'Em bé napalm' tròn 40 tuổi

Cập nhật: 01-06-2012 | 00:00:00

Phan Thị Kim Phúc trong bức ảnh sẽ mãi là một cô bé 9 tuổi đang hoảng loạn, thân mình bỏng rát, vừa gào lên thất thanh: "nóng! nóng quá!", vừa chạy khỏi ngôi làng đang bốc cháy của em.

Mọi người sẽ chỉ nhớ về một cô bé đang trong tình trạng khỏa thân sau khi quần áo và da thịt em bị những giọt napalm nóng bỏng đốt cháy. Cô bé vô tội ấy sẽ luôn chỉ được biết tới với tư cách một nạn nhân vô danh, nếu không có bức ảnh gây chấn động thế giới mang tên "Em bé napalm".

Khoảnh khắc vô giá này, do nhiếp ảnh gia Huỳnh Công "Nick" Út, phóng viên hãng tin AP chụp được, sắp tròn 40 tuổi. Bức ảnh, với sức mạnh hơn mọi ngôn từ, đã gợi nhớ về một quá khứ kinh hoàng của thời chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời một trong những giai đoạn đen tối của lịch sử nước Mỹ.

  Bức ảnh chụp ngày 8-6-1972. Các em nhỏ đang khóc và chạy trên đường quốc lộ 1 gần Trảng Bàng, Tây Ninh sau khi bom napalm dội xuống làng của các em. Kim Phúc là cô bé ở giữa. Phía sau các em là binh lính của Sư đoàn 25 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.Tuy nhiên, phía sau bức ảnh vô giá ấy là một câu chuyện ít được biết tới, về cuộc đời của một đứa trẻ đang cận kề với cái chết và nỗ lực của một nhiếp ảnh gia trẻ. Chính khoảnh khắc hỗn loạn và đau thương ấy đã cứu sống một cô bé vô tội và là động lực để cô thay đổi cuộc sống của chính mình.

"Tôi thực sự muốn thoát khỏi hình ảnh bé gái ấy", bà Kim Phúc, nay 49 tuổi, chia sẻ. "Nhưng dường như bức ảnh đó không chịu buông tha tôi".

Đó là ngày 8-6-1972, tại ngôi làng ở thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh, khi Phúc đột nhiên nghe thấy một tiếng hét thất thanh: "Rời khỏi đây! Nơi này sẽ bị đánh bom! Chúng ta sẽ chết!".

Vài giây sau, cô bé khi ấy mới 9 tuổi nhận ra một quả bom với "cái đuôi" màu vàng rơi nhanh xuống Thánh thất Cao đài, nơi hai mẹ con cô bé đang tá túc.

Rồi Phúc nghe thấy những âm thanh ồn ào trên không. Khi cô bé xoay đầu để tìm hiểu xem đang có chuyện gì xảy ra, Phúc nhận ra một chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đang lao thẳng về phía em, không ngừng dội bom xuống ngôi làng nhỏ bé.

"Bum! Bum!"

Mặt đất rung chuyển. Sức nóng của hàng trăm quả bom tỏa ra mọi hướng.

Lửa bùng cháy trên cánh tay trái, rồi bén vào quần áo của Phúc. Cây cối trở thành những ngọn đuốc rực lửa, trong khi dân làng tìm mọi cách chạy trốn.

"Mình sẽ xấu xí. Mình sẽ không còn bình thường được nữa", Phúc nghĩ, khi lấy bàn tay phải cố gắng dập tắt lửa trên cánh tay kia. "Mọi người sẽ nhìn mình thế nào".

Quá hoảng hốt, cô bé thu hết sức chạy ra quốc lộ 1, ngay sau anh trai. Phúc không nhìn thấy các phóng viên nước ngoài khi cô vừa chạy vừa la hét về phía họ.

Sau đó, cô bé bất tỉnh.

Út, nhiếp ảnh gia Việt Nam 21 tuổi, người đã chụp bức ảnh, đưa Phúc tới một bệnh viện nhỏ. Ở đó, người ta nói với ông rằng tình trạng của con bé quá nặng, không thể chữa trị. Nhưng sau đó, ông đã đưa ra phù hiệu nhà báo, yêu cầu các bác sĩ cứu chữa cho Phúc và đảm bảo rằng cô bé được chăm sóc thích đáng.

"Tôi đã khóc khi nhìn con bé bỏ chạy", Út nói. Anh trai của ông, người cũng từng là một phóng viên của AP, đã chết khi làm nhiệm vụ tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. "Nếu tôi không giúp con bé, nếu điều đó xảy ra và con bé không thể qua khỏi, tôi nghĩ sau đó tôi cũng sẽ tự kết liễu chính mình".

Trở về tòa soạn có trụ sở ở Sài Gòn, ông rửa phim. Khi bức ảnh về cô bé napalm xuất hiện, mọi người đều lo sợ nó sẽ bị cấm bởi chính sách nghiêm ngặt của hãng tin với ảnh khỏa thân.

Tuy nhiên, cựu chiến binh Việt Nam, biên tập viên ảnh Horst Faas đã xem xét nó và biết rằng bức ảnh này đáng để phá vỡ quy tắc. Ông lập luận rằng đây là bức ảnh có giá trị đặc biệt, và điều đó cần được quan tâm hơn bất cứ mối lo ngại nào, và ông đã đúng.

Hai ngày sau khi bức ảnh kinh hoàng được công bố trên toàn thế giới, các nhà báo khác đã tìm ra rằng cô bé vẫn còn sống sau vụ tấn công. Christopher Wain, một phóng viên của ITV, Anh, người đã lấy nước trong bi đông dội vào cơ thể đang bỏng rát của cô bé, đã đấu tranh để Phúc được chuyển tới một bệnh viện của Mỹ ở Sài Gòn. Đó là nơi duy nhất ở miền nam Việt Nam có đủ khả năng chữa trị những vết thương nghiêm trọng của cô.

"Tôi không hề biết gì về nơi tôi được đưa tới hay điều gì đã xảy ra với tôi", bà Kim Phúc kể lại. "Tôi tỉnh dậy và thấy mình đang ở bệnh viện với cơ thể đau đớn, rồi các y tá vây quanh tôi. Tôi tỉnh giấc với nỗi sợ hãi tới kinh hoàng".

30% cơ thể mỏng manh của Phúc đã bị bỏng cấp độ ba, trong khi gương mặt cô bé cũng bị ảnh hưởng. Qua thời gian, phần cơ thể từng bị bỏng cháy của cô bé dần được chữa lành.

"8h sáng mỗi ngày, các y tá đặt tôi vào một cái bồn tắm để cắt bỏ hết phần da chết của tôi", bà kể lại. "Tôi chỉ biết khóc và khi không thể chịu đựng nổi, tôi lại ngất đi".

Sau nhiều lần phẫu thuật và ghép da, Phúc cuối cùng cũng được xuất viện, 13 tháng sau vụ đánh bom. Cô bé nhìn thấy bức ảnh của ông Út, thứ sau đó đã giành được giải thưởng báo chí danh tiếng Pulitzer Prize, mà không hề hay biết sức ảnh hưởng của nó.

Cô bé chỉ muốn được về nhà và làm một đứa trẻ bình thường.

Tuy nhiên, cuộc sống không thể trở lại như trước. Bức ảnh đó rất nổi tiếng, nhưng Phúc vẫn là một cô bé vô danh. Chỉ có những người sống ở ngôi làng nhỏ gần biên giới Campuchia biết cô bé là ai. Ông Út và vài nhà báo khác đôi lúc tới thăm cô, nhưng điều đó cũng chấm dứt sau khi chiến tranh chính thức kết thúc vào ngày 30-4-1975, khi quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập.

Cuộc sống mới khó khăn hơn. Thuốc giảm đau rất hiếm. Những vết thương vẫn khiến Phúc đau đớn. Cô đã học tập rất chăm chỉ và được nhận vào một trường y tế để theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ. Năm 1982, Phúc được một nhà báo Đức phát hiện. Sau đó, Thủ tướng Việt Nam khi đó, người đã rất cảm động vì câu chuyện của Phúc, đã tạo điều kiện cho cô gái trẻ đi du học và chữa bệnh ở Cuba.

Trong khi ở trường, Phúc gặp một thanh niên Việt Nam. Cô chưa từng tin rằng có người thanh niên nào thực sự yêu cô, bởi cô biết mình có vẻ ngoài xấu xí với những vết sẹo trên lưng và cánh tay, nhưng Bùi Huy Toàn dường như còn yêu cô hơn chính vì những điều đó.

  Kim Phúc và chồng trong một lễ ở nhà thờ tại Canada năm 1992. Hai người gặp nhau ở Cuba trước đó.Cả hai quyết định kết hôn vào năm 1992 và có tuần trăng mật ở Moscow. Khi máy bay chở đôi vợ chồng trẻ dừng chân tại Newfoundland trên đường trở về Cuba, hai người bỏ trốn và quyết định ở lại Canada.

Phúc liên lạc với Nick Út để cung cấp thông tin, và ông đề nghị bà kể câu chuyện về cuộc đời cho thế giới. Nhưng bà không muốn tiếp tục bị chú ý. "Tôi đã có chồng và một cuộc sống mới. Tôi muốn một cuộc sống bình thường giống mọi người", bà nói.

Giới truyền thông vẫn tìm ra Phúc khi bà sống gần Toronto, và bà quyết định cần phải kiểm soát câu chuyện đời mình. Cuốn sách được viết năm 1999 và một tài liệu cũng được công bố, theo đúng cái cách bà muốn nó được kể. Bà được đề cử làm Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc để giúp các nạn nhân chiến tranh. Bà và Út đã được đoàn tụ nhiều lần để kể câu chuyện của họ, thậm chí được tới London để diện kiến Nữ hoàng Anh.

"Hiện tại, tôi rất hạnh phúc vì được giúp Kim Phúc", Út, người vẫn làm việc cho AP và mới quay lại làng Trảng Bàng, nói. "Tôi gọi con bé là con gái".

Sau 4 thập kỷ, Phúc, giờ là mẹ của hai cậu con trai, cuối cùng có thể nhìn vào bức ảnh chính bà đang chạy trốn và hiểu tại sao nó vẫn rất có sức mạnh.

"Phần lớn mọi người, họ biết về bức ảnh của tôi nhưng chẳng hiểu nhiều về cuộc đời tôi", bà nói. "Tôi rất biết ơn rằng giờ tôi có thể chấp nhận bức ảnh như một món quà đầy sức mạnh. Rồi nó là lựa chọn của tôi. Rồi tôi có thể làm việc với nó vì hòa bình".

Kim Phúc từng đọc một bài luận dài trên kênh phát thanh quốc gia ở Canada vào năm 2008 có tên Đường dài tới sự tha thứ: "Tha thứ giúp tôi quên đi lòng thù hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng song trái tim tôi đã được thanh tịnh. Bom napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên