Giá mủ cao su “tuột dốc”, nông dân lo lắng!

Cập nhật: 29-06-2013 | 00:00:00

Giá mua mủ cao su (CS) hiện nay chỉ còn ở mức dưới 400 đồng/1 độ, nhiều người trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) đang lo lắng giá mua mủ sẽ tuột dốc không phanh!

Nông dân ở thế kẹt

Tại một số huyện như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, nhiều xã có đến trên 90% dân số sống dựa vào cây CS. Vì vậy, việc giá mủ đang liên tục xuống thấp như hiện nay làm cho nhiều nông dân không khỏi lo lắng. Đầu mùa cạo 2013, giá mua mủ CS dao động ở mức trên dưới 600 đồng/1 độ. Với giá này, người trồng CS nếu cân đối được đầu tư và khai thác hợp lý thì vẫn có lời. Tuy nhiên, với giá bán chỉ còn dưới 400 đồng, nhiều chủ vườn CSTĐ đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột.

Các công ty cao su quốc doanh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người trồng CSTĐ bằng việc thu mua mủ. Trong ảnh: Người trồng CSTĐ bán mủ cho Công ty Cổ phần CS Phước Hòa

Đi đến nhiều vùng trồng CS, không khí vui tươi tại các điểm thu mua mủ giảm hẳn so với đầu mùa cạo. Nhiều người nhẩm tính, với giá mua như đầu mùa cạo, trung bình một ha CS cạo D2 (2 ngày cạo một lần) nếu được chăm sóc tốt sẽ cho khoảng 50kg mủ nước. Một tháng có thể cạo được 15 dao, như vậy có thể cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với giá mua mủ hiện nay, 1 ha CS cho thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí đầu tư, tiền thuê nhân công cạo. Như vậy nếu trừ hết chi phí đầu tư phân bón, tiền thuê nhân công cạo khoảng 3 triệu đồng/1 ha thì chủ vườn CSTĐ có diện tích từ 1 - 2 ha sẽ không có lời là bao. Với những chủ vườn lớn họ sẽ lấy số lượng diện tích nhiều để bù đắp, các công ty CS quốc doanh thì xây dựng được các phương án khai thác, kinh doanh, còn với những người trồng CSTĐ, giai đoạn hiện nay họ đang thực sự khó khăn.

Ông Đinh Văn Sáu, chủ vườn CS tại ấp IA, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện nay tôi đang có 3 ha CS cho khai thác đã 3 năm nay. 2 năm trước, giá CS còn tương đối, gia đình còn có thu nhập khá. Bây giờ giá mủ xuống thấp, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì vẫn giữ ở mức cao, người nông dân chúng tôi đang ở thế kẹt, rất khó xoay sở vì đầu mùa cạo phải vay mượn để đổ phân cho vườn cây. Sau khi trừ hết tiền đầu tư phân bón từ đầu vụ, gia đình tôi cũng chẳng còn thu nhập là bao nhiêu. Cái gì cũng tăng lên, chỉ có giá mua mủ là đang đi xuống khiến cho nhiều người trồng CS như chúng tôi đứng ngồi không yên”. Cùng tâm trạng với ông Đinh Văn Sáu, ông Nguyễn Thanh Quang, ngụ tại ấp Bàu Cát, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện nay thu nhập từ vườn cây của nhiều người trồng CS không đủ tái sản xuất vì còn phải trả tiền thuê nhân công cạo, tiền phân bón. Mùa vụ này CS lại ít mủ hơn năm ngoái, 1 tháng chỉ có 15 ngày cạo mà vừa rồi gia đình tôi đã phải nghỉ 8 ngày cạo do mưa bão, vì vậy làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Người trồng CS mong muốn Nhà nước có tác động để điều chỉnh giá vật tư hợp lý hơn cũng như cân bằng được giá bán mủ CS để người dân có thu nhập ổn định”. Anh Trịnh Công Kha, chủ điểm thu mua nhỏ lẻ lâu năm cùng ngụ tại xã Phước Hòa cho biết, tuy là điểm thu mua nhỏ lẻ, không trực tiếp trồng CS nhưng anh cũng không khỏi lo lắng: “Trên 90% hộ dân trong ấp của tôi sống nhờ cây CS. Nếu giá CS xuống thấp hơn nữa, người dân chặt bỏ CS như trước đây để trồng cây khác thì tôi cũng phải bỏ nghề để tìm nghề khác sinh sống”, anh cho biết.

Còn nhiều hướng mở

Giá mua mủ CS xuống thấp như hiện nay xuất phát từ những khó khăn chung của kinh tế cả nước. Trong đó việc xuất khẩu qua thị trường lớn là Trung Quốc đang bị hạn chế. Hiện nay CS Việt Nam xuất khẩu sang khoảng 40 nước với khoảng 800.000 tấn mủ/năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 55 - 60%. Nhiều chuyên gia nhận định, cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, việc xuất khẩu CS của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn và khi đó giá mua mủ CS cũng sẽ tăng lên. Hiện nay giá bán CS Việt Nam là khoảng 2.500 USD/ tấn. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp CS Việt Nam cho rằng, theo dự báo của các tổ chức CS quốc tế, năm 2013 sẽ còn có tình trạng khó khăn về kinh tế khủng hoảng đã dẫn đến việc xuất khẩu CS Việt Nam không được như mong muốn. Tuy nhiên theo dự báo, giai đoạn tháng 9, 10, 11 của năm 2013, khi nền kinh tế nước ta bắt đầu ổn định và chính sách của các nước có diện tích CS lớn có thể cộng hưởng với nhau thì giá CS có thể nâng lên mức 3.000 USD/tấn. Vì vậy với giá bán 2.500 USD/tấn như hiện nay, người trồng CS vẫn có thể yên tâm để phát triển sản xuất.

Tổng diện tích CS trên toàn tỉnh hiện nay là trên 140.000 ha, trong đó, CS quốc doanh là trên 54.000 ha, CSTĐ trên 88.000 ha. Diện tích khai thác của CSTĐ là trên 68.000 ha; diện tích kiến thiết cơ bản trên 20.000 ha, trồng mới 34 ha. Các giống phổ biến PB235, RRIV4, PB260, PB255, VM515.

Về việc thu mua CSTĐ, ông Trần Ngọc Thuận cho biết, quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp CS Việt Nam xác định, là doanh nghiệp Nhà nước vì vậy ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ sản xuất, tập đoàn còn có vai trò định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ phát triển CSTĐ. Một trong những yếu tố hỗ trợ là thu mua sản lượng mủ của bà con, miễn là thu mua không lỗ cũng không cần lời. Ông Thuận khẳng định: “Với chủ trương đó, năm nay chúng tôi sẽ đồng hành với bà con tốt hơn, thực tế từ đầu năm đến nay lượng thu mua CSTĐ của chúng tôi đã vượt kế hoạch đề ra. Chúng tôi tin tưởng với dự báo tình hình chung của kinh tế thế giới và cộng với chiến lược dài hơi trong phát triển công nghiệp CS nội địa, trong tương lai, việc phát triển cây CS tại Việt Nam vẫn tốt và chúng ta vẫn có thương hiệu trên thị trường quốc tế”.

Những ý kiến nêu trên của người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp CS Việt Nam cho thấy, việc phát triển CS Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn còn nhiều hướng mở thuận lợi. Với những người trồng CSTĐ, trong giai đoạn hiện nay cần hết sức bình tĩnh, cần chọn cách cân đối hợp lý giữa đầu tư và khai thác để vừa bảo đảm chất lượng vườn cây vừa bảo đảm nguồn thu nhập.

Diện tích cao su nhiễm bệnh đã giảm hơn 14.336 ha

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay diện tích nhiễm các loại sâu bệnh trên cao su là 29.039,5 ha, chủ yếu bệnh phấn trắng, vàng, rụng lá do nấm Corynespora, bệnh nứt thân xì mủ do nấm Botryodiplodia, sùng hại rễ... Diện tích cao su nhiễm bệnh đã giảm hơn 14.336 ha so với cùng kỳ năm 2012. Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm chi cục đã kịp thời chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường phòng chống các loại sâu bệnh trên cây cao su, vì vậy các loại bệnh chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất vườn cây.

ĐÀ BÌNH

 

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên