Festival Gốm sứ Bình Dương - Việt Nam 2010: Nơi hội tụ của “Thế giới sắc màu”

Cập nhật: 30-08-2010 | 00:00:00

Kỳ 1: Hội tụ đất phương Nam

Kỳ  2: Hoành tráng lễ hội quốc gia

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức lễ hội cấp quốc gia nên Bình Dương không khỏi băn khoăn trong việc chuẩn bị, tổ chức nhằm bảo đảm các yêu cầu văn hóa, xã hội và hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập quốc tế. Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chuyên gia tổ chức sự kiện, các nhà quản lý, nhà khoa học, nghệ sĩ thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, bảo đảm lễ hội sẽ diễn ra an toàn, hoành tráng và ấn tượng.

Tái hiện không gian “đại công xưởng”

Sân vận động tỉnh (sân Gò Đậu) là trung tâm lễ hội với các hoạt động chủ đạo là lễ khai mạc, giao lưu xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm, tham quan mua sắm, hội thảo khoa học... Tại đây, đạo diễn Lê Quý Dương, người chuyên thiết kế, dàn dựng thành công nhiều lễ hội tầm cỡ quốc gia “biến” thành một đại công xưởng sản xuất, tiêu thụ gốm sứ từ thời sơ khai gắn với quá trình dựng làng, lập ấp đến thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa với chủ đề “Thăng Long Gốm Việt”. Nhằm tôn vinh nghề gốm sứ Việt Nam gắn với các làng nghề, các nghệ nhân sẽ từ từ đưa người xem quay về với cội nguồn lịch sử hình thành, phát triển và thành tựu đáng tự hào của nghề gốm và các làng nghề Việt Nam thông qua các hoạt động biểu diễn thời trang hiện đại. Chương trình sân khấu hóa “Vũ điệu gốm sứ” do các nhà thiết kế nổi tiếng Sĩ Hoàng, Ngô Thái Uyên, Sơn Collection, Ngô Nhật Huy phụ trách. Chương trình ca nhạc đặc sắc kết hợp với những câu chuyện kể, giao lưu với nghệ nhân, doanh nhân, các nhà khoa học, hội thi... xoay quanh chủ đề gốm sứ được sân khấu hóa trong không gian của một đại công xưởng sản xuất mà cửa vào được thiết kế như một cửa lò gốm thật với chất liệu thật nhằm giới thiệu một cách sinh động, mới lạ đến khách tham quan.

 

Tuổi thơ Lái Thiêu (Ảnh: Hà Hữu Nết)

Đạo diễn Lê Quý Dương mô tả: “Nhìn tổng thể Sân vận động Gò Đậu ngày diễn ra Festival sẽ giống như một xưởng sản xuất gốm sứ mà cửa lò cũng chính là cổng vào, bên trong có lửa cháy, “công nhân” ra vào tấp nập. Càng đi vào du khách càng bị thu hút bởi các chủ đề chính bên trong như gian hàng, tác phẩm dự thi, sân khấu ca nhạc thời trang, hội thảo khoa học... Để làm được điều này chúng tôi đã công phu tiếp cận, sưu tầm về lịch sử, văn hóa, con người và thổi vào đó luồng hơi nghệ thuật, nhằm tôn vinh giá trị của gốm trong cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Đa dạng sắc màu

Festival sẽ có hàng loạt hoạt động hứa hẹn rất sinh động. Hội chợ triển lãm gốm sứ quốc tế với trên 600 gian hàng của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Hiệp hội Gốm Sứ Bình Dương, các nhà sản xuất gốm sứ trên cả nước, các làng nghề truyền thống Việt Nam, cùng các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại. Trưng bày các sản phẩm gốm sứ kỷ lục Việt Nam như: Bình gốm lớn nhất, Bình trà lớn nhất, Bình rượu độc đáo nhất. Triển lãm “Gốm và Danh tửu” giới thiệu các loại rượu nổi tiếng: rượu Bàu Đá - Bình Định, Làng Vân - Hà Nội, Gò Đen - Long An với các bình rượu độc đáo. Chương trình Ẩm thực miền Đông Nam bộ với các món ngon truyền thống. Hội thảo khoa học về gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Bảo tàng Bình Dương phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và bảo tàng các tỉnh, thành giới thiệu trên 300 tác phẩm gốm cổ từ thời Đông Sơn, Óc eo, Chămpa đến tiền Lê, Lý, Trần... Trong đó có nhiều cổ vật vừa được trục vớt trong các con tàu đắm ngoài biển Đông mới đây, cùng khoảng 200 bộ sưu tập gốm tư nhân trong và ngoài tỉnh. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Hội Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức cuộc thi và giới thiệu các tác phẩm về chủ đề “Gốm sứ và cuộc sống”.

Bên ngoài sân khấu chính là các hoạt động cộng đồng như đua thuyền trên sông, lướt ván, hội thi “tài hoa gốm Việt”, biểu diễn chế tác các tác phẩm gốm sứ tại chỗ, viết thư pháp trên gốm, cuộc thi dành cho khán giả gắn với các chương trình ẩm thực. Ngoài ra, khách tham quan còn khám phá nhiều tour, tuyến du lịch đặc sắc đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch kinh tế, tìm hiểu làng nghề như làng nghề Tương Bình Hiệp, Lái Thiêu, các di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, núi Cậu - Dầu Tiếng... Các hoạt động trên đều mang tính đại chúng, đậm nét truyền thống kết hợp hiện đại nhằm gắn kết quá khứ  - hiện tại và tương lai, được thể hiện trên quy mô hoành tráng, sinh động và đa dạng màu sắc. (Còn tiếp)

DUY CHÍ

Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN HOÀNG SƠN: “Sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần vào thành công của lễ hội”

Thấu hiểu sự khó khăn của doanh nghiệp (DN) nên nhiều năm qua tỉnh rất hạn chế vận động vì chưa có chương trình cụ thể, thiết thực gắn với lợi ích của DN. Lễ hội Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 là dịp để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, xúc tiến thương mại đầu tư của cộng đồng DN với bạn bè quốc tế một cách thiết thực và hiệu quả. Sự tham gia tích cực của cộng đồng DN sẽ góp phần vào thành công của lễ hội.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN VĂN HIÊP: “Hiện đại hóa nghề truyền thống để phát huy thế mạnh”

Bình Dương không chỉ có nghề truyền thống là gốm sứ mà còn có nhiều làng nghề nổi tiếng khác. Để duy trì và phát huy giá trị các làng nghề, nhiều năm qua tỉnh đã có những chương trình đầu tư, đào tạo, hỗ trợ chính sách rất cụ thể giúp các làng nghề phát triển, hội nhập tốt. Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nên ngoài việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa nghề truyền thống nhằm phát huy thế mạnh, chủ động hội nhập để phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa,  Thể thao và Du lịch LÊ HỮU PHƯỚC: “Đã chuẩn bị sẵn sàng”

Đến nay công tác chuẩn bị, kiểm tra chương trình, kịch bản đã đúng theo kế hoạch. Thấy được hiệu quả xã hội và sức lan tỏa rộng lớn của sự kiện, cộng đồng DN, các tổ chức, cá nhân đã tham gia tài trợ, ủng hộ rất tích cực. Ban tổ chức rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận mọi đóng góp, tài trợ cho chương trình.

Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I Lý Ngọc Minh: “Sẽ có bất ngờ, độc đáo vào phút cuối”

Nghề gốm sứ rất công phu, hội tụ rất nhiều yếu tố. Nên dù có được đầu tư phương tiện máy móc hiện đại, tối tân đến đâu cũng không ai dám khẳng định “Tôi sẽ làm được”. Dù đã có đăng ký sản phẩm kỷ lục và đã “hé cửa lò thăm tác phẩm” nhưng tôi vẫn không thể nói trước tác phẩm sẽ như thế nào. Chúng ta hãy chờ xem, tôi cũng cố gắng chăm chút để tác phẩm có tính độc đáo, bất ngờ vào phút cuối.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên