Giá đường cát tăng “kịch trần”: Do đại lý thao túng

Cập nhật: 16-01-2010 | 00:00:00

Giá đường đang tăng “kịch trần”, có ý kiến cho rằng các nhà máy đường “làm giá”. Song người “trong cuộc” lại cho rằng: giá đường tăng do các đại lý thao túng! Giá mía nguyên liệu nhích lên từng ngày có lợi cho nông dân, còn giá đường cũng “phi nước đại”, lúc này người ta mới “giật mình”: ai kiểm soát giá đường bán từ các đại lý!?

 

Giá mía nguyên liệu tăng cao là một trong những nguyên nhân đẩy giá đường tăng mạnh

Dân thiệt, nhà máy mệt

 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, 2 tuần gần đây giá đường trong nước tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg. Cụ thể, đường RS từ 14.000 đồng/kg tăng lên 15.500 đồng/kg; đường RE từ 16.000 đồng/kg tăng lên 16.500 đồng/kg… Đây là mức giá mà các nhà máy bán sỉ ra bên ngoài. Các đại lý bán lẻ đẩy giá đường lên mức 19.000 - 22.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay.

 

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: đường trong nước lên cơn “sốt” là do giá đường trên thế giới tăng cao, đường cát nhập lậu từ biên giới Tây Nam không vào, trong khi nhu cầu cần đường để sản xuất bánh kẹo và tiêu dùng trong dịp Tết Canh Dần rất lớn… cầu nhiều - cung ít, giá tăng là khó tránh khỏi.

 

Ông Nguyễn Văn Thu, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), bức xúc: “Giá tăng là chuyện đã đành nhưng tăng quá cao ngay thời điểm cả nước vào vụ sản xuất mía đường thì không thể chấp nhận được? Điều này cho thấy người tiêu dùng chịu thiệt”.

 

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Mía đường Bến Tre Nguyễn Thanh Sơn: Những ngày qua nhà máy cũng “mệt mỏi” với chuyện giá đường, bởi khi giá vừa tăng, nông dân trồng mía lập tức nâng giá nguyên liệu, gây khó khăn cho nhà máy. Hiện giá mía 10 chữ đường ở ĐBSCL đã vọt lên 920 - 950 đồng/kg, có nơi đến 1.050 đồng/kg, thậm chí 1.200 đồng/kg… Tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, thương lái tranh giành nhau mua mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy.

 

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, chua chát: “Chúng tôi vừa đầu tư 27 tỷ đồng để bao tiêu 2.500 ha mía nguyên liệu, tuy nhiên thương lái các nơi kéo về “phổng tay trên” đẩy nhà máy vào cảnh chết đứng giữa vùng nguyên liệu”.

 

Theo ông Hòa, với tình trạng tranh giành mía hiện nay, nhiều khả năng kế hoạch sản xuất 280.000 tấn đường trong vụ này của công ty sẽ phá sản. Tại Bến Tre, công ty mía đường tỉnh này cho biết, cố lắm chỉ hoàn thành khoảng 90% kế hoạch. Dự báo, vụ mía năm nay sẽ kết thúc vào tháng 3-2010, sớm hơn 1 tháng so năm trước, do không đủ mía.

 

Phải có cơ chế dự trữ

 

Trong vòng 1 tuần qua, giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã tăng thêm 200 đồng/kg, đạt mức 1.000 đồng/kg. Tại một số vùng mía ở Sóc Trăng giá lên đến 1.050 đồng/kg, tính thêm phí vận chuyển từ 50 – 80 đồng/kg (tùy nhà máy nằm xa hay gần vùng nguyên liệu), giá mía nguyên liệu đã vượt qua ngưỡng 1.100 đồng/kg. Do nguồn mía nguyên liệu hiện nay khan hiếm, các nhà máy lại đua nhau mua, tình trạng nhà máy đường chạy 2 - 3 ngày nghỉ 1 ngày diễn ra phổ biến. Cách tính phổ biến của nhà máy đường hiện nay giá thành một ký đường khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg. Các nhà máy đường bán buôn khoảng 16.000 đồng/kg, qua các khâu trung gian (đại lý cấp 2 và cấp 3), giá đường bán ở các chợ vượt mức 20.000 đồng/kg.

 

Có thông tin cho rằng: “các nhà máy đường làm giá”!? Đón nhận thông tin này, lãnh đạo một số nhà máy đường đều có cách lý giải riêng. Tuy nhiên, có một thực tế hiện tại họ phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 1,1% – 1,2%/tháng, khó dám “ghim hàng”. Sắp tới, Thái Lan sẽ bước vào vụ đường rộ, các nhà máy đường Việt Nam sẽ không dám “phiêu lưu” trữ hàng để kích giá!

 

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, phân tích: “Giá mía nguyên liệu hiện nay là hợp lý với công suất nông dân bỏ ra và đang hấp dẫn họ quay lại với cây mía”. Vậy có nên nhập đường để điều tiết giá đường trong nước hiện nay?

 

Có ý kiến cho rằng: Một số mặt hàng nông sản đang tăng giá, giá đường tăng cũng theo cơ chế thị trường, chuyện kêu ca về giá đường chỉ là một vài “đại gia” có nhu cầu tiêu thụ lớn đường lên tiếng!? Giá đường thế giới hiện dao động khoảng 700 USD/tấn, nếu nhập về liệu có thấp hơn giá đường trong nước? Nếu Chính phủ hỗ trợ hoặc “bù lỗ” để nhập đường, chuyện gì xảy ra? Ông Nguyễn Thành Long phân tích thêm: Nếu giá đường trong nước thấp, thì chuyện nhập về, đường có thể tuồn qua Campuchia (hoặc Thái Lan) như chuyện xăng dầu trước đây!?

 

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: Đường là mặt hàng thiết yếu cần được quản lý về giá. Theo đó, Nhà nước nên có cơ chế cho dự trữ đường để điều tiết trên thị trường, giống như lúa gạo hay muối. Với mức tiêu thụ cả nước khoảng 1,2 triệu tấn đường/năm, chúng ta chỉ cần dự trữ 200.000 tấn. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ sẽ được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ngân hàng trong những tháng cao điểm. Đối với các công ty cần đường làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo, nước ngọt, sữa… nên ký hợp đồng từ đầu năm với nhà máy theo giá bán buôn tại thời điểm nhận hàng. Cách làm này sẽ giúp các nhà máy cân đối cung cầu hợp lý hơn.

 

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên