Thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã triển khai mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”. Đây là một trong những nội dung được các cấp ủy Đảng, lãnh đạo quản lý, đoàn thể, hội trong toàn công ty quan tâm xuyên suốt.
Ông Lê Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong một lần gặp gỡ CNLĐ ngay tại vườn cây. Ảnh: T.D
Từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các lĩnh vực trong thực hiện việc học và làm theo Bác, Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở và các đoàn thể, hội công ty tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình. Trong đó, mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân” đã và đang phát huy hiệu quả và ngày càng lan tỏa rộng khắp trong toàn công ty. Xuất phát từ quan điểm nhất quán và sâu sắc của Ban Chấp hành Đảng bộ công ty đó là: Công nhân lao động (CNLĐ) là nguồn lực vô cùng quý giá, là lực lượng chính giúp cho công ty hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tạo ra doanh thu, lợi nhuận, hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và với địa phương. Do vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy công ty đã chỉ đạo tập trung hướng về cơ sở, gần gũi, quan tâm, chăm lo đời sống của người lao động, đồng thời thực hiện lời dạy của Bác về bài học “lấy dân làm gốc”.
Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết, việc triển khai mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân” sẽ gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Công nhân biết, công nhân bàn, công nhân làm, công nhân kiểm tra”; đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp công nhân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo quản lý trong công ty sẽ thường xuyên bám sát cơ sở, bám sát hiện trường sản xuất, gần gũi công nhân, lắng nghe và chia sẻ với CNLĐ.
Trên cơ sở đó, hàng quý, Ban lãnh đạo công ty bao gồm Thường trực Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc, Thường trực các tổ chức đoàn thể, hội, trưởng các phòng chuyên môn sẽ tổ chức gặp gỡ trực tiếp CNLĐ thông qua hội nghị người lao động (NLĐ) các cấp, gặp gỡ các đơn vị cơ sở để nghe CNLĐ trình bày các ý kiến, đề xuất từ đó nghiêm túc tiếp thu, giải trình trả lời và giải quyết ngay. Hàng tháng, Ban Tổng Giám đốc và các phòng chuyên môn sẽ đi kiểm tra thực tế vườn cây, nhà máy ở hiện trường sản xuất hai lần để lắng nghe các ý kiến đề xuất của đơn vị cơ sở và giải quyết kịp thời tại hiện trường cũng như chỉ đạo, điều chỉnh công tác quản lý thực hiện thống nhất các đơn vị cơ sở. Song song đó, các tổ chức đoàn thể tại công ty cũng sẽ thường xuyên đi cơ sở, bám cơ sở. Hàng tháng, hàng quý sẽ gặp gỡ các đoàn viên, hội viên, tham quan vườn cây, trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên. Trên cơ sở đó sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị báo cáo cho Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc giải quyết theo chương trình công tác và báo cáo kết quả giải quyết cho các đơn vị cơ sở thông báo đến CNLĐ.
Đối với cấp cơ sở, hàng quý, lãnh đạo các đơn vị cơ sở sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CNLĐ ít nhất một lần để tiếp thu, giải trình các ý kiến, thắc mắc của NLĐ. Những ý kiến không thuộc thẩm quyền của cơ sở sẽ được tổng hợp báo cáo về Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc công ty giải quyết và trả lời cho CNLĐ. Các tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng công đoàn hàng ngày có mặt tại hiện trường sản xuất, vườn cây, nhà máy điều hành sản xuất để kịp thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết cho NLĐ và ghi nhận ý kiến báo cáo cấp trên xem xét giải quyết theo quy định.
Việc triển khai mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân” sẽ tạo sự đồng thuận trong CNLĐ, từ đó tạo ra động lực thực hiện các phong trào thi đua, giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thông qua mô hình này cũng sẽ phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng hành và chia sẻ giữa CNLĐ và doanh nghiệp, làm cho NLĐ yên tâm, gắn bó, sẵn sàng cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Ngược lại, doanh nghiệp cũng sẽ có điều kiện chăm lo phúc lợi xã hội cho NLĐ, tạo nhiều chính sách phù hợp với điều kiện làm việc và sinh hoạt của CNLĐ.
TRÍ DŨNG