Đường đi của những đồng tiền bẩn

Cập nhật: 01-08-2011 | 00:00:00

Hàng tỷ USD bất chính được rửa hàng năm thông qua các hệ thống ngân hàng có uy tín. Tiền bẩn trở thành một nguồn kinh doanh siêu lợi nhuận của các ngân hàng. Hiện quy mô chính xác của rửa tiền còn gây nhiều tranh cãi.

   Nhiều ngân hàng trở thành nơi rửa tiền của các băng nhóm tội phạm.

     Trung gian ngân hàng

Trong bài viết đăng trên Reuters số ra ngày 29-6, tác giả Felix Salmon cho rằng nhiều ngân hàng Mỹ vẫn còn dính dáng đến các hoạt động rửa tiền. Điều tra trong thời gian qua cho thấy, Wachiova là ngân hàng có nhiều liên quan đến hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Sự việc bắt đầu bị phát hiện vào cuối năm 2008.

Trong cuộc điều tra nguồn gốc chiếc máy bay chuyên chở cocaine của băng đảng Sinaola, Mexico, cơ quan trấn áp ma túy liên bang Hoa Kỳ (DEA) phát hiện bọn buôn lậu trả tiền mua máy bay từ Wachovia. Cảnh sát còn phát hiện hàng trăm tỷ USD buôn bán ma túy được các văn phòng giao dịch Mexico đổ vào các trương mục của Wachovia dưới dạng chuyển khoản, chi phiếu du lịch và tiền mặt.

Wachovia cũng thừa nhận trong năm 2009 đã chuyển 420 tỷ USD cho các chủ tài khoản bị tình nghi tham gia vào việc rửa tiền thu được từ buôn bán ma túy. Một phần trong số tiền này được phát hiện ra từ việc mua máy bay để chuyên chở hơn 22 tấn cocain của các tổ chức buôn lậu. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, có ít nhất 74 người liên quan đến các hoạt động rửa tiền của Wachovia.

Bank of America cũng dính vào một vụ việc gây ầm ĩ khác là gia tộc Al-Gosaibi ở Saudi Arabia đâm đơn kiện cựu đối tác Mann Al-Sanea, chủ tịch Tập đoàn Saad, đã bòn rút 10 tỷ USD của nhà Al-Gosaibi qua hệ thống Bank of America. Trong đơn kiện đưa lên tòa án ở New York, nhà Al-Gosaibi khẳng định rất nhiều giao dịch lừa đảo của ông Al-Sanea được thực hiện qua Bank of America.

Những phát hiện này cũng gây xôn xao trong dư luận Mỹ. Những biện pháp kiểm soát các hành vi vi phạm này dường như không hiệu quả, trong khi đó mức phạt lại quá thấp. Kết thúc cuộc điều tra, Wachovia chỉ chịu mức phạt 160 triệu USD, được cho là vẫn ít hơn 2% lợi nhuận mà ngân hàng này thu được trong năm 2009.

Chuyên gia tài chính Eric Lewis khẳng định, chính sách chống rửa tiền của Mỹ đang trở nên vô tác dụng khi hàng tỷ USD tiền bẩn từ khắp nơi trên thế giới đang chảy qua hệ thống các ngân hàng Mỹ. Điều xảy ra tại Wachovia chứng minh mọi hệ thống giám sát đều chưa thể ngăn chặn nạn tẩy rửa những đồng tiền nhuốm máu và khống chế khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    Những bước rửa tiền

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hoạt động rửa tiền phổ biến trên thế giới thường tiến hành theo 3 bước chính. Giai đoạn đầu, các đối tượng sẽ đưa những đồng tiền bẩn vào các định chế tài chính. Thủ đoạn phổ biến để tránh bị phát hiện là thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định.

Trong giai đoạn tiếp theo, tiền được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Và giai đoạn cuối là “gột” số tiền đó bằng cách đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp. Ông Kevin Whelan, chuyên gia tài chính Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền đan xen với các nguồn tiền hợp pháp và chuyển qua lại giữa các hoạt động kinh doanh bằng nhiều tài khoản khác nhau, hoặc giữa tài khoản trong nước với tài khoản nước ngoài.

Những giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rửa tiền sẽ có các biểu hiện như: đột ngột chuyển tiền với số lượng lớn, thường xuyên chuyển tiền ra nước ngoài, tiền gửi đến người nhận không có quan hệ cá nhân, thực hiện chuyển tiền tại nhiều chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh biên giới...

Các chuyên gia tài chính đánh giá, ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn, mà còn khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, sẽ nhanh chóng được công nhận như một khoản tiền sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Hoạt động chuyển tiền giữa các ngân hàng có thể không thuộc phạm vi báo cáo nghi vấn rửa tiền, do vậy các nhân viên ngân hàng thường bị mua chuộc để che đậy việc chuyển những khoản tiền lớn bất hợp pháp giữa các tài khoản với nhau.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), một tổ chức liên chính phủ được thành lập để chống nạn rửa tiền, cho biết, khó có thể ước tính chính xác số tiền được rửa. Theo các phương tiện truyền thông, số tiền được rửa mỗi năm khoảng 1,5 ngàn tỷ USD, trong đó, Mỹ chịu trách nhiệm về 46,3% số tiền được rửa, tiếp đó là Ý (150 tỷ USD - 5,3%), Nga (147 tỷ USD - 5,2%), Trung Quốc (130 tỷ USD - 4,6%) và phần còn lại thuộc về Đức, Pháp, Rumania, Canada, Anh, Hồng Công (Trung Quốc).

Những con số tiền bẩn khổng lồ được rửa tại nhiều quốc gia cho thấy sự cần thiết của việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị tình báo tài chính (FIUs) giữa các nước. Tuy nhiên, cái khó là vẫn có rất nhiều vướng mắc trong việc thiết lập các mối quan hệ song phương, thậm chí một số nước lại không có FIUs để điều tra các giao dịch đáng ngờ.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên