Giá hàng hóa rục rịch... tăng!

Cập nhật: 21-09-2010 | 00:00:00

Ghi nhận sau khi việc điều chỉnh tỷ giá chuyển đổi USD/VND tăng, đã ảnh hưởng đến đa số các doanh nghiệp (DN), nhiều khả năng sẽ tác động trực tiếp đến giá hàng hóa. Đại diện một hệ thống siêu thị (yêu cầu không nêu tên) lo lắng: Đầu tháng 8-2010, khá nhiều nhà cung cấp mỹ phẩm, thực phẩm, may mặc đã đề nghị tăng giá bán 3 - 12% vì nhiều lý do. Nay với việc tăng tỷ giá sẽ khiến việc tăng giá các nhóm hàng này xảy ra nhanh hơn. Đầu tháng 9, siêu thị buộc phải điều chỉnh giá bán, theo hướng dung hòa lợi ích nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.

DN “Dở khóc, dở cười”

Ông Trần Quốc Mạnh, đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ, cho biết, xuất khẩu của ngành gỗ năm 2010 nhiều khả năng sẽ đạt 3 tỷ USD. Tuy nhiên, với tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu trong sản phẩm tới 80%, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đơn giá xuất khẩu cũng như khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam. Mặt khác, nhiều DN đã ký hợp đồng từ nay đến cuối năm, thậm chí đến hết quý I-2011 với các đối tác, nay tỷ giá tăng, họ khó thể bù vào khoản chênh lệch và càng không thể đàm phán lại các đơn hàng. Nếu vẫn sản xuất theo đơn giá cũ, lợi nhuận càng giảm. Một vấn đề khác được đặt ra là từ đầu năm, lãi suất của VND đã đứng ở mức rất cao. Nhiều DN, đặc biệt là các DN làm hàng xuất khẩu, quay sang vay đồng USD. Bây giờ đến cuối năm là thời điểm trả nợ, tỷ giá tăng khiến không ít DN “dở khóc, dở cười”.

  Từ đầu năm, lãi suất của VND đã đứng ở mức rất cao. Các DN làm hàng xuất khẩu, quay sang vay đồng USD. Bây giờ đến cuối năm là thời điểm trả nợ, tỷ giá tăng khiến không ít DN “dở khóc, dở cười”

Theo tính toán của một DN chuyên sản xuất hàng nội địa, công ty đang đầu tư dây chuyền 100 tỷ đồng nhưng nay tỷ giá tăng, DN của ông phải chịu thêm khoản trượt giá cao hơn mức 2,1%. Đó là chưa kể việc nhập khẩu một số loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng còn khá cao, chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng sức mua chậm, cạnh tranh giữa các DN trong ngành rất quyết liệt để giành thị phần nên DN chưa tính đến việc tăng giá bán vào thời điểm này. Dù vậy, việc gồng mình chịu đựng sẽ khiến khả năng tích lũy, tái đầu tư gần như bằng không.

Thực tiễn cho thấy, thông thường chỉ khi nào giá USD giảm, DN mới có thể mua được ngoại tệ từ ngân hàng, còn khi tăng, ngân hàng luôn tìm mọi cách để tính thêm một khoản nào đó. Điều này cho thấy, cách kéo tỷ giá của Nhà nước đưa ra và giá trị thực ngoài thị trường đang có một khoảng cách nhất định.

Giảm nhập khẩu?

Trước khi tỷ giá USD được điều chỉnh, các DN sản xuất thép đã tăng giá “lai rai” từ đầu tháng 7, với mức tăng bình quân 300.000 - 400.000 đồng/tấn so với cuối tháng 6-2010. Do đó, ngay khi tỷ giá đồng USD được điều chỉnh tăng, hàng loạt DN thép đã công bố mức giá mới. Trong đó, Tổng Công ty Thép VN (VNSteel) chi nhánh phía Nam đã tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây, đưa giá thép giao tại nhà máy trung bình 14,65 - 14,87 triệu đồng/tấn; thương hiệu Pomina cũng tăng 330.000 đồng/tấn, đưa giá hai loại thép cuộn và thép cây ở mức xấp xỉ 14,6 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do sức mua đang ở mức thấp nên các đại lý lẫn cửa hàng bán lẻ sẵn sàng “ngắt lời” để đẩy hàng đi, đưa giá bán lẻ dao động mức 14,35 - 14,65 triệu đồng/tấn.

Tính toán lý thuyết, với việc tăng mạnh tỷ giá từ 19.100 USD/VND lên 19.500 USD/VND, với tổng kim ngạch xuất khẩu 38,266 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, thay vì thu về 730,88 ngàn tỷ đồng, chỉ sau một đêm, nay đã tăng lên 746,187 ngàn tỷ đồng, tức hưởng lợi thêm 15,306 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, với 45,709 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, thay vì chi 873,042 ngàn tỷ đồng, các DN nhập khẩu phải chi 891,326 ngàn tỷ đồng, tức phải móc hầu bao thêm 18,284 ngàn tỷ đồng.Tuy nhiên, “rổ hàng hóa xuất khẩu” hiện tại đang có không ít mặt hàng đã đạt đến giới hạn không thể, hoặc chí ít là khó có thể vượt qua, điển hình nhất là nhóm hàng dầu mỏ và khoáng sản hiện vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong “rổ” này. Còn ở đầu vào nhập khẩu, do tuyệt đại bộ phận hàng hóa vẫn là nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, tức là những mặt hàng phục vụ sản xuất, trong đó có không ít những mặt hàng dù đắt đỏ đến đâu cũng vẫn phải xài, cho nên không thể giảm nhập khẩu nhiều được.

THẢO VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên