Giai điệu “anh ơi”

Cập nhật: 04-09-2012 | 00:00:00

Ngày mới yêu, khi nàng gọi “anh ơi” là anh thấy ngất ngây. Giờ vợ chồng rồi, hai tiếng ấy lại ám ảnh đến mức mỗi lần nghe là anh cau mày khó chịu. 

Viên đạn bọc đường

Dường như vợ để sẵn hai tiếng “anh ơi” nơi đầu lưỡi. Không, chính xác là… đầu ngõ. Vừa xách cái bụng đói meo từ cơ quan về, mới thò đầu vào sân anh đã thấy vợ đứng trên thềm: “Anh ơi, em quên mua ít thịt nạc nấu cháo cho con. Anh mua giúp em, héng”. Tiếng “héng” vừa dứt, vợ cũng vừa thụt đầu vào bếp, coi như “thê lệnh như sơn”. Bực quá, anh nghiêng xe, rú ga, trở đầu cái vèo làm bụi bay tứ tán.

 Chợ trưa, các chị rỗi hơi, thấy anh vào thì tranh nhau nói cười phe phé. Anh đứng lớ ngớ trong một rừng “anh ơi”: Anh ơi, mua trứng em đi. Anh ơi, mua thịt em đi. Anh ơi, mua rau em đi. Anh ơi…

Xách được cái túi thịt “thoát” ra ngoài, anh mướt mồ hôi trán. Tiếng lao nhao vẫn đuổi theo: Cha này đẹp trai, ông này dễ thương, con nào tu chín kiếp mới lấy được thằng chồng biết đi chợ. Không hiểu sao anh nghĩ “cung bậc anh ơi” trong chợ tuy có mùi thị trường nhưng thật êm tai. Còn tiếng “anh ơi” ở nhà như viên đạn bọc đường, vì đằng sau âm thanh ngọt ngào ấy là thau chén chưa rửa, nhà chưa lau, đồ chưa giặt... Điệp khúc “anh ơi” nghe mà phát hoảng.

Về nhà, vừa cầm tờ báo thì “ngữ điệu” quen thuộc lại từ bếp vọng lên: “Anh ơi, rửa giùm miếng thịt cho em với”. Ném tờ báo cái rẹt, anh xuống bếp vừa rửa vừa làu bàu. Tính quay lên thì vợ tuôn ra một loạt “anh ơi”. Và anh lại lau bếp, giặt khăn, nhặt rau, soạn mâm, giã ớt… Tưởng hết “anh ơi”, anh hỏi ngay vợ: “Em còn gì để “anh ơi” nữa không?”. Vợ cười hí hí: “Anh ơi, chai mắm hết rồi, anh chạy ra đầu đường mua nghen”. Anh đi, nghe bước chân mình nặng trịch.  

“Anh ơi”, hai tiếng êm đềm

Có lần nỗi niềm “anh ơi” được đặt lên bàn nhậu. Bạn bè khuyên anh, nói ông phải “vùng lên”, cứ làm rô bốt mãi là không được. Đồng ý chồng phải giúp vợ nhưng mức độ thôi. Đằng này việc gì ả cũng cầm remote, bấm nút “anh ơi” là ông bị kích hoạt ngay. Kiểu đó thì từ chết tới bị thương là phải lắm. 

Một người khác nói vợ ông sai vặt “có hệ thống” rồi. Giờ ông phải can đảm nói không với… điệu buồn “anh ơi”. Ông phải dĩ độc trị độc. Cô ta “anh ơi” thì ông cũng “em ơi”. Tại sao không?

Có người ứng khẩu: “Mỗi lần vợ gọi “anh ơi”/ Chồng đang khỏe bỗng rụng rời tay chân”. Cả bàn nhao nhao tán thưởng, khen thơ hay, sâu sắc. Anh ngồi im nãy giờ chợt hoạt bát hẳn lên: rót, uống, rót, uống liên tục.

Anh loạng choạng về nhà. Vợ ngồi sẵn trên bậu cửa, nói: “Anh ơi, ra hiên rút đồ giùm với, trời sắp mưa đó nghen”. Anh gằn giọng, nói: “Cô bỏ ngay cái thói sai chồng nghe chưa? Cô tự đi mà làm lấy. Còn tui hả, một con cọp không thể làm cái việc của con cò”. Vợ bỗng dụi mắt mấy lần, nhìn anh từ đầu đến chân như không tin người đang phùng mang trợn mắt là chồng mình. Nàng nói: “Ui chà, sao bữa nay ông làm dữ vậy? Ai đã hà hơi tiếp sức cho anh? Bạn hay bia?”.

Hôm sau vợ vẫn lặn lội bờ sông với từng gánh cá nặng trĩu. Về nhà, vợ lặng lẽ quét tước, dọn dẹp, làm bếp nhưng không hé nửa lời. Chồng tiu nghỉu. Chợt  thấy thèm quá hai tiếng “anh ơi”, chồng xuống bếp đứng xớ rớ. Vợ nói “cọp” cứ đi làm cái việc to tát của “cọp”, mấy việc nhỏ lẻ để cho “cò”. Anh ôm vai vợ, nói thôi mà em, anh sai rồi.

Mắt vợ ánh lên một nét cười. Đang muốn làm cái gì để “nịnh” thì vợ nói: “Anh ơi, đi đón con về ăn cơm kẻo trưa”.

Lâu lắm rồi anh mới nghe lại giai điệu “anh ơi” êm đềm như thuở chớm yêu.

Theo TNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên