
Là người rất chịu khó đọc, theo dõi thời sự trên báo chí nên ông nói chuyện với những “nhân chứng” cụ thể và còn “nóng hổi” trên mặt báo. Thế nên bài nói chuyện của ông Trọng Nghiêm dù là đang tuyên truyền về pháp luật, về bạo lực gia đình (BLGĐ) thì vẫn rất có duyên và dí dỏm. Thỉnh thoảng trong buổi nói chuyện ông “minh họa” bằng vài câu thơ, vài lời hát thế là người nghe cứ vỗ tay rầm rầm.
Ông kể về những vụ cha mẹ bạo hành con, vợ chồng bạo hành nhau (không phải chỉ vợ mới bị ngược đãi nhé, các ông chồng cũng có khi bị đánh cho te tua nhưng thực tế đúng là... ít hơn nữ giới bị BLGĐ!). Nhưng, ông kể để kết luận đó là những chuyện tuyệt đối không nên làm, là vi phạm pháp luật. Rằng đừng ai nỡ “xuống tay” với người thân của mình. Đối với vợ (chồng), những “người tình trăm năm” lại càng không được đánh nhau.
Yêu thương, tôn trọng nhau không biết để đâu cho hết chứ đánh nhau làm gì là cách ông “hóa giải” cho tất cả mọi người. Bí quyết của ông đưa ra là nhường nhịn, lắng nghe và khi giận thì... ráng im lặng! Ông còn dẫn chứng nhiều ông chồng có bí quyết “thoát ách cằn nhằn” của vợ rất hay là... hát kiểu “thay lời muốn nói”. Có ông đi nhậu về (tết thì càng nhậu dữ!), vợ chuẩn bị “ca” thì ông hát trước: “Thành phố buồn, nhớ không em, ngày chủ nhật ngày của riêng mình...”. Bà vợ hạ hỏa ngay tức khắc và nhớ lại những “ngày của chúng mình” hồi xưa mà đại xá! Có ông thì theo kiểu “chiến tranh tâm lý”. Khi vợ giận, chuẩn bị ném đồ đạc (bà nào cũng nhứ nhá một lúc mới ném, phụ nữ mà, dọa thôi!) là ông chồng nói giọng nhẹ như gió: “Đừng ném, tiền không đó em, sắm lại mệt, tốn tiền!”. Bà vợ nào cũng xót tiền và được chồng nói ngọt tất nhiên sẽ nhẹ nhàng bỏ đồ xuống ngay. Ngược lại, những bà vợ cũng nên hiểu, thông cảm cho chồng. Khi thấy chồng lỡ chân nam đá chân chiêu dắt xe vào sân, khoan hãy nóng giận mà chịu khó nghe chồng nói lý do về muộn, lý do lỡ uống chút đỉnh. Những lời nóng như lửa đốt nên được... thay bằng ly nước thật mát!
Ông cũng cho biết cách để hạn chế tình trạng BLGĐ và tiến dần đến xóa bỏ nó, xây dựng tổ ấm GĐ hạnh phúc. Theo ông, trong pháp luật về phòng chống BLGĐ có nguyên tắc: “Mọi hành vi BLGĐ phải được phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời”. Từ nguyên tắc này cho thấy phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, để hạn chế tình trạng BLGĐ cần được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở là hết sức quan trọng. Mặt khác phải thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ đến mọi người, mọi nhà, đồng thời phải nhân rộng mô hình tại các địa phương chưa thực hiện.
Và trên hết vẫn là người trong cuộc. Mọi người cần yêu thương, quý trọng nhau thật lòng thì không bao giờ có chuyện không hay xảy ra. GĐ nào cũng mãi mãi yên bình, mãi mãi mùa xuân...
Quỳnh Như