Dùng kỹ thuật để giải quyết hiệu quả giao thông đô thị

Cập nhật: 14-06-2011 | 00:00:00

Thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh với việc giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của đô thị như công tác đền bù, giải tỏa, thi công công trình... Hai công trình trọng điểm của tỉnh là giải quyết tình trạng kẹt xe trên quốc lộ (QL) 13 và rút ngắn thời gian giải tỏa, thi công đường dẫn vào cầu Phú Long là những điển hình.

 

Đóng cừ cát, thi công đường dẫn vào cầu Phú Long do Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt thực hiện

QL.13 là tuyến đường xương sống nối liền Bình Dương với TP.HCM và các tỉnh Tây nguyên giờ đây đã xuất hiện tình trạng kẹt xe thường xuyên tại nhiều điểm có mật độ dân cư cao như ngã tư Hòa Lân, KCN VSIP, trạm thu phí Lái Thiêu... Trước vấn đề đó, tỉnh đã có kế hoạch giải quyết bằng cách mời chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn, thiết kế giao thông đô thị để vừa giải quyết những vấn đề kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Công trình nâng tầng QL.13 sẽ khởi công vào năm 2012

Tỉnh đang tập trung cao vào việc nâng tầng QL.13 để giải quyết những vấn đề giao thông đô thị hiện nay. Nếu không có gì thay đổi thì lễ khởi công công trình nâng tầng QL.13 sẽ diễn ra vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư khoảng 480 triệu Euro, tương đương 550 - 600 triệu USD và đến năm 2015 thì hoàn thành. Các phương án kết nối nút giao thông hiện hữu và trên cao cũng phải phù hợp, bảo đảm tính đồng mức để phát huy giá trị điều tiết giao thông, quy hoạch, đô thị.

Công trình đường dẫn vào cầu Phú Long là công trình khó, thi công bằng kỹ thuât cao, đúng tiến độ dự kiến. Chủ đầu tư không cần phải xin ý kiến UBND tỉnh mà phải bảo đảm chậm nhất đến ngày 31-12 thông xe kỹ thuật, sau đó là giai đoạn bù lún.

Theo khảo sát, tính toán của đơn vị tư vấn: Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại điểm giao cắt QL.13 đoạn ngã tư Hòa Lân phải mất 42 tỷ đồng tiền đền bù, nhưng vốn thi công công trình chỉ 7 tỷ đồng. Đây là bài toán khó vì tiền đền bù cao gấp 6 lần tiền thi công nhưng khó thực hiện theo ý muốn và thường xảy ra mâu thuẫn do ảnh hưởng quyền lợi dân cư. Nên yêu cầu của UBND tỉnh là tìm nhà tư vấn thiết kế giỏi, biết dùng giải pháp kỹ thuật để giải quyết bài toán khó của đô thị!

 

Giải pháp mà đơn vị tư vấn đưa ra trước đây là mở rộng mặt đường, tăng làn xe lưu thông bằng biện pháp giải tỏa nhà ở, công trình ven hai bên đường. Như vậy vừa giảm tiếng ồn, vừa bảo đảm an toàn giao thông vì còn ít nhà dân bám theo hai bên đường. Mặc dù đề xuất này là đúng, nhưng chưa phù hợp với đặc điểm tình hình chung của Bình Dương cũng như cả nước hiện nay do kinh phí đền bù giải tỏa cao gấp nhiều lần so với kinh phí xây dựng, đồng thời không chủ động được thời gian và tiềm ẩn nguy cơ bất an, khiếu kiện trong dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: “Quy hoạch sử dụng đất phải trên tinh thần tiết kiệm, hạn chế giải tỏa đền bù càng ít càng tốt để an dân, nên cần phương án khác tầm cỡ hơn, khéo léo hơn”. Kiến trúc sư Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Với QL.13 giải pháp khả thi nhất là “lên tầng” kết hợp với hệ thống giao thông đô thị hiện đại bên dưới như metro, motoray... vừa hiện đại vừa chủ động thời gian thi công vì không vướng giải tỏa”.

Để giải quyết điểm kẹt xe tại trạm thu phí Lái Thiêu, ngã tư Hòa Lân và KCN VSIP, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) Nguyễn Văn Hoàng: “Cách làm hay nhất trong hoàn cảnh này là tổ chức lại trạm thu phí theo hướng so le. Tức giữ lại một phần trạm cũ, kết hợp mở thêm một bên trạm mới đoạn cửa ngõ vào Bình Dương, vừa tiết kiệm kinh phí vừa không ảnh hưởng nhiều đến người dân và các đơn vị liên quan”. Còn giải pháp giải quyết kẹt xe ở các điểm giao cắt trên tuyến QL.13 như phía trước cổng KCN VSIP, ngã tư Hòa Lân... đơn vị tư vấn nêu phương án xây dựng hầm chui thay vì làm cầu vượt vừa không bảo đảm lưu thông vừa không phát huy hiệu quả công trình. Nếu xây hầm chui có độ dốc 3m thì phải giải tỏa mặt tiền 100m. Đây là vấn đề phải tính toán vì giải tỏa đất mặt tiền là yêu cầu khó! Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tiếp tục chất vấn: “Giải tỏa đất mặt tiền là khó, vậy trong quá trình khảo sát thiết kế, đơn vị tư vấn đã chuẩn bị phương án gì để khắc phục vấn đề này”? Phương án thứ hai được đơn vị tư vấn nêu ra là giảm khẩu độ giải tỏa đất mặt tiền bằng cách kéo dài hầm chui vào phía trong để giảm độ dốc.

Hoan nghênh ý tưởng mang tính kỹ thuật cao của đơn vị tư vấn thiết kế và Ban Quản lý QL.13, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung kết luận: “Chấp thuận phương án tổ chức trạm thu phí QL.13 theo hướng sole, đồng thời đặt thêm trạm phụ vào cửa ngõ đô thị Lái Thiêu nhằm bảo đảm an toàn các con đường, bộ mặt đô thị. Nhưng các điểm giao cắt phải bảo đảm đồng mức để điều hòa giao thông, phù hợp quy hoạch chung. Cơ bản chấp thuận phương án hầm chui vì không ảnh hưởng đến vấn đề thi công QL.13 sau này, nhưng phải nghiên cứu thêm để hoàn thiện đồ án và tổ chức thông qua từng phần để bảo đảm tính thiết thực của dự án”.

Đối với đường dẫn vào cầu Phú Long có chiều dài 580m, liên quan đến 60 hộ dân bị giải tỏa với tổng kinh phí bồi thường khoảng 49 tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn đã giải tỏa xong để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Lê Văn Leo, SN 1942, tổ 2, khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An có nhà bị giải tỏa cho biết: “Trước đây khu này chỉ có đường nông thôn, đi lại khó khăn. Thân cầu nằm phía thượng nguồn, nhưng nếu giải tỏa trên đó thì vướng rất nhiều nhà cửa, công trình. Qua nhiều lần khảo sát, bàn bạc thì cấp trên chọn nơi đây vừa hợp lòng dân vừa ít tốn kém, nhưng phải thi công bằng kỹ thuật cao là ép cừ cát sâu đến 60m với khoảng 10.000 cọc trên toàn công trình nhằm bảo đảm địa chất. Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng chỉ mới lần đầu nhìn thấy công trình to lớn, quan trọng như thế này. Dù vậy nhưng địa phương chỉ làm trong thời gian ngắn và nhân dân dù có bị giải tỏa, nhưng ai cũng đồng tình”!

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Bức xúc nhất hiện nay của công tác đền bù giải tỏa chính là giá cả. Ai cũng biết có công trình đi qua là có điều kiện làm tăng giá trị đất đai, đời sống bà con có liên quan. Nhưng làm thế nào để bà con chấp nhận giá đền bù để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là điều không đơn giản. Phải đặt mình vào chính hoàn cảnh của dân để hiểu mà tìm cách vận động. Hiểu dân, làm cho dân thương không những cần nghệ thuật tuyên truyền thuyết phục mà còn phải biết thương dân như thương chính mình”!

Trên đây là những công trình trọng điểm, khó khăn trong thi công và giải phóng mặt bằng, nhưng bằng chủ trương dùng kỹ thuật để giải quyết bài toán khó đô thị kết hợp công tác vận động thuyết phục đã mang lại kết quả đáng phấn khởi làm tiền để để Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cơ sở tiến lên thành phố loại I vào năm 2020.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên