Gaddafi bị giết, Libya đã khác chưa?

Cập nhật: 17-02-2012 | 00:00:00

1 năm sau vụ lật đổ chính quyền Gaddafi, đến thời điểm này, người dân Libya vẫn sống trong nỗi lo sợ.

Ngày 17-2, tròn một năm người dân Libya đứng lên nổi dậy lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân Libya vẫn sống trong nỗi lo sợ về tình hình an ninh bất ổn khi lực lượng ủng hộ ông Gaddafi hiện đã tập hợp và kêu gọi lật đổ chính quyền mới.

 Một năm sau ngày chính quyền Gaddafi bị lật đổ, tình hình tại Libya vẫn chưa được cải thiện là bao  Hàng nghìn người dân Libya tụ tập trước quảng trường tại thành phố Benghazi và thủ đô Tripoli để kỷ niệm 1 năm họ biểu tình chống lại chế độ cũ. Tham gia trong đoàn người, ông Tarhoni, Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ và tài chính Libya cho biết: “Cuộc cách mạng đã chấm dứt chế độ cũ, song chúng tôi còn rất nhiều thử thách trên con đường xây dựng đất nước. Nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ vượt qua những thử thách đó”.

Tuy nhiên, nhiều người dân Libya khác không có được sự lạc quan như ông Tarhoni. Tại Libya, nhiều thành phố, thị trấn ngổn ngang vì chưa được tái thiết, cuộc sống người dân luôn bất an và nền kinh tế từng nằm trong tốp đầu châu Phi, nay mọi ngành sản xuất bị đình trệ, ngành công nghiệp dầu mỏ bị rơi vào tay nước ngoài.

Ngay sau khi chính quyền của ông Gaddafi sụp đổ, chính quyền mới cho phép Pháp - nước đã nhiệt tình ủng hộ họ trong cuộc chiến chống ông Gaddafi - được khai thác 1/3 trữ lượng dầu mỏ.

Tại thành phố Sirte, quê hương nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn chìm trong đống đổ nát hoang tàn. Chính phủ mới của Libya sẽ làm gì để thay đổi tình hình nơi đây? Câu hỏi này vẫn là ẩn số chưa có lời giải.

Rất nhiều người phàn nàn về việc chính phủ mới không quan tâm đến thành phố. Các nhu cầu thiết yếu như: nước sinh hoạt, nhà ở tại thành phố này không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Một người dân bày tỏ: “Cuộc cách mạng chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi cũng như của những người dân đang tụ tập tại đây. Cho đến thời điểm hiện nay, chính phủ lâm thời chưa làm được gì cho người dân Libya”.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, Lực lượng dân quân vũ trang ở Libya đang có những hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà không bị trừng phạt, đe dọa gây mất ổn định và cản trở nỗ lực xây dựng đất nước. Theo tổ chức này, ít nhất 12 người bị tạm giam ở những nhà tù do lực lượng dân quân quản lý đã chết sau khi bị tra tấn kể từ tháng 9-2011.

Ông Jurgensen , tác giả bản báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng: “Vấn đề là các lực lượng dân quân này trên thực tế đã không được tổ chức để chịu trách nhiệm về việc những gì họ đang làm. Chúng tôi đang kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền trước tiên phải đảm bảo rằng nhưng nơi đang giam giữ, tra tấn, lạm dụng bất hợp pháp người dân phải bị đóng cửa. Sau đó họ phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng, các lực lượng dân quân này phải bị truy tố, đặc biệt là những người đã giết người”.

Bộ trưởng Nội vụ Libya, ông Fawzy Abdilal cũng đã thừa nhận, chính phủ lâm thời đã không thành công trong việc tích hợp các lực lượng dân quân từ các thành phố khác nhau thành một lực lượng an ninh quốc gia.

Libya là một trong số các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi bị cuốn vào vòng xoáy của “phong trào nổi dậy” được báo chí phương Tây gọi là “Mùa xuân Ảrập”. Những diễn biến tại quốc gia này tưởng chừng sẽ được lèo lái theo hướng thuận buồm xuôi gió nhờ sự ủng hộ của phương Tây, nhưng mọi việc xảy ra đang ngược lại trong thời hậu Gaddafi. Điều này đang cho thấy một thực tế rằng, một mùa xuân hy vọng vẫn chưa thật sự đơm hoa, kết trái mà đang mang lại rất nhiều quả đắng.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên