Gia đình hiếu học Đặng Cường Sơn: Cả 5 con đều là học sinh giỏi

Cập nhật: 13-10-2010 | 00:00:00

“Cả cuộc đời lo cho con, vợ chồng tôi chỉ mong con cái chăm chỉ học hành, cũng thật hạnh phúc, các con đều chăm chỉ, chuyên cần nên đứa nào cũng học giỏi. Đứa trước vào đại học (ĐH), những đứa sau cũng lần lượt nối gót anh chị. Hiện tại 1 đứa đang học thạc sĩ, 2 đứa tốt nghiệp ĐH đã có việc làm ổn định, 1 mới vào ĐH, đứa út đang học lớp 11, hứa hẹn cũng không thua kém các anh chị nó. Nhà nghèo, vợ chồng tôi cố công cho con cái học thành tài, đó như là cách chia tài sản cho con vậy đó”. Anh Đặng Cường Sơn ở thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) đã tự hào kể cho tôi nghe về các con như thế.

Đúng như lời anh Sơn nói, trong nhà ông, ngoài chiếc tivi và một số vật dụng gia đình khác, không có gì quý giá cả. Trong ngôi nhà này, thứ nhiều nhất là những bằng khen, giấy khen, minh chứng cho thành tích học tập của 5 đứa con của anh chị.

Cả đời vì con

Những năm đầu giải phóng, anh Sơn là giáo viên tiểu học. Đến khi có vợ con, do cuộc sống khó khăn anh đành giã từ bụi phấn trở về làm anh nông dân. Anh nói, tôi chấp nhận hy sinh đời mình để lo cho các con. 5 đứa con anh lần lượt ra đời cũng đồng nghĩa với gia đình anh càng nghèo khó. Cha mẹ anh chia cho mỗi người một ít đất ruộng, thấy anh con đông, những anh em khác cho anh mượn ruộng làm lúa, hoa màu nuôi con. Ngày ngày, hai vợ chồng anh quần quật ngoài đồng, bất kể nắng mưa. Anh Sơn, người trụ cột trong nhà vất vả chống chọi, lo cho cái ăn cho gia đình đã đành, chị Nguyễn Thị Lan vợ anh cũng cực nhọc không kém. Vừa quán xuyến việc nhà, dạy dỗ con cái, phụ giúp anh việc ngoài đồng, chị còn tranh thủ mua bán gà, kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học. Cật lực lo cho gia đình, trông chị ngày càng mảnh mai, nhưng chị cảm thấy mãn nguyện khi con cái ngày càng trưởng thành.

 

Anh chị Sơn – Lan “khoe” với chúng tôi những hình ảnh minh chứng cho thành tích học tập của các con

Còn anh Sơn, ban ngày vất vả ngoài đồng đã mệt bở hơi tai, vậy mà tối đến anh còn đồng hành với con trong việc học. Vốn là giáo viên, nên đây là việc không khó đối với anh. Anh kể “khi các con học ở cấp I, cứ mỗi tối tôi dành thời gian cho mỗi đứa một tiếng để kèm cặp chúng học. Có đà, tụi nó tiếp tục học giỏi ở những cấp kế tiếp”.

Trong gia đình, nuôi 1 - 2 con ăn học đã vất vả, một gia đình nghèo như anh chị cùng một lúc có 5 đứa đi học khó khăn càng chồng chất. Không giấy bút nào kể hết những khó khăn mà anh chị đã trải qua. Ở cái thị trấn Uyên Hưng này vốn không ai xa lạ với gia đình anh Sơn. Nhà anh nổi tiếng vì các con học giỏi, nhưng cũng có tiếng là con nợ của nhiều người. Anh nói vui: “Hễ ai có dây mơ rễ má là tôi tìm cách thân quen để... mượn nợ. Tôi nhớ có lần kẹt quá, tôi đến nhà một người bà con xa mượn tiền, nhưng cứ đi rồi về đến 3 lần như vậy mà không dám vô. Riết rồi, thấy mặt tui là mọi người biết đi mượn tiền, nhưng ai cũng vui vẻ cho mượn không tính lãi”. Biết gia đình khó khăn, nhưng không muốn con bị phân tâm, anh Sơn luôn nhắc vợ không được than thở cho các con nghe. Và dù có đi vay mượn nhưng việc ăn uống, học hành của các con chị phải lo chu tất.

Thời điểm khó khăn nhất của gia đình là giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008. Khi đó đứa lớn đi học thạc sĩ, 2 đứa nữa đang học đại học. Nghèo thì nghèo vậy, nhưng anh chị hy sinh tất cả gì con. Vay mượn năm này qua năm khác, tính ra anh chị nợ bà con trên 100 triệu đồng. Nhà nông, đất đai là tài sản quý giá, nhưng vì tương lai các con, anh chị bấm bụng bán đi 1.300m2 đất cha mẹ chị Lan chia cho để trang trải nợ nần và lo cho các con học xong ĐH, khi cảm thấy không thể tiếp tục vay mượn mãi. Câu nói: “Công lao cha mẹ như trời bể” quả thật đúng trong hoàn cảnh của vợ chồng anh chị Sơn - Lan.

Cây đã đơm hoa, kết trái

Ở vùng nông thôn như Tân Uyên, lại thêm gia đình nghèo, các con anh không có điều kiện học thêm, chủ yếu là tự học, đứa lớn kèm cặp, dẫn dắt đứa nhỏ, vậy mà cả 5 em đều học giỏi, đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi học sinh (HS) giỏi tỉnh, thi đậu vào nhiều trường ĐH, nhiều năm được thị trấn Uyên Hưng hoặc huyện Tân Uyên biểu dương “Con cháu hiếu thảo”.

Đặng Nguyễn Mỹ Uyên 12 năm liền là HS giỏi. Em đã đoạt giải khuyến khích môn tiếng Anh cấp quốc gia năm lớp 12. Hiện là giáo viên của trường THPT chuyên Hùng Vương và được tỉnh cử đi học cao học tiếng Anh trường Đại học Camberre của Úc.

Em kế Đặng Nguyễn Thùy Trang cũng 12 năm liền là HS giỏi; năm lớp 9 đoạt giải  khuyến khích cấp tỉnh HS giỏi môn tiếng Anh, năm lớp 12 đoạt giải ba HS giỏi tỉnh môn hóa. Năm 2003 em thi đậu cùng lúc 3 trường ĐH: Bách khoa, Khoa học tự nhiên và Nông lâm. Năm 2008 em tốt nghiệp ĐH Bách khoa với bằng “Kỹ sư tài năng”. Hiện Trang đang làm việc tại Công ty Toyo Việt Nam ở TP.HCM.

Không thua kém các chị, em trai Đặng Nguyễn Minh Tân cũng từng đoạt giải ba giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh. Năm 2003 em thi đậu 3 trường ĐH - CĐ: Bách khoa, Nông lâm và Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Tân cũng đang công tác tại Công ty Toyo Việt Nam.

Đặng Nguyễn Thanh Loan vừa tốt nghiệp THPT loại giỏi năm học 2009-2010, là thủ khoa tỉnh trúng tuyển ĐH Ngoại thương, trước đó em cũng đoạt giải 3 cấp HS giỏi môn hóa ở lớp 9 và đoạt giải khuyến khích giải toán trên máy tính môn lý cấp tỉnh, ngoài ra em còn đoạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi cấp tỉnh khác.

Cô bé út Đặng Nguyễn Quỳnh Như hiện đang học lớp 12 chuyên hóa của trường THPT chuyên Hùng Vương. Năm lớp 9 em cũng đã đoạt giải 3 môn hóa cấp tỉnh.Kể về các con, gương mặt anh Sơn sáng hẳn lên, anh nói đầy vẻ tự hào: Sinh con ra chỉ mong sao tụi nó chăm ngoan, siêng năng học tập, nhưng tôi đâu ngờ con tôi học giỏi đều như nhau. Rồi anh chị lôi ra nào là giấy khen, bằng khen, hình ảnh các con được khen thưởng để  khoe với chúng tôi. Nói đến thành tích của tụi nhỏ anh cũng thuộc lòng từng đứa.

Anh Sơn tâm sự: “Mình nghèo, không tài sản để lại cho con, đã vậy còn lỡ sinh nhiều con, thôi thì ráng nuôi con ăn học, cho nó kiến thức vẫn hơn gấp nhiều lần đất đai, nhà cửa”. Thấy con học vất vả, không có khả năng bồi bổ cho con nhiều, anh chị chỉ biết động viên, khen thưởng con kịp thời khi đứa nào đạt thành tích tốt.

Nhắc đến đây, có một chi tiết vui về cách khen thưởng của anh Sơn mà tôi không thể quên. Năm học 1999-2000, Mỹ Uyên đoạt giải HS giỏi quốc gia, muốn khen thưởng để động viên tinh thần con mà trong nhà tiền bạc không còn, thế là anh tuyên bố: Ba thưởng nóng cho con 20 giạ lúa. Đứa nào học giỏi như chị cũng sẽ được khen thưởng như vậy. Đến mấy đứa sau, khi thi đậu nhiều trường ĐH, tụi nhỏ đòi anh quy ra tiền mặt, vì lúa khó đem bán quá!

Nhắc đến đấng sinh thành, dân ĐH Bách khoa vốn cứng rắn, nhưng Thùy Trang vẫn không ngăn được dòng nước mắt lăn dài trên má vì xúc động. Em nói: “Tụi em thật hạnh phúc và may mắn khi sinh ra trong gia đình có ba mẹ rất mực yêu thương con cái. Dù nghèo nhưng gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng lúc nào cũng đầy đủ các thành viên trong gia đình. Trong bữa ăn ba thường lấy gương tốt của cha ông kể cho các con nghe như là một cách giáo dục. Chính sự thương yêu, chăm lo con cái của ba mẹ, ngay từ nhỏ các em đã có suy nghĩ phải học giỏi. Mẹ em do sinh nở nhiều lại còn vất vả vì con nên sức khỏe không còn được như trước; còn ba thì cũng vắt kiệt sức để lo cho cả gia đình. Giờ đây em chỉ mong kiếm được nhiều tiền để phụ ba mẹ nuôi 2 đứa em, một đang học ĐH, một học lớp 11. Đây cũng là cách để tụi em báo hiếu công lao trời bể của cha mẹ đã lo cho tụi em được như ngày hôm nay.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên