Từ sau tết đến nay, giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng cao, khiến cho cuộc sống của người dân thêm chật vật. Để cho chất lượng bữa ăn không giảm sút, mọi người phải vén khéo chi tiêu sao cho hợp lý. Riêng ở ngành giáo dục, những trường có tổ chức bán trú, trước tình hình giá tăng như hiện nay, bữa ăn học sinh (HS) có bị thiếu chất?
Thay đổi thực đơn, tiết kiệm chi tiêu
Bữa ăn trưa của khoảng 100 HS trường tiểu học Phú Hòa 2 (TX.TDM) tuy chỉ có 2 món, nhưng trông cũng hấp dẫn lắm, món mặn là 1 đùi gà ram và canh rau nấu với thịt bằm, cộng thêm laset dưa hấu. Cô Nguyễn Thị Đang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây bữa ăn các em có thêm món xào, nhưng do các em không hảo món này nên thực đơn chỉ còn 2 món, nhưng có chất lượng hơn so với 3 món. Hơn 1 tháng nay giá cả các loại tăng lên, nhưng nhà trường thương lượng với đơn vị cung cấp suất ăn cố gắng gói ghém, thay đổi món ăn hợp lý, mà không thu thêm tiền của phụ huynh.
Bữa ăn của HS trường tiểu học Mỹ Phước (Bến Cát) bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinhỞ trường mầm non 1-6, phường Phú Cường (TX.TDM) cũng vậy, nhà trường không có chủ trương thu thêm tiền các cháu. Cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Tiền ăn của các cháu vẫn giữ mức cũ là 17.000 đồng/ngày. Nhà trường cân đối chi tiêu hàng ngày, thay đổi thực đơn, như trước đây cho các cháu ăn nhiều hải sản, nay thay thế thức ăn khác, nhưng vẫn bảo đảm các chất cho các cháu.
Không chỉ giá cả thực phẩm tăng mà giá các loại hàng tiêu dùng khác cũng tăng, để giảm gánh nặng cho phụ huynh, các trường còn áp dụng những hình thức tiết kiệm khác. Cụ thể như, để không tăng thêm tiền chất đốt, trước đây các trường nấu cơm bằng gas, nay thay bằng điện. Hay như thay thế sữa hộp bằng sữa đậu nành do nhà trường tự nấu.
Ở các trường công lập là vậy, còn các trường tư thục có trường đã thu thêm tiền ăn cho các cháu. Một chủ trường mầm non ở khu vực Vinh Sơn, phường Phú Hòa, TX.TDM cho biết, sau khi thương lượng với phụ huynh, để bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu, tiền ăn của các cháu từ 15.000 đồng/ngày, nay tăng lên 17.000 đồng/ngày.
Tiền tăng nhưng chất lượng giảm
Để phụ huynh bớt khó khăn, cũng như để “cầm chân” các cháu, có một số trường tư thục vẫn duy trì mức thu như trước. Nhưng theo phản ảnh của chị Thanh Phương, có con đang học ở một trường mầm non tư thục “tiền ăn không tăng nhưng bữa ăn của cháu có giảm, trước đây mỗi ngày cháu có uống sữa, ăn yaourt, nay thì ngày có ngày không. Nếu trường thu thêm tiền chúng tôi cũng sẵn lòng, vì cháu còn nhỏ, cần được uống nhiều sữa”.
Ở những trường có thu thêm tiền ăn các cháu, liệu chất lượng có tăng? Chúng tôi thử đi khảo sát thì nhận thấy, tiền tăng, nhưng dinh dưỡng của các cháu chưa thật sự bảo đảm. Ghé một trường mầm non tư thục ở phường Phú Hòa, TX.TDM vào giờ ăn trưa, nhìn bữa ăn trưa của các cháu thật đơn điệu, món mặn là một loại đồ nguội, còn món canh thì lác đác một ít rau xắt nhuyễn. Đột xuất ghé một trường tư thục khác trên địa bàn thị xã vào bữa ăn xế, nhìn món bánh canh không cần cân đo cũng đủ biết thiếu chất, vì nước lỏng bỏng, nếu chịu khó “lặn” tìm cũng được chút ít thịt bằm nhuyễn.
Không phải là nhà chuyên môn, nên ở đây chúng tôi không bàn đến chuyện bữa ăn của các cháu ở một số trường tư thục có đủ dinh dưỡng hay không. Nếu muốn biết con em ăn uống như thế nào, xin phụ huynh thử đến tìm hiểu thì sẽ rõ. Ở đây là vấn đề lương tâm của chủ trường. Cơ sở nào không đặt nặng vấn đề lợi nhuận thì bữa ăn các cháu được phong phú, còn ngược lại thì các cháu chỉ ăn loanh quanh những món rẻ tiền, không cần chế biến nhiều như trứng, xúc xích...
Việc quản lý hoạt động các cơ sở mầm non ngoài công lập là vấn đề nan giải từ trước đến nay. Nhưng thiết nghĩ, ngành giáo dục, các địa phương nên tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, nhắc nhở, để hoạt động những cơ sở trên đi vào nề nếp, đồng thời bảo đảm cho các cháu phát triển trí tuệ, thể lực toàn diện.
H.THÁI