫn liên tục tăng lên".

Tuy nhiên, nói như thế không phải đã toàn là thuận lợi. Đối với một số nhà kinh tế học, sự phụ thuộc nặng nề của Đức vào xuất khẩu che đậy một cái bẫy tiềm tàng: Thế giới hậu COVID-19 có thể tỏ ra thù địch với các nền kinh tế mở vốn phụ thuộc vào thương mại tự do, các chuỗi cung ứng quốc tế và các thể chế đa phương như Đức, giữa làn sóng phản ứng ngày càng dữ dội đối với toàn cầu hóa.

Gabriel Felbermayr, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel cho biết tăng trưởng của Đức trong giai đoạn 2010-2019 chủ yếu nhờ vào ngoại thương nhưng người ta sẽ không còn thấy điều đó trong những năm tới. Các nước đang dựng lên các rào cản thương mại. Họ đang khuyến kích hồi hương bằng việc trợ cấp cho các công ty muốn quay trở lại thị trường trong nước. Trung Quốc và Mỹ thì đang chia tách. Và điều này thực sự gây tổn hại cho Đức.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhu cầu khó có thể thỏa mãn của thị trường này về ô tô và máy móc Đức là một trong những động lực lớn thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế Đức trong 10 năm qua, giai đoạn dài nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này. Tuy nhiên, theo Felbermayr, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến sự thu hẹp về kinh tế trong quý I-2020 và liệu nền kinh tế này có tăng trưởng trong năm 2020 hay không là điều còn phải chờ xem. Các mối đe dọa khác cũng đang hiện hữu.

Tiến trình số hóa chắc chắn sẽ gây ra những thay đổi nhanh chóng trong giới doanh nghiệp và xã hội Đức và các chính sách "xanh" nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ tác động đến ngành ô tô - trụ cột then chốt của sức mạnh Đức. Đã có những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Đức nhận ra sự cần thiết phải nắm bắt các cơ hội để thay đổi trước một thực tế mới hậu COVID-19, trở thành niềm hy vọng của châu Âu vào lúc này.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên