Đường Mỹ Phước - Tân Vạn: Phải dứt điểm giải phóng mặt bằng

Cập nhật: 21-10-2013 | 00:00:00

 Một số hộ dân tại phường Phú Lợi (TP.TDM) thuộc khu vực giải tỏa của đường MP-TV vẫn chưa chịu di dời làm chậm tiến độ thi công

Trên 90% hồ sơ đã chi trả

“Tuyên truyền, vận động là chính, áp dụng hết khung pháp lý để người dân có lợi nhưng vẫn phải xử lý dứt khoát. Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ mới phải làm…” (Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM)

 

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh, số hồ sơ (HS) đền bù của công trình đã được phê duyệt là 2.808 HS với tổng số tiền 1.031,505 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị đã thực hiện chi trả 2.665 HS với tổng số tiền 992,328 tỷ đồng, còn lại 143 HS với số tiền 39,176 tỷ đồng. Tổng số tiền tạm ứng cho các trung tâm phát triển quỹ đất là 1.015,987 tỷ đồng.

Tại TX.Dĩ An có 988 HS được phê duyệt với tổng số tiền đền bù 402.260 tỷ đồng. Theo UBND TX.Dĩ An, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã thực hiện chi trả 928 HS với số tiền đền bù cho các hộ dân thuộc vùng giải tỏa của công trình là 376,956 tỷ đồng. TX.Dĩ An đã thực hiện bàn giao mặt bằng đã giải phóng cho chủ đầu tư (Becamex IDC) thực hiện công trình diện tích của 798 HS/928 HS đã chi tiền, còn 130 HS chưa bàn giao mặt bằng. Trên địa bàn TX.Thuận An có 1.007 HS đền bù được phê duyệt với số tiền 337,226 tỷ đồng. Đến nay, UBND TX.Thuận An đã thực hiện cho 958 HS với số tiền đền bù 333,060 tỷ đồng. TX.Thuận An cũng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với 955 HS/958 HS đã chi tiền. Đối với TP.TDM, tổng số hồ sơ đền bù được phê duyệt là 813 HS với số tiền đền bù 292,018 tỷ đồng. TP.TDM cũng đã chi trả 779 HS tương đương số tiền đền bù 281,769 tỷ đồng, đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thuộc diện tích của 505/525 hộ thuộc vùng giải tỏa, đạt 95,8%.

Xử lý dứt điểm

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng của công trình. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện, dẫn đến tiến độ thi công công trình này chậm lại.

Theo các địa phương, trong quá trình thực hiện đền bù, giải tỏa vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Một số hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù, chưa hợp tác với cơ quan chức năng trong việc kê khai, áp giá. Thậm chí, tại TX.Thuận An, có trường hợp người dân thuộc vùng giải tỏa, đã nhận tiền đền bù rồi nhưng vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng và đòi điều chỉnh đơn giá… Tại TX.Dĩ An, vẫn còn 60 HS của các trường hợp hộ dân chưa nhận tiền đền bù với số tiền 25,304 tỷ đồng. TX.Thuận An cũng còn 49 HS chưa nhận tiền đền bù với số tiền 3,623 tỷ đồng. TP.TDM còn 34 HS chưa nhận tiền với số tiền 10,248 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam yêu cầu phía chủ đầu tư phối hợp với các địa phương tìm các giải pháp, xử lý những vướng mắc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư sớm thực hiện hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng. “Tuyến đường MP-TV có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong tình hình mới. Các địa phương cần xem xét kỹ lưỡng từng HS, qua đó cân nhắc, xử lý dứt điểm…”, ông Nam nói.

Cưỡng chế - biện pháp cuối cùng

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, trong quá trình thực hiện giải phóng phần mặt bằng còn lại của công trình, các địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng tuyến đường MP-TV, hiểu rõ các quy định trong chính sách, pháp luật về giải tỏa đền bù hiện hành, qua đó đả thông tư tưởng người dân, tạo sự đồng thuận để đi đến hợp tác với chính quyền, thống nhất phương án đền bù, bàn giao mặt bằng. Mặt khác, “cần vận dụng linh hoạt hết khung pháp lý để bảo đảm mọi điều kiện có lợi cho người dân”, ông Nam chỉ đạo.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, đối với những trường hợp vẫn không thống nhất với phương án đền bù, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam yêu cầu các địa phương phải phối hợp với các cơ quan chức năng như tư pháp, thanh tra… để rà soát lại trình tự thủ tục, đưa ra những phương án cương quyết để thực hiện giải phóng mặt bằng. “Tuyên truyền, vận động là chính, áp dụng hết khung pháp lý để người dân có lợi nhưng vẫn phải xử lý dứt khoát. Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ mới phải làm”, ông Nam chốt lại.

Một trong những “nút thắt” mặt bằng của công trình đường MP-TV là đoạn đường đi qua khu vực mỏ đá Tân Đông Hiệp trên địa bàn TX.Dĩ An. Một số đơn vị khai thác đá tại đây làm ảnh hưởng đến hành lang của tuyến đường. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã đề nghị UBND TX.Dĩ An, chủ đầu tư công trình (Becamex IDC) cần sớm có phương án xử lý. “Becamex IDC và các đơn vị khai thác cần sớm đạt được những thỏa thuận để có giải pháp thay thế hoặc nắn tuyến. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ đình chỉ giấy phép khai thác của các đơn vị khai thác vi phạm. Khi nào xử lý xong sự cố mới tiếp tục cho phép khai thác trở lại”, ông Nam nói.

• THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên