“Giặc bên Ngô” dễ thương...

Cập nhật: 02-06-2012 | 00:00:00

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” - Câu này... ám ảnh rất nhiều cô gái chuẩn bị theo chồng. Có người sợ “đụng chuyện” với chị em  gái của chồng còn hơn cả mẹ chồng (mà họ quên rằng, khi chưa đi lấy chồng họ cũng là... bà cô của một chị, em nào đó về làm dâu nhà mình!). Tuy nhiên, khi tình cảm hữu hảo, rất nhiều “giặc bên Ngô” dễ thương và giúp ích rất nhiều...

1. Đến bây giờ, Hạnh Tâm kể lại chuyện mình “sợ bà cô” bên chồng mà vẫn phì cười cho cái tính lo xa của mẹ con chị. Theo chị, ngày chuẩn bị đi làm dâu, cả chị và mẹ đều rất lo khi biết người chị cả của chồng tương lai lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình. Vẫn cái câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” ấy, mẹ Hạnh Tâm nói: “Con ơi, bà cô em đã khó, những người chị chồng quá lứa lỡ thì như thế còn khó khăn biết bao nhiêu nữa. Hay là... chờ mối khác hả con?”. Thương, lo cho con là đúng nhưng “lo xa” đến cả bà chị chồng tương lai như thế quả là quá cẩn thận.

Không ngờ sự thật sau khi kết hôn của Hạnh Tâm hoàn toàn khác và đến giờ, nhất nhất chuyện gì chị cũng “nhờ chị chồng mình mới được như thế này”. Nhà chồng kinh doanh và hầu như, mọi vấn đề sổ sách đều do người chị chồng tính tình chu đáo nhưng rất tháo vát quản lý. Công việc ngày một ăn nên làm ra. Trong nhà có nhiều con trai nhưng ai cũng đi làm như dạy học, bác sĩ... nên nghiễm nhiên, chuyện phát triển kinh doanh là một chuỗi nhà hàng ăn uống, đại lý nước giải khát... của đại gia đình một tay chị cả quản lý.

Và chị rất “đáng mặt làm chị” khi phân xử đàng hoàng, đâu ra đó việc riêng của những gia đình nhỏ mấy đứa em. Ngày vợ chồng Hạnh Tâm cất nhà ra riêng, đang... rối ruột với một khoản nợ lù lù vì tâm lý “làm nhà ở cả đời phải làm cho ưng ý, hoàn thiện” thì chị cả gọi hai vợ chồng tới. Chị đưa ra một khoản tiền bằng đúng số mà hai vợ chồng Hạnh Tâm đang thiếu! Ngạc nhiên đến... tròn mắt nhưng “giặc bên Ngô” chỉ cười, lặng lẽ: “Đó là phần của hai em. Chị tính hết rồi, 4 đứa em chị đều chia quyền lợi, trách nhiệm như nhau. Chị quản lý giúp và giờ đã đến lúc đưa cho tụi em”. Ba mẹ chồng của Hạnh Tâm tất nhiên luôn luôn an lòng khi mọi việc được cô con gái suy tính đâu ra đó.

Cũng nhờ cái tính thương em, lo cho em như thế, chị cả lo luôn cho mấy đứa cháu. Nào là xin học, phụ thêm tiền sữa, tiền đồ chơi, thỉnh thoảng tổ chức cho cả đại gia đình đi du lịch... Chị Hạnh Tâm nói: “Thế nên, giờ mấy chị em dâu nhà tôi ai cũng... tranh nhau sau này đón “giặc bên Ngô” về sống chung để phụng dưỡng vì chị thiệt thòi, không có gia đình riêng”.

2. Với chị Liên, ban đầu cũng “sợ em chồng hơn cả ba mẹ chồng” như thế nhưng dần dần, khi về chung sống với nhau, họ trở nên thân tình như bạn bè, như chị em gái.

Chị Liên kể, mình ngại cô em chồng này lắm vì khi chưa về làm dâu nghe nói cổ học rất giỏi, đi làm toàn tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Hoa này nọ. Nghĩ, mình chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường chắc bị cô ấy khi dễ, nhìn bằng... nửa con mắt nên rất lo.

Thế nhưng không ngờ em chồng lại là “nơi nương tựa” đúng nghĩa của chị Liên. Gia đình chồng hay tổ chức nấu nướng, gặp mặt vào cuối tuần hay lễ lược giỗ chạp gì, nếu những món chị làm hư, dở bị mẹ chồng phàn nàn là cô em đứng ra... đỡ đạn! “Là con làm đó mẹ! Chà, tệ quá, phải học nữ công gia chánh nhiều hơn mới đi lấy chồng, làm dâu được”. Cô em chồng vừa cười vừa nhận lỗi giúp, cứu chị dâu một bàn thua trông thấy!

Những lúc bận việc đột xuất hay đi công tác xa thì em chồng chị Liên lại trở thành một “bảo mẫu” vô cùng ân cần khi chăm sóc cháu gái. Chị Liên hoàn toàn yên tâm vì con gái được cô nó chăm sóc rất kỹ, lại còn được dạy kèm cho học, đỡ phải mướn cô giáo tiếng Anh. Thêm vào đó là những lúc khó khăn, gặp chuyện “bí rị” trong công việc, Liên chỉ cần “em à, giải quyết giúp chị cái này coi” là mọi chuyện trở nên êm gọn. Chưa kể những lần vợ chồng hục hặc, Liên luôn có “đồng minh” là em chồng bởi “chúng mình cùng phận nữ nhi”...

Tình cảm chị chồng, em dâu tốt đẹp như thế nên ngày em chồng xuất giá tòng phu, Liên cho biết không như nhiều người nói là “thoát nạn bà cô” mà chị cảm thấy hụt hẫng và thương yêu cô em này thật lòng. Cả hai giờ không còn ở chung nhà nữa nhưng vẫn giữ tình cảm tốt đẹp, thỉnh thoảng chị em lại “ới” nhau lượn shop hay đi spa thư giãn cùng nhau.

Thế mới biết “giặc bên Ngô” quả là không đáng sợ nếu các cô con dâu biết trân quý tình cảm, biết sống chân thành với nhau.

NGỌC LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên