Theo khuynh hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của thế giới, cũng như khuynh hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam, có thể nói Bình Dương đang hội nhập TMĐT với tốc độ nhanh. Với sự hỗ trợ về chính sách từ các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương, các văn bản pháp luật được ban hành ngày càng sát sườn, đã giúp DN mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, mô hình phát triển TMĐT mới, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Phát huy những thành quả đó Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin (CNTT), Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM), đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ để DN hội nhập TMĐT ngày càng sâu rộng, góp phần nâng cao chỉ số TMĐT của tỉnh nhà một cách bền vững, tiến tới đầu tư xây dựng TMĐT thông minh, phục vụ tốt cho tiến trình xây dựng Đề án thành phố thông minh và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Sử dụng máy CNC lập trình tạo hình và sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH MTV Tường Văn ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên
Hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tốc độ phát triển kinh tế bình quân của tỉnh (chỉ số GRDP) là 8,1%/ năm. Toàn tỉnh có hơn 25.000 DN. Trong đó có 12,9% là DN có vốn đầu tư nước ngoài, 87% là DN trong nước. Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của DN đạt hiệu quả cao. Kim ngạch XNK bình quân tăng 15,6%/năm. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng và đa dạng với hơn 174 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND và sự phối hợp của các sở ngành có liên quan luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN và tháo gỡ khó khăn cho DN trong cơ chế quản lý hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chính phủ đồng hành cùng DN và Chỉ thị số 16/CT-UBND tỉnh về việc hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Sở Công Thương với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều hành quản lý về lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, trong đó có hoạt động hỗ trợ DN trong sản xuất và tìm kiếm thị trường.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Nhìn chung, hoạt động TMĐT trong thời gian qua ở Bình Dương đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác hỗ trợ phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ của Cục TMĐT và CNTT - Bộ Công Thương. Sự phối hợp, đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành đã nâng cao hiệu quả các chương trình TMĐT trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển TMĐT. Nhờ vậy, năm 2017 tỉnh Bình Dương đạt chỉ số phát triển TMĐT- EBI đứng thứ 4 so với cả nước. Trong đó việc ứng dụng tin học, công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh được DN áp dụng cao và hình thức giao thương trực tuyến hiện là xu hướng mới cũng được nhiều DN tham gia tìm kiếm phát triển thị trường.
Nhiều DN thành công và... trăn trở
Ông Lê Bá Linh, Giám đốc DNTN Tư Bốn là DN đã ứng dụng TMĐT từ nhiều năm trước: “Tôi đã tự học Anh văn và áp dụng giải pháp TMĐT trong xuất khẩu sản phẩm hàng sơn mài rất lâu rồi. Có thể nói Tư Bốn thành công như hôm nay là nhờ TMĐT. Qua mạng, tôi đã tìm được nhiều khách hàng. TMĐT trong những năm vừa qua là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.
Ông Lưu Trí, Công ty Nghệ Năng cho biết TMĐT là xu thế tất yếu để DN, nói chung và Nghệ Năng phát triển thị trường. Ông Trí chia sẻ bài học kinh nghiệm của công ty. “Thứ nhất, chúng tôi có hệ thống viễn thông khá ổn định. Với việc sử dụng hotline 19006434 riêng của công ty, khách hàng có thể gọi đến tổng đài này để nghe tư vấn về sản phẩm, hoặc được gặp những nhân viên trong từng phòng ban cụ thể. Việc sử dụng tổng đài riêng của công ty, giúp khách hàng tiếp cận với công ty một cách trực tiếp, giải quyết những vấn đề cần trao đổi nhanh chóng hơn. Thậm chí, với hạ tầng của mạng lưới viễn thông như hiện nay và đặc biệt là sự phát triển của smartphone, công ty cũng đã bắt đầu giao dịch qua điện thoại di động hoặc các ứng dụng trò chuyện trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí cho cả hai bên. Thứ hai, để quản lý dữ liệu khách hàng và xử lý đơn hàng, chúng tôi thực hiện mọi công việc của bộ phận Kế toán - Kinh doanh trên phần mềm trực tuyến Amis. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công việc được thực hiện một cách chính xác và có thể kiểm tra lại một cách nhanh chóng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ, các khách hàng và công ty có thể thực hiện được các giao dịch thương mại nhanh, chính xác, không tốn nhiều chi phí. Thứ ba, để có một kênh tương tác trực tiếp với khách hàng, chúng tôi xây dựng hệ thống website và các kênh kết nối khác như facebook, G+, blog, youtube… Các hoạt động marketing online được đẩy mạnh trên các kênh truyền thông trực tuyến này, giúp công ty quảng bá được sản phẩm đến nhiều đối tượng người tiêu dùng, từ đó tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng. Trong đó, website công ty hoạt động rất hiệu quả, thu hút được hơn 1.000 lượt truy cập mỗi ngày. Thông qua hoạt động SEO (Search Engine Optimization) của phòng IT, những từ khóa về sản phẩm của công ty liên tục đứng ở thứ hạng đầu tiên trong công cụ tìm kiếm Google. Các hoạt động marketing này hỗ trợ rất nhiều cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho hoạt động kinh doanh, bán hàng.
Song bên cạnh những thế mạnh kể trên của TMĐT, DN vẫn còn nhiều e ngại. Ông Lê Bá Linh, DN Tư Bốn cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương cho biết, hiện nay nhiều DN sơn mài trong tỉnh muốn tham gia giao dịch thương mại trực tuyến để tìm kiếm đối tác, thay vì tham gia các hội chợ. Song vấn đề mà các DN đang băn khoăn, trăn trở là cách làm để có thể khai thác tốt các ứng dụng CNTT để quảng bá sản phẩm và hạn chế những rủi ro khi giao dịch TMĐT!
Tiến đến đầu tư xây dựng TMĐT thông minh
Để tích cực góp phần phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hỗ trợ DN hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hơn, trong đó có TMĐT, Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Bình Dương cho biết: “Nằm trong Đề án xây dựng thành phố thông minh là việc xây dựng TMĐT thông minh. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện các giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa theo hướng ảo hóa vàđiện toán đám mây. Toàn tỉnh đang phấn đấu hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của tỉnh trên nền tảng hiện đại, thông tin cập nhật kịp thời, phong phú, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Triển khai các phương tiện giao tiếp khác phục vụ người dân, DN. Triển khai contact center, các kênh thông tin, đối thoại trực tuyến với người dân, DN. Đặc biệt, Sở Công Thương đã hoàn thành công tác tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Đề án Xây dựng sàn giao dịch TMĐT.
Và để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của DN về an toàn mạng, an toàn TMĐT, Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đang nâng cấp trang thông tin điện tử của các cơ quan nhànước, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ theo quy định pháp luật, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hoàn thiện cổng giao dịch TMĐT của tỉnh hỗ trợ DN, cá nhân tiếp cận ứng dụng TMĐT. Triển khai toàn diện, có hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước, trước hết là DN nhà nước và các DN lớn. Gắn kết chặt chẽ ứng dụng, phát triển CNTT với bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các hạ tầng thông tin trọng yếu. Nâng cao năng lực về nhân sự, trang thiết bị nhằm phát hiện, phòng, chống và ứng cứu các sự cố về an toàn, an ninh thông tin.
Với những thành tựu khả quan trong thời gian qua, cùng với những giải pháp tích cực hỗ trợ DN hội nhập TMĐT mạnh mẽ trong thời đại công nghiệp 4.0, hy vọng TMĐT Bình Dương sẽ khởi sắc. Và DN Bình Dương nếu biết cách vận dụng những chiến lược tiếp thị hiệu quả, DN sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng, góp phần phát triển TMĐT tiến đến xây dựng hệ thống TMĐT thông minh với nền tảng thông minh, dịch vụ thông minh, hệ cơ sở tri thức, kết nối thông minh, thanh toán thông minh và sự chia sẻ lợi nhuận thông minh. Vì trên lộ trình của cuộc cách mạng 4.0 và xây dựng thành phố thông minh, việc đầu tư để “thông minh hóa” cho hệ thống TMĐT là biện pháp tối ưu để tồn tại, phát triển song song với hạ tầng 4.0, là sự cạnh tranh công bằng, cũng chính là con đường duy nhất để một DN, cũng như một nền kinh tế tạo ra sự khác biệt, thu hút khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận.
BẢO ANH