Đừng tranh với mẹ

Cập nhật: 19-08-2013 | 00:00:00

Ngày cưới con về làm dâu, mẹ tự dặn lòng dẹp bớt cái tôi cũ kỹ, bớt dòm ngó, bắt bẻ, dung hòa với đứa con từ nay sẽ là thành viên chính thức của gia đình mình. Mọi cố gắng của mẹ dường như chỉ uổng công. Ngay từ đầu, con đã vạch ra ranh giới với mẹ. Con trai của mẹ vô tình trở thành mục tiêu để mẹ chồng - nàng dâu tranh kéo về phía mình. Mẹ không muốn tranh với con, mẹ chỉ muốn con tôn trọng quyền làm mẹ của mẹ.

Mẹ luôn dạy con trai phải ga-lăng với phụ nữ, làm những việc nặng nhọc và chia sẻ việc nhà. Tận dụng điểm ấy, mỗi khi vào bếp, con lại anh ơi anh à rửa dùm em con cá, chùi dùm em mấy cái nồi; trong khi con bận xem nốt đoạn phim đang hấp dẫn hoặc “tám” với bạn bè. Đứa con trai từ nhỏ mẹ luôn nâng niu, bỗng trở thành người giúp việc siêng năng cho vợ.

Quần áo của con trai trước nay vẫn do mẹ chọn, giờ có vợ rồi, con làm thay mẹ việc ấy cũng phải. Khổ nỗi, quần áo con mua, chồng con mặc vào mẹ thấy diêm dúa quá. Con thì bảo đồ của chồng trông già dặn và gom quần áo mẹ đã mua mang cho từ thiện. Không thích thì thôi, con đâu cần phủ định mẹ một cách dứt khoát đến thế.

Ảnh mang tính minh họa. TOPIC

Con trai vốn ghét cháo lòng, bún riêu, mẹ thì không ưa cá da trơn, ngặt nỗi, đó lại là mấy món con thích. Mẹ luôn tôn trọng sở thích và khẩu vị của mỗi người. Bữa nào có món con không thích, mẹ làm riêng món khác cho con. Hôm nào con vào bếp là mẹ khổ, con chỉ làm món con thích ăn, vô tư để mặc mẹ ăn cơm với muối tiêu hoặc tự đi làm món khác. Con thuyết phục mẹ và chồng có cùng sở thích với mình. “Nhà có mấy người, làm nhiều món chi cho cực. Ăn một lần không thích, vài lần là thấy ngon liền”. Lý lẽ đó có bao giờ con tự đặt mình vào chưa?

Trước giờ mẹ có thú vui cuối tuần cùng con trai dạo siêu thị. Hai mẹ con nhẩn nha cả buổi sáng thật vui. Mẹ thấy lòng ấm áp và hạnh phúc vào những ngày Chủ nhật êm đềm như thế. Từ ngày có con, thỉnh thoảng con trai mới có thời gian đi siêu thị với mẹ. Có khi đang đi thì con gọi, đừng mua thứ này thứ kia, con ăn không vô, mua cái này con thích nè, có khi con lại gọi chồng về chở con đi làm tóc, đi cà phê… Con trai đi cũng dở, ở không xong. Mẹ phải nhường con trai mẹ lại cho con, nhường ngày Chủ nhật riêng tư hiếm hoi cho con…

Trước đây mẹ hay rủ con trai về quê cúng đám giỗ. Họ hàng lâu ngày gặp mặt, ai cũng hỏi han tay bắt mặt mừng. Đó là dịp để con trai nhận mặt bà con, nhắc nhở nguồn cội. Nhìn con trai thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ngậm ngùi trước mộ phần ông bà, hay hớn hở giữa vòng vây của mấy đứa em họ, mẹ sung sướng vì con không mất gốc. Từ ngày con về làm dâu, mẹ dắt con về quê mấy lần. Nhưng không khí quê có lẽ không hợp với con, con than buồn tẻ, thiếu thốn, nằng nặc đòi về. Mỗi lần mẹ rủ về quê, con viện cớ này nọ để bảo chồng ở nhà. Chồng con có đi cũng không yên, con cứ gọi hỏi đang làm gì, lâu vậy sao chưa về?... Nhìn vẻ nhấp nhổm của con trai, mẹ thúi ruột vì biết đang dần mất nó…

Con dâu à, chúng ta là người một nhà, những hành động vô tình của con đang dần đẩy xa khoảng cách giữa chồng con và mẹ. Đừng để chồng con khó xử khi phải cân nhắc bên hiếu bên tình. Mẹ cứ nhường mãi, nhường mãi, thành ra con trai vô tình trở nên bất hiếu. Đó là điều con cũng không muốn, phải không con dâu?

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên