Nói đến ông Nguyễn Trung Hiếu (Bảy Hiếu), nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương (BTV) giai đoạn 1992-2004 thì ai cũng biết và khen ngợi tư duy lãnh đạo đột phá của ông. Trong suốt thời gian làm việc và lãnh đạo đài, ông đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng mới, nâng BTV lên tầm cao mới.
Ông Bảy Hiếu (bìa phải) về thăm lại khu nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng Tân Phước Khánh (Tân Uyên)
Kỷ niệm cột anten trên đỉnh Bà Rá
Ngồi bên tách trà tại nhà riêng của ông, tôi cũng không ngờ rằng, đã nghỉ hưu gần 10 năm nay nhưng những bước phát triển của BTV ông vẫn nhớ từng chi tiết một. Từng là phóng viên chiến trường, cán bộ điện báo, Đài trưởng vô tuyến điện T.6, Trưởng phân xã Thông tấn xã T.10 (khu nam Tây nguyên), rồi Trưởng phân xã Thông tấn xã Sông Bé trong những năm kháng chiến. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về làm lãnh đạo Đài PT-TH Sông Bé, sau đó, đến năm 1992, ông giữ cương vị giám đốc đài cho đến năm 2004 nghỉ hưu.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập, cả đài lúc đó chỉ có trên dưới 15 người, cơ sở vật chất kỹ thuật chỉ là hệ thống phát thanh sóng trung 1KW, cột anten 63m dây néo, dãy nhà làm việc là khu trại gia binh của chế độ cũ, máy ghi âm cũ kỹ, phòng thu tạm bợ, thời lượng phát sóng chỉ 2 - 3 giờ mỗi ngày. Nhưng bằng tâm huyết, bằng trí tuệ của mỗi cá nhân và tập thể những người làm báo, chúng tôi đã liên tiếp vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển ổn định và liên tục cho đến hôm nay.
Câu chuyên mà ông Bảy Hiếu nhớ nhất là việc đề xuất nâng công suất đài và lên núi Bà Rá huyện Phước Long đặt cột anten trên đỉnh cao 750m so với mặt nước biển. Ông nhớ lại: “Hồi đó, có 5 huyện phía bắc của tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) không nghe và xem được đài. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho đài cố gắng phủ sóng phục vụ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kinh phí thì hạn hẹp, nhưng để xóa đói “thông tin” vùng này thì chỉ còn cách vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau đó, với vai trò là lãnh đạo, ông đã bắt tay ngay vào công việc.
Ông nhớ lại: “Khi bắt tay vào việc xây dựng anten trên đỉnh núi Bà Rá cũng gặp nhiều cái may mắn lắm. Lúc đó, núi thì cao, đường đi, phương tiện thi công muôn vàn khó khăn. Cũng may là lúc này, công trình thủy điện Thác Mơ đang thi công. Tôi đến gặp một đồng chí trong Ban chỉ huy công trình nhờ anh em đang thi công tranh thủ những ngày nghỉ ủi giúp vài ca máy lên đỉnh. Ông này vui vẻ nhận lời. Thế là có con đường lên đỉnh”.
Ông cho biết, lúc đó, việc đào các hố móng, thì Bí thư Huyện ủy Phước Long đã giúp đỡ bằng cách vận động bà con “làm công quả” vui như ngày hội để có trạm tiếp vận PT-TH với cột anten như ý. Tưởng chừng như khó khăn đã vượt qua, tuy nhiên khi có đường dây điện đưa lên trạm, cứ mỗi khi trời mưa, sét đánh trên đường dây lưng chừng đã làm cho ông và Ban giám đốc đài vừa sợ, vừa lo lắng cho anh em trên trạm và cho cột anten. Sau đó, ông tiếp tục chỉ đạo tăng cường cho mỗi cột điện một cột chống sét, bên điện lực làm một ống tăng cường gấp nhiều lần cho an toàn hơn. Xong công trình này, cả bí thư, chủ tịch huyện Phước Long và hàng ngàn người dân khu vực này luôn nhớ đến ông Bảy Hiếu.
Đột phá truyền hình kỹ thuật số mặt đất và tháp anten cao 252m
Sau khi xây dựng xong trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá, ông Bảy Hiếu tiếp tục lãnh đạo đài, đóng góp trí tuệ vào việc khai phá băng tần UHF - một băng tần mà trước đó chưa ai làm. Ông Bảy Hiếu cho biết: Lúc đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ thị xây dựng Đài PT-TH Sông Bé với băng tần VHF nhưng do tần số này hết nên đài phải mạo hiểm khai phá băng tần UHF. Ngay khi kênh 25 UHF Sông Bé ra đời và phát sóng vào ngày 2-9-1994 thì cũng là lúc một nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã chế tạo thành công anten thu sóng có tên ANT VK 9-94 (thu được băng tần UHF từ kênh 18 đến 100, kênh liền kênh không nhiễu sóng). Thành công này đã mở ra cho ngành truyền hình trong cả nước một xa lộ mới. Sau đó, Đài PT-TH Hải Phòng đã vào ngay Bình Dương học tập tham khảo và nhảy vào UHF, tiếp theo đó là cả VTV và ngành truyền hình Việt Nam sử dụng. Theo nhận định của các chuyên gia truyền hình, Đài Sông Bé đã khắc ghi kỷ nguyên kỹ thuật số mặt đất, kể từ đây, ngành truyền hình thoát khỏi cơn ác mộng thiếu tần số phải bon chen giành giựt nhau.
Những câu chuyện kể về ông Bảy Hiếu thì nhiều vô kể. Cả cuộc đời ông là chuỗi ý tưởng và ước mơ. Với ông, mỗi ước mơ không tùy tiện, không hão huyền mà phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của ngành truyền hình, của những đòi hỏi thời kỳ đổi mới đất nước. Do vậy, sau khi tách tỉnh (năm 1997), Đài PT-TH Sông Bé tách ra thành 2 đài Bình Dương và Bình Phước, ông tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của mình cho việc đề xuất dự án “Xây dựng đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất” với tháp anten cao 252m. Khi nghe đề xuất này, không ít người băn khoăn. Ông giải thích rằng, vấn đề kỹ thuật, tôi đã nghiên cứu kỹ, mình nhất định làm được. Còn tiền thiếu thì vay và sẽ trả. Cuối cùng, bằng tài năng thuyết phục của ông, tỉnh đã cho cơ chế và chấp nhận. Ngay sau hơn 10 tháng thi công, toàn bộ công trình này đã đưa vào phát sóng đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2005).
Việc ứng dụng và đưa vào sử dụng truyền hình kỹ thuật số mặt đất và tháp anten cao 252m đã được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận là sự kiện đầu tiên và nhất Việt Nam, bạn bè đồng nghiệp truyền hình trong cả nước đánh giá cao và khen ngợi hết lời. Nhiều vị lãnh đạo của tỉnh và cả Trung ương đã đánh giá cao tài năng “lèo lái” năng động, dám nghĩ, dám làm của ông Bảy Hiếu. Tuy nhiên, để đưa vào ứng dụng rộng rãi, đích thân vị giám đốc Bảy Hiếu đã có cái nhìn táo bạo về kỹ thuật, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Đối với ông làm cách mạng là thế. Làm cách mạng là mạnh dạn có con người mới, dám đổi mới tư duy, công nghệ, phải vượt qua những rào cản và có niềm tin mãnh liệt, quyết đoán vào con đường mình đã chọn.
Dưới cơn mưa chiều rả rích cuối tháng 9-2012, lòng ông vẫn mong sao tiếp tục được cống hiến cho đời, công hiến cho cách mạng. Bởi trong những việc làm đã qua của ông cho ngành truyền hình, ông cảm thấy an ủi tuổi già một cách xứng đáng. Mong sao, các thế hệ kế thừa tiếp tục phát huy nội lực có đã, thực hiện sứ mệnh của người làm công tác báo chí, truyền hình - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Ông cũng mong rằng, các thế hệ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên của Đài PT-TH Bình Dương tiếp tục quyết tâm phấn đấu, giữ gìn và phát huy tốt thành quả đã đạt được để có những bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng sự tin yêu của khán thính giả, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
VĂN ÚT