Giá xăng dầu “khuấy động” đà tăng giá?

Cập nhật: 11-07-2014 | 00:00:00

 Trong vòng chưa đầy 20 ngày, giá xăng dầu trong nước đã có hai lần điều chỉnh, tăng lên 25.640 đồng/lít (xăng RON 92). Người dân lo ngại giá xăng tăng sẽ “khuấy động” giá cả trên thị trường đang khá ổn định trong mấy tháng qua...

Giá cả tăng theo giá xăng

Sau khi giá xăng tăng, dù chưa có sự tăng giá trên diện rộng, ào ạt ở tất cả các mặt hàng nhưng mấy ngày qua, giá cả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở chợ lẻ đã có sự điều chỉnh tăng. Cụ thể, tại chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An), rau muống, cải bẹ xanh, cải ngọt, đậu bắp, cà chua… giá đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, dao động từ 12.000 - 18.000 đồng/kg.

Không chỉ giá các loại hàng bông có xuất xứ từ Đà Lạt như cà rốt tăng 10.000 đồng/kg lên 28.000 - 30.000 đồng/kg, bông cải trắng tăng 15.000 đồng/ kg lên 45.000 - 50.000 đồng/ kg, mà các loại rau hàng bông Trung Quốc giá cũng được đẩy lên ngang bằng rau Đà Lạt. Các loại rau thơm như rau húng giá tăng 100% lên 40.000 đồng/kg, xà lách búp cũng đứng ở mức 50.000 đồng/kg…  

Một số loại thực phẩm đang rục rịch tăng giá. Ảnh: T.HUỲNH

Chị Hai, tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Lái Thiêu, cho biết trước tình trạng buôn bán khá chậm như hiện nay tiểu thương cũng không muốn giá bán lẻ tăng, nhưng sau 2 đợt tăng giá xăng dầu liên tục gần đây, giá vận chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ đã tăng thêm vài chục ngàn đồng/chuyến; thêm vào đó, mấy tuần qua do mưa bão liên tục gây ngập úng, rau hư dập nhiều, nguồn cung hạn chế… khiến giá tăng.

Cùng trong xu hướng giá tăng, các loại thịt gia cầm, thủy hải sản đã tăng bình quân từ 3.000 - 10.000 đồng/kg. Tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), trong khi thịt heo, bò, tôm vẫn bình giá thì gà tam hoàng làm sẵn nguyên con tăng bình quân 3.000 đồng/kg, từ 75.000 đồng/kg tăng lên 78.000 - 80.000 đồng/kg (tùy loại); cá thác lác tăng thêm 10.000 đồng/ kg lên 270.000 đồng/kg. Hiện giá gạo tẻ thường cũng đã tăng thêm 500 đồng/kg, lên 13.500 - 14.000 đồng/kg…

Tuy không bị tác động ngay như chợ truyền thống nhưng các mặt hàng trong siêu thị cũng không thoát khỏi đà tăng giá. Giám đốc Siêu thị Co.opMart Bình Dương Võ Hữu Thạch cho rằng, thường theo quy luật giá xăng tăng không ảnh hưởng nhanh đến giá cả hàng hóa trong siêu thị nhưng sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất, kinh doanh trực tiếp, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Đối với siêu thị, sau mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, khoảng một tháng sau mới tác động đến giá bán lẻ. Trong thời gian đó, siêu thị sẽ đàm phán với các nhà phân phối để có giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, xăng dầu điều chỉnh tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Bến Cát Nguyễn Anh Tài cho biết giá xăng tăng một làm cho chí phí vận tải, nhiên liệu phụ trợ cũng đội lên một, trong khi giá cước không thể tăng lên tương ứng. “Tình hình kinh doanh vận tải hành khách hiện nay đang rất ế ẩm, cung đang vượt cầu; rồi giá xăng dầu tăng lên mức kỷ lục, tháng này HTX cầm chắc thua lỗ. Ban Giám đốc HTX cùng các thành viên đang bàn bạc thêm về vấn đề này, nhưng tăng giá là điều không tránh khỏi”, ông Tài chia sẻ.

Tìm cách cải thiện sức mua

Nhằm kích thích sức mua, bảo đảm ổn định thị trường và tăng trưởng, từ đầu năm đến nay, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại lớn nhằm thu hút khách hàng. Co.opMart có chương trình “Đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng xanh” với liên tiếp 6 chương trình khuyến mại. Để giảm áp lực tăng giá, Co.opMart chủ động phối hợp với các nhà cung cấp giảm giá 12 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 3-6, sớm hơn 18 ngày so với quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng. Big C tổ chức chương trình mừng sinh nhật lần thứ 16 bằng 3 chương trình “Đồng hành cùng người tiêu dùng Việt”. Chương trình được khuyến mại giảm giá hấp dẫn đến 50% ở 1.250 mặt hàng trải rộng ở hầu hết các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, đồ gia dụng, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, điện tử, điện máy...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường đưa hàng hóa đến vùng nông thôn phục vụ bà con… Nhìn chung, các ngành, doanh nghiệp bán lẻ đã dùng nhiều cách để kích thích tiêu dùng, tuy nhiên sức mua vẫn tăng chậm.

Thống kê tình hình hoạt động lĩnh vực thương mại của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2014 của Sở Công thương, cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện gần 52.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2013 và chỉ đạt 45,2% so với kế hoạch năm 2014. Riêng tháng 6 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện trên 9.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước.

Sức mua trên thị trường chưa được cải thiện nhiều, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, việc xử lý nợ xấu diễn ra với tốc độ chậm, tăng trưởng tín dụng thấp… là những nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa trên thị trường ít có cơ hội “làm giá”. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2014 của cả nước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và sau nửa năm, CPI đi khá chậm chỉ tăng được 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% dẫn đến khả năng cả năm đạt kế hoạch GDP tăng 5,8% trở nên khó khăn.

Như vậy, có thể thấy tốc độ lạm phát đã chựng lại, các chỉ số vĩ mô được công bố trong thời gian gần đây cũng được đánh giá tích cực, nhưng việc tăng giá xăng dầu liên tục trong thời gian gần đây đang gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng trong thời gian tới.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên