Dựng lều tìm chữ trên cao nguyên Mèo Vạc

Cập nhật: 28-04-2010 | 00:00:00

Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang từ lâu đã nổi tiếng với những cao nguyên đá hoang sơ, khoáng đãng. Tuy nhiên, chính vì địa hình hùng vĩ, hiểm trở ấy, mà chặng đường đến với con chữ của những trẻ em dân tộc Mông trở nên chênh vênh...

Con chữ liêu xiêu…

Để đến được điểm trường Ngải Trồ (thuộc trường tiểu học Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang), hằng ngày em Và Thị Mỷ phải trải qua chặng đường dài 5 cây số, vượt suối băng rừng sau khi giúp bà lấy củi, nấu cơm, trông em… Bố mất khi mới 3 tháng, mẹ đi lấy chồng khác nên được nội nuôi và cho đi học. Đây chính là niềm vui sướng vô ngần của Mỷ.

Vượt suối đến trường

Hầu hết đồng bào ở đây tìm đủ cái ăn cho cả nhà đã khó, nên việc có con đi học là thêm một khoản tốn kém, thiếu đi một tay làm việc nhà, một chân lên nương rẫy... Vì thế, toàn xã Xín Cái gần 5.000 người chỉ có 508 học sinh với 34 lớp học rải đều trên 16 điểm trường tại 19 xóm bản.

Mỷ còn may mắn hơn những bạn học khác vì mỗi ngày còn có chốn để được đi - về với bà nội. Nhiều bạn bè em nhà cách trường ba bốn con suối sâu, dốc dài nên đành dựng lều gần trường để mỗi ngày được đến lớp.

Chỉ với mái lều toang hoác treo vài xoong - chảo ám đen muội khói, dăm tô chén mẻ cùng mấy bộ đồ nhàu nát, ấy vậy mà các em bám trụ nhiều năm liền ở đây với khát khao cháy bỏng được theo tận cùng hành trình đến với con chữ.

Hình ảnh những mái lều lúp xúp chen chúc 3 - 4 em ở chung, góp gạo thổi cơm mỗi ngày, sau giờ học chia nhau vào rừng hái măng bẻ nấm làm thức ăn cứ ám ảnh chúng tôi trong hành trình mang “Đèn đom đóm” thắp sáng ước mơ đến trường cho các em nơi đây.

Chúng tôi tự hỏi giữa bao lo toan về cái ăn, cái mặc, giữa giá rét của núi rừng không biết nghị lực nào đã giúp các em có thể vững tay viết lên tấm bảng đen từng con chữ trắng dù cái chữ cứ liêu xiêu, không tròn đường nét…

...Bên ngôi trường rách nát

Khi anh Lê - sĩ quan đồn biên phòng Săm Pun - chỉ cho chúng tôi điểm trường Ngải Trồ, không ai trong đoàn có thể tin đó là nơi hàng ngày Mỷ và các bạn theo học. Đó là hai mái nhà lụp xụp bên bờ sông, lợp chắp vá bằng những mảnh tôn cũ, vách đất chật hẹp, bên trong là vài bộ bàn ghế xiêu vẹo.

Ấy vậy mà trong cái không gian không đủ sáng, nồng mùi đất, mùi lá rừng, những học trò nhỏ vẫn say sưa theo từng nét chữ của thầy trên bảng.

“Dụng cụ học tập của các em hầu như không có gì, hai ba em dùng chung một bộ sách giáo khoa. Không chỉ thiếu thốn vật chất, thời tiết khắc nghiệt, khan hiếm nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học của các em ở đây” - Thầy Lê Văn Lương, hiệu trưởng trường Tiểu học Xín Cái cho biết.

Xín Cái có 8 dân tộc anh em cùng chung sống trong đó dân tộc Mông chiếm 72,17%, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc huy động và duy trì sĩ số học sinh trong độ tuổi đến trường là vấn đề nan giải đối với ngành giáo dục địa phương.

Những suất học bổng của chương trình khuyến học ĐĐĐ của nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan trao tặng đã kịp thời thắp lên trong các em thêm niềm say mê con chữ, ngăn dòng bỏ học do cuộc sống quá khó khăn của gia đình.

Và cùng với chương trình, sự chung tay góp sức từ cộng đồng chính là cầu nối để con đường học tập ấy của các em dài hơn, bền vững hơn.

(THEO TIỀN PHONG)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X