Giải pháp hoàn thiện mạng lưới cung cấp xăng dầu

Cập nhật: 12-12-2019 | 08:29:39

Theo Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương - đơn vị tư vấn Đề án điều chỉnh, phát triển mạng lưới xăng dầu tỉnh Bình Dương đến năm 2030, mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có những điểm bất cập, như: Vẫn tồn tại một số cửa hàng xăng dầu không còn phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác của địa phương; chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường; chưa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành...

 Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa)

 Có một thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh có cửa hàng xăng dầu nhỏ về quy mô, xấu về kiến trúc, lạc hậu về công nghệ, vị trí nằm trong khu dân cư đông đúc nên cần thiết phải cải tạo, nâng cấp hoặc dừng hoạt động để bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng con người. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến sự tăng dân số, thay đổi về mặt quy mô và phân bố các ngành sản xuất, sự gia tăng các phương tiện, máy móc và thiết bị cần sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu… đòi hỏi cần phải bố trí mạng lưới kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay.

Hướng đi cần thiết

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết xuất phát từ thực trạng mạng lưới kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc điều chỉnh, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2030 là cần thiết nhằm củng cố và phát triển các cửa hàng xăng dầu phù hợp theo vị trí, quy mô, kiến trúc, cấp độ công nghệ, an toàn cháy nổ để thỏa mãn với điều kiện phát triển hiện tại và bảo đảm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá sự phù hợp của các cửa hàng xăng dầu hiện hữu so với tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành, việc điều chỉnh, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung cải tạo, nâng cấp hoặc dừng hoạt động các cửa hàng xăng dầu không phù hợp quy hoạch phát triển đô thị, không bảo đảm điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định; hoàn thiện hồ sơ pháp lý cửa hàng xăng dầu hiện hữu, bảo đảm được điều kiện kinh doanh xăng dầu; phát triển cửa hàng xăng dầu mới theo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sự phát triển của các huyện, thị, thành phố.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để các ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh phối hợp quản lý, điều chỉnh, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành.

Bảo đảm kinh doanh đúng pháp luật

Theo đơn vị tư vấn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 246 cửa hàng xăng dầu bảo đảm điều kiện hoạt động kinh doanh. Số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh có thể giữ nguyên hiện trạng cửa hàng xăng dầu để hoạt động hoặc cải tạo mở rộng theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 149 cửa hàng xăng dầu cần bổ sung, cải tạo để hoàn thiện điều kiện theo quy định trước khi tiếp tục kinh doanh và 1 cửa hàng xăng dầu không bảo đảm an toàn. Các cửa hàng này có nhiều nguy cơ gây thiệt hại, mức độ nguy hiểm cao cần phải tiến hành kiểm tra ngay để đánh giá nguy cơ gây thiệt hại, mức độ nguy hiểm và quyết định việc tiếp tục hoạt động kinh doanh của cửa hàng xăng dầu.

Trong khi đó, Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương đề xuất xây dựng cửa hàng xăng dầu trong các trạm dừng nghỉ đường bộ để phục vụ phương tiện giao thông - vận tải là thuận lợi và cần thiết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi đưa ra con số cụ thể về hiện trạng xăng dầu đơn vị tư vấn cần bám sát thực trạng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Việc điều chỉnh theo phương án của đơn vị tư vấn cần bám chặt quy hoạch của tỉnh, tích hợp với quy hoạch của các ngành chức năng.

Cùng với đó, việc đề xuất các cửa hàng xăng dầu không bảo đảm an toàn, nhiều nguy cơ gây thiệt hại, mức độ nguy hiểm cao cần phải tiến hành kiểm tra ngay để đánh giá nguy cơ gây thiệt hại, mức độ nguy hiểm và quyết định việc tiếp tục hoạt động kinh doanh của cửa hàng xăng dầu đơn vị tư vấn cần đưa ra các tiêu chí, đồng thời có đề xuất những giải pháp cụ thể với ngành chức năng. Đặc biệt, đơn vị tư vấn cần đưa ra tiêu chí nào để cải tạo và tiêu chí nào đề xuất xóa bỏ.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương trong tỉnh cho rằng cần bám sát vào quy hoạch của ngành giao thông - vận tải, ngành xây dựng để tránh bị chồng chéo. Trong đề xuất xóa bỏ các cửa hàng không đủ điều kiện để tồn tại cần có hướng dẫn, lộ trình để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp...

Ông Hồ Văn Bình lưu ý đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ hơn hiện trạng, bám sát quy hoạch phân khu, quy hoạch của các ngành, địa phương và quy hoạch của tỉnh, từ đó cụ thể hóa, tránh chồng chéo trong công tác quy hoạch xăng dầu. Những đề xuất tham mưu giải quyết các vi phạm tồn đọng cần cụ thể hóa, có lộ trình thực hiện và có sự phối hợp giữa các ngành để tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp, trên cơ sở kinh doanh đúng pháp luật và điều kiện của địa phương.

 Theo Đề án điều chỉnh, phát triển mạng lưới xăng dầu tỉnh Bình Dương đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 kho dự trữ xăng dầu với tổng dung tích 66.200m3, do 4 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 2 kho đang hoạt động với dung tích 52.100m3 và 3 kho đang xây dựng với dung tích 14.100m3. Toàn tỉnh có 432 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, 16 cửa hàng đã có chủ trương và đang tiến hành xây dựng. Đa phần cửa hàng bán lẻ xăng dầu có quy mô vừa và nhỏ, phân bổ tập trung ở khu đô thị và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên